Độc đáo tượng ông Đỏ, ông Đen hơn 700 tuổi ở chùa Nhạn Sơn

(PLVN) - So với miền Bắc, hệ thống tượng Hộ Pháp của miền Trung cũng có nhiều khác biệt, điển hình như đôi tượng hộ Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn. Từ hình dáng, khuôn mặt... tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn đều mang đậm nét truyền thống của tượng Hộ Pháp Champa cổ nhưng đã được Việt hóa với những nét văn hóa tín ngưỡng thuần Việt. 
Hai pho tượng ông Đỏ, ông Đen trong chùa Nhạn Sơn (Bình Định).

Bảo vật quốc gia 2020

Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 01/2020. Hai bức tượng cổ này có từ thời người Chăm còn đóng đô ở Đồ Bàn (thuộc xã Nhơn Hậu, tỉnh Bình Định ngày nay). 

Lúc mới dựng lên, chùa có tên là Thạch tự công, nghĩa là chùa thờ Ông Đá. Thời gian sau, người dân biết câu chuyện lý giải về hai pho tượng đá này nên đổi tên chùa thành Song nghĩa tự, tức là chùa thờ hai anh em kết nghĩa. Đến thế kỷ XVI, hòa thượng Chí Mẫn đổi thành Nhạn Sơn Linh Tự cho đến đến ngày nay.

Theo truyền thuyết, hai pho tượng trong chùa là tượng của đôi bạn chí thân Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền, hai người sống vào đời nhà Trần ở nước Việt. Huỳnh Tấn Công (pho tượng có màu sơn đỏ) là con một nhà nho nghèo ở Quảng Nam. Trên đường ra Thăng Long thi, khi đi ngang qua tỉnh Quảng Bình thì bị bệnh, ngất xỉu giữa đường. Một vị điền chủ giàu nổi tiếng ở Quảng Bình đi thăm ruộng vào sáng sớm phát hiện và đưa Huỳnh Tấn Công về nhà chữa trị. Con của vị điền chủ tên là Lý Xuân Điền (pho tượng sơn màu đen) cũng ra Thăng Long thi nên hai người cùng lên đường.

Trên đường đi, hai người thấy tâm ý hợp nhau nên kết nghĩa làm anh em. Cả hai đều thi đỗ và được làm quan to. Huỳnh Tấn Công làm quan văn nên tay cầm cây giản (là một cây lịnh), có nghĩa là ra vào trong triều không ai gạn hỏi. Ông Lý Xuân Điền cầm cây kiếm lệnh tức là làm quan võ, được quyền tiền trảm hậu tấu. Hai người lên làm quan đều được vua tin cẩn và trọng dụng. 

Chùa Nhạn Sơn nơi có bảo vật Phật giáo.  

Đang lúc loạn lạc, giặc Tàu đe dọa phương Bắc, quân Chiêm Thành uy hiếp phía Nam, vua Trần cử mỗi người cầm quân đi đánh dẹp một phương. Huỳnh Công Tuấn được cử đi đánh Chiêm Thành, nhưng chẳng may bị bắt làm tù binh rồi trở thành gia nô cho một viên đại thần trong triều đình Chiêm Thành. Tuy nhiên, nhờ có tài xem mạch, bốc thuốc, có lần Huỳnh Tấn Công đã chữa cho vua Chiêm Thành khỏi một căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, ông được sủng ái hết mực.

Sau khi dẹp xong giặc Bắc quay trở về, biết Huỳnh Tấn Công đang lưu lạc nơi đất Chiêm, Lý Xuân Điền quyết chí vào Nam tìm bạn. Đôi bạn thân này gặp được nhưng lại gặp lúc Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đem quân xâm lấn biên giới nước Chiêm Thành, hai ông xin cầm quân đánh giặc. Dù đánh đuổi được giặc nhưng tướng Lý Xuân Điền lại bị Xiêm La bắt.

Thời gian sau, hoàng tử Xiêm La cầu hôn em gái ông Huỳnh Tấn Công nên ông yêu cầu dùng Lý Xuân Điền làm lễ vật cầu hôn. Hai người gặp lại nhau và cùng trở về nước Việt. Hai người ra về được ít lâu, vì thương nhớ, vua Chiêm Thành đã sai thợ tạc tượng hai ông để hàng ngày được ngắm nhìn cho thỏa cũng là để tỏa lòng cảm mến, biết ơn và lưu niệm hậu thế.

Do chiến tranh, hai pho tượng đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng trăm năm. Sau đó, mưa nắng xói mòn nên hai búi tóc của các pho tượng lộ dần lên khỏi mặt đất. Trẻ con chăn bò thấy lạ đào bới, phát hiện tai, mũi, mắt, miệng, rồi dân làng đào lên được 2 pho tượng liền lập chùa để thờ lấy tên là Thạch tự công, nghĩa là chùa thờ ông Đá. 

Đến thế kỷ 16, vùng An Nhơn bị hạn hán kéo dài, Tuần phủ địa phương cho dân lập đàn tràng cầu mưa. Hòa thượng Chí Mẫnđược người dân giới thiệu đứng ra chủ trì việc lập đàn cầu mưa và kết quả đã có mưa giải hạn. 

Mang trong mình hai yếu tố Việt - Champa

Câu chuyện về hai pho tượng trong chùa Nhạn Sơn này được cụ Bùi Văn Lang ghi chép trong sách Địa dư mông học tỉnh Bình Định (xuất bản năm 1933 và tái bản năm 1935). Tuy có vài khác biệt về địa danh và một số tình tiết trong câu chuyện nhưng các dị bản này cũng nhằm mục đích lý giải về nguồn gốc hai pho tượng cổ ở chùa Nhạn Sơn. Hai pho tượng được xác định có niên đại vào thế kỷ XII – XIII. 

Hai ông Đỏ và Đen được thờ tự bên trong chính điện chùa Nhạn Sơn được đặt đứng trên bệ tròn, thân hình lực lưỡng; hơi ngả về phía trước, cổ căng ra, đầu quay về hướng đối diện. Hai bàn chân dang ra, đầu gối hơi chùng xuống. Đầu tượng đội vương miện, được tạo thành bởi các dải cánh sen cách điệu, tóc được búi lên thành một búi tròn lớn ở phía sau.

Khuôn mặt của hai ông được tạo với cặp lông mày rậm, gờ nổi lên, đôi mắt to, tròn lồi, mũi to phình ra, đôi tai to và dài, cổ có những đường gân nổi lên, tạo nên sự dữ tợn cho khuôn mặt. Trên thân đeo một sợi dây hình con rắn vắt chéo từ vai xuống hông; phần dưới mặc sampot bó sát đùi.

Hai bức tượng đều có kích thước khá lớn, tượng Ông Đen cao: 2m45, rộng: 1m52, dày: 0,70m. Tay phải cầm binh khí, tay trái đưa cong lên ngang ngực, lòng bàn tay cầm vật có chuôi hình xoắn ốc. Cổ chân mỗi bên được trang trí đeo hình rắn Naga.

Tượng Ông Đỏ cao: 2m42, rộng: 1m50, dày: 0,72m. Tay trái cầm binh khí, tay phải đưa cong ngang trước ngực. Bắp tay đeo chuỗi hạt có hình cánh sen ở giữa, cổ chân trái đeo hình rắn Naga, cổ chân phải đeo vòng kiềng có hình cánh sen ở giữa. Cả hai ông có trọng lượng khoảng 800kg. 

Theo các nhà nghiên cứu, qua khảo sát thực tế cho thấy, phía sau chùa Nhạn Sơn có một gò đất khá rộng và cao, người địa phương gọi là gò Tam Tháp. Theo tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, chức năng của Hộ Pháp thường được đặt ở trước cổng của đường vào các công trình kiến trúc tôn giáo. Vì vậy, hai pho tượng Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn vẫn giữ nguyên vị trí thời Vương quốc Champa cho đến bây giờ, gắn liền với 2 pho tượng là khu phế tích đền tháp Champa phía sau chùa Nhạn Sơn. 

Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn vẫn giữ nét truyền thống của tượng Hộ Pháp Champa từ phong cách Đồng Dương. Hai tượng này có kích thước to nhất, nguyên vẹn nhất và là đại diện cuối cùng cho loại hình tượng Hộ Pháp mang phong cách Tháp Mẫm. Đặc điểm hiếm có của Tượng Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn vừa mang yếu tố Văn hóa Việt vừa mang yếu tố của nền Văn hóa Champa

Chuyện hai pho tượng ở chùa Nhạn Sơn bị Việt hóa, Phật giáo hóa cũng là đặc điểm chung của rất nhiều tượng Chăm cổ còn sót lại ở Việt Nam. Hai pho tượng chùa Nhạn Sơn được người dân và nhà chùa mặc áo màu vàng và thờ cúng cùng với các vị Phật, bồ tát.

Trong tín ngưỡng của người dân địa phương, hai pho tượng này rất linh nên họ thường đến cúng bái, cầu tài lộc, bình an, học hành đỗ đạt… Những gia đình có con khó nuôi, bị bệnh tật hay thường khóc đêm đều đem đến chùa Nhạn Sơn “gửi bán Phật và hai ngài”. 

Đọc thêm