Không chỉ là nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện quan trọng, đình làng Nhật Tảo còn được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử quan tâm, bởi nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị liên quan tới văn hóa người Chăm Pa cổ. Đình Nhật Tảo thờ Thái tể thượng tướng Trần Nguyên Trác, con thứ hai của vua Trần Minh Tông.
Trong suốt cuộc đời làm quan, Thái tể thượng tướng Trần Nguyên Trác đã từng giữ rất nhiều trọng trách quan trọng trong triều đại nhà Trần xưa như: Từng được phong là Cung tĩnh Đại vương; Thái úy; Tả tướng quốc; Thái tể thượng tướng. Ấp Cảo Điền xưa, nay là địa phận thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội là nơi ông được vua cha ban cho để cai quản.
Trần Nguyên Trác với tài đức văn võ song toàn, được xem là trụ cột của hai triều vua Hiến Tông và Dụ Tông. Năm 1369, sau những biến cố lịch sử, Dương Nhật Lễ âm mưu lật đổ nhà Trần. Đêm 20/9/370, Trần Nguyên Trác cùng con là Trần Nguyên Tiết đã dẫn quân vào thành để tiêu diệt tên phản nghịch.
Tuy vậy, cuộc tập kích thất bại, cha con Trần Nguyên Trác cùng 18 cận vệ bị bắt sống và bị hành quyết vào ngày 21/9/1370. Vị danh tướng này mất khi 51 tuổi. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong quá trình khai hoang, lập ấp ở vùng đất này, dân chúng nơi đây đã lập miếu thờ cúng hàng năm.
Với lịch sử hàng trăm năm tuổi của mình, đình Nhật Tảo từng là chứng nhân lịch sử của nhiều sự kiện quan trọng. Nơi đây là nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo chứng minh sự giao thoa của nền văn hóa Đại Việt với nhiều nền văn hóa khác, một trong số đó là văn hóa của người Chăm Pa cổ.
|
Tượng phỗng án ngữ ngay lối vào hậu cung đình Nhật Tảo |
Tại đình Nhật Tảo hiện vẫn còn những dấu tích Chăm sót lại. Đó là đôi tượng phỗng gỗ và hai bức phù điêu mang hình hài Kinara (đầu người, thân chim). Đôi phỗng ở đình Nhật Tảo được làm từ chất liệu gỗ nhìn khá đặc biệt, được đặt hai bên trước lối vào hậu cung. Mỗi phỗng cao hơn 1m trong tư thế quỳ.
Phỗng có 2 búi tóc trên đầu được sơn đen phân biệt với khuôn mặt đẹp ở dưới. Nhìn tổng thể gương mặt vuông vức, nhìn thẳng, trán cao, má bạch, cằm hơi nhô ra phía trước, lông mày nhỏ sắc, mắt to tròn, mũi lớn, miệng cười rộng vừa phải, tai to, cổ tròn, đôi tay đưa ra phía trước, nắm lại như cầm vật và so le trên dưới.
Không ai biết chính xác đôi phỗng có từ bao giờ, người dân nơi đây đồn đoán có từ khi xây đình. Hai ông phỗng này là tượng trưng cho 2 người hầu thân cận và trung thành của Thái tể thượng tướng Trần Nguyên Trác đồng thời là thành hoàng của làng Nhật Tảo.
Tại đình Nhật Tảo còn giữ được 2 bức phù điêu mang hình hài Kinara được tạo tác và gắn trên nóc gian tiền tế. Tuy nhiên, 2 bức phù điêu này với những nét đã được cách điệu và có dáng dấp giống với các tiên nữ thường xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc Việt truyền thống. Nhưng hình hài nhân điểu (thân chim) thì rất rõ. Khuôn mặt tượng được tạc rất nữ tính: Mắt nhỏ, lông mày sắc, môi tô son, mũi thẳng, mặt trái xoan, tai to… Thân mặc chiếc váy có nhiều nếp và hoa văn, được thể hiện trong tư thế nhảy múa tay dang ra, uốn cong lên, xòe rộng đôi cánh với ba lớp lông.
|
Tượng đầu người mình chim trên bức phù điêu trong đình |
Bụng của Kinara được buộc một dải lụa đỏ, để giữ lấy phần áo, chân trong tư thế gập chéo về một bên. Có thể nhiều chi tiết được Việt hóa nên Kinara hay tiên nữ có đôi cánh đã có nhiều chi tiết bị thay đổi so với các Kinara mà chúng ta thường bắt gặp ở nghệ thuật Chăm Pa tại các khu vực miền Trung. Nhưng đây rõ ràng là một bức phù điêu mang hơi hướng văn hóa Chăm rõ rệt. Tiếc rằng năm 2005, hai bức phù điêu được sơn lại hoàn toàn mới nên không thể nhìn rõ các đường nét như ban đầu.
Hiện nay, nhiều hạng mục của đình Nhật Tảo đang được trùng tu lại, tuy nhiên những vị cao niên trong Tiểu ban di tích đình Nhật Tảo như ông Nguyễn Quốc Hùng và ông Nguyễn Văn Bẩy, chiếc cổng đình vẫn là điều khiến người dân băn khoăn. Bởi cổng đình làng Nhật Tảo sau khi bị giặc tàn phá đã được người dân xây dựng lại nhưng kiến trúc hiện đại không tương xứng với vẻ cổ kính của ngôi đình.
“Chúng tôi muốn được tu sửa lại cổng đình theo lối kiến trúc từ bức ảnh duy nhất chụp đình Nhật Tảo năm 1958. Tuy nhiên, hiện tại do kinh phí hạn hẹp chúng tôi chưa thể thực hiện được điều đó để con cháu sau này có thể thấy và lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống độc đáo của đình làng. Vì vậy trong thời gian tới chúng tôi mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và cả các cá nhân có lòng hảo tâm để phục chế lại chiếc cổng như cũ”, ông Nguyễn Văn Bẩy giãi bày.