Muốn đủ sống phải chịu làm việc nặng
Đến xóm than xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp đó những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” đang gắng sức đẩy những chiếc xe than nặng trịch, hàng trăm ký.
Ai cũng biết, làm than là công việc vô cùng vất vả, cực nhọc, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không đất đai, vốn liếng nên họ cũng chấp nhận cực khổ để kiếm sống. Mặc dù là công việc nặng nhọc nhưng thu nhập ổn định, không cần vắt tay lên trán lo nghĩ nhiều.
Bảy năm làm công việc vác củi ở lò than, chị Lâm Thị Xa (40 tuổi, ấp Đông An 2A) chia sẻ: “Hồi trước chị trầm lá nhưng tiền kiếm được không bao nhiêu, trong khi con của chị bị bệnh, ngày nào cũng uống thuốc không đủ tiền xoay sở, chỉ có công việc này đủ tiền lo thuốc thang, trang trải cuộc sống”. Vợ chồng chị Xa có 2 đứa con, đứa lớn năm nay đã 17 tuổi nhưng không nói chuyện được, thường xuyên bị co giật.
Hai vợ chồng chị mỗi ngày phải làm quần quật từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối ở lò than, cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 - 200.000 đồng. Là phụ nữ nên công việc khiêng củi cũng không phải dễ dàng, đặc biệt đối với nghề than có lúc phải khiêng những khúc vài chục kí.
Nhớ lại lúc mới bắt đầu làm, chị Xa chia sẻ: “Lần đầu tiên chị mần công việc này, tối về ngủ nhức mình dữ lắm, nằm trở người không nổi, vai sưng phù lên cả tuần. Sau này, vác từ từ quen thì mới đỡ đó chớ. Làm cái này cực khổ lắm chớ đâu có sung sướng gì đâu em. Giờ mình còn sức khỏe thì mình mần để ráng lo cho con mình thôi”.
Dù làm cực và nặng nhọc các chị vẫn rất vui vẻ. Hôm nào nghỉ không gặp nhau thì cảm giác rất buồn. |
Từng làm nghề trầm lá như chị Xa, chị Lâm Thị Suối (31 tuổi) cũng phải bỏ nghề vì công việc tuy nhẹ nhàng nhưng làm không đủ sống. Tính đến nay, chị chuyển sang khiêng củi ở lò than cũng ngót nghét 6 năm.
“Lúc đầu chị không biết làm, rồi vô đây thấy người ta làm sao thì làm theo y vậy. Làm quài vậy đó, nào mệt thì nghỉ, khỏe làm tiếp tục. Ngày vác vài chục tấn, cuối ngày thì anh chị em chia tiền ra”, chị Suối vừa cười vừa nói. Vẫn lời chị Suối, tiền làm ra nhọc nhằn lắm nhưng cũng chỉ đủ để sống qua ngày.
Gánh luôn công việc của đàn ông
Công việc ở lò than chia thành nhiều công đoạn, lên củi từ ghe, cưa củi, lột vỏ, vô lò đốt rồi ra than. Mỗi người đều có công đoạn riêng, nhưng lúc nào thiếu người thì các chị san sẻ công việc phụ nhau. Giữa lúc trời nắng gắt, sức nóng bên trong lò than dường như tăng lên gấp bội.
Mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn trêu ghẹo nhau bằng những câu bông đùa, làm cho bầu không khí trở nên rôm rả, xua tan cái mệt mỏi và nóng bức nơi lò than. Có lẽ vì vậy dù công việc chui ra chui vào ở lò than không nhàn hạ, nhưng chị Nguyễn Thị Hậu, 41 tuổi (ấp Xuân Phú 2) ngày càng yêu thích công việc nơi đây hơn.
Nếu ngày nào được nghỉ, không đi làm thì chị cảm thấy rất buồn và thiếu thốn vì đã quen có chị có em làm than cùng nhau, gặp nhau hàng ngày. “Hồi trước nhà chị trồng cam, sau đó cam thất quá, rồi thấy vòng vòng xóm người ta làm lò than nên mình cũng đi làm theo. Công việc này vừa tiện lợi vừa có thu nhập hàng ngày, nên mình đi làm cái này lợi hơn”, chị Hậu vui vẻ kể.
Nhiệm vụ của chị Hậu là cùng nhóm chị em chất than lên xe rồi đẩy ra ngoài để nhóm đàn ông gánh than đi. So với những công việc khác thì làm than cực hơn, nhưng điều khiến chị vẫn gắn bó với công việc này là vì, làm than ổn định, có công việc để làm mỗi ngày, không bấp bênh như đi hái trái cây.
Những khúc củi mà các chị khiêng, có khúc nặng đến 50kg. |
Tuy chủ yếu việc của chị là ra than nhưng nếu những khâu khác thiếu người chị Hậu vẫn làm được. “Các chị em ở đây cũng làm những chuyện của đàn ông, cũng vác củi, chất củi, đẩy xe vô lò... Yêu cầu khả năng mình làm được là làm hết. Vào trong lò thì hơi ngợp, hơi nóng và mệt nhưng do quen rồi chị thấy cũng bình thường”, chị Hậu chia sẻ.
Cũng xuất thân từ nhà vườn, sau khi lấy chồng thì chị chị Phạm Thị Cẩm Thạch 38 tuổi (ấp Đông An 2) cũng về đây làm lò than. “Chị mới làm khoảng 2 năm nay, chị phụ trách vô lò lấy than đẩy ra. Lúc đầu, chị cũng không biết gì về than đâu, không phân biệt được than chín, than sống, nhưng sau đó làm vài lần rồi biết. Hồi chưa làm chị cũng sợ làm than cực rồi mình làm không nổi, đến khi bắt tay vào làm thì quen dần. Ở đây có nhiều chị em phụ nữ làm công việc này giống chị lắm”, chị Thạch chấm mồ hôi trên trán nói.
Có chứng kiến cảnh các chị chui vào hầm than mù mịt khói bụi, mới thấu hiểu được hết những cơ cực của các chị. Xung quanh khu vực làm than bụi bám đầy, trong hầm chứa than là nơi nóng và nhiều bụi nhất, cửa để đẩy xe ra vào vừa nhỏ và chặt hẹp.
Dù có đeo khẩu trang dày hay đội nón kín mít, thì làn da và nhan sắc của những người phụ nữa ở lò than cũng không thể giữ gìn được. Thậm chí các chị còn không có thời gian, điều kiện để ra chợ chăm chút cho bản thân mình, các chị muốn mua những món đồ riêng của phụ nữ cũng phải đợi ghe hàng hay xe hàng chạy bán vào xóm mới mua được.