Lịch sử Việt Nam nói chung và kỷ yếu các ngành khoa học của Việt Nam nói riêng còn mãi nhắc đến tên tuổi của vị vua nữ đầu tiên trên thế giới là Hai Bà Trưng; Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ người phụ nữ đầu tiên đã giả trai để đi thi tiến sỹ từ cuối thế kỷ XVI; GS.TS Hoàng Xuân Sính, nữ GS.TS đầu tiên của Việt Nam, cũng là phụ nữ nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Paris với bản luận án được viết dưới ánh đèn dầu leo lắt ở một ngôi nhà tranh vách đất rất đơn sơ; Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Khoa học nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một phụ nữ - Tiến sỹ vật lý Hoàng Thị Nga…
Từng bước trưởng thành
Nhìn lại tiến trình phát triển của dân tộc, có thể thấy rõ sự góp mặt của hàng chục triệu phụ nữ trên khắp mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó nữ trí thức là một lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
Đội ngũ nữ khoa học, trí thức Việt Nam đã từng bước trưởng thành với tỷ lệ nữ thạc sỹ năm 2014 là 43%, nữ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học là 21%; tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2012-2016 là 24,6%. Nhiều phụ nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Minh chứng rõ nét nhất cho vai trò và sự đóng góp của nữ trí thức trong quá trình phát triển xã hội đó chính là Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng cấp quốc gia đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ ở Việt Nam, mang tên nhà nữ toán học Nga thế kỷ XIX - Sophia Kovalevskaia.
Trải qua hơn ba chục năm, đến nay Việt Nam đã có 18 tập thể và 47 cá nhân các nhà khoa học nữ được trao giải thưởng, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức và vẫn thường được coi là thế mạnh của nam giới.
“Các chị là những minh chứng cho đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức” - tại lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam năm 2018 diễn ra vừa qua PGT.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã nhấn mạnh.
Vượt qua thách thức
Nhưng cũng có một thực tế phải thừa nhận rằng bình đẳng giới trong khoa học công nghệ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là của cả thế giới. Bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn chung như một số cơ chế chính sách còn thiếu nhạy cảm giới, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học còn chưa hiện đại, đầy đủ, đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học nữ Việt Nam còn đứng trước không ít thách thức khá đặc thù.
Đó là quan niệm mang tính định kiến về trách nhiệm của phụ nữ đối với công việc gia đình. Điều này trở thành rào cản khiến không ít các chị em phải nỗ lực gấp bội nếu muốn dành thời gian tương tự như nam giới cho công việc, cho niềm say mê nghiên cứu.
Người phụ nữ làm khoa học phải vượt qua nhiều khó khăn (ảnh minh họa) |
Như lời chia sẻ của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà: “Là một người phụ nữ, một người mẹ, một người vợ, tôi cũng rất chia sẻ với các chị em. Phụ nữ có những đặc thù rất riêng.
Một nam giới nhận quyết định và lên đường ra nước ngoài học tập, nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn người phụ nữ vì bước chân của chị em sẽ bị níu lại bởi những lo toan cho chồng, cho con, cho gia đình và rất nhiều thứ khác nữa”.
Cũng theo bà Hà, hiện nay nữ sinh của Đại học Khoa học tự nhiên đạt 61%, tỷ lệ nữ sinh học đại học cao hơn nam giới, tỷ lệ nữ học thạc sỹ gần tương đương với nam, nhưng càng học lên cao thì tỷ lệ nữ càng thấp. Con số các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thấp.
Theo con số nghiên cứu từ năm 2014 của Đại học Quốc gia thì trong ngành Khoa học tự nhiên và ngành An ninh quân đội, phụ nữ chỉ chiếm 3%, trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 12% và một số ngành khác thì chỉ khoảng 9-10%. Điều đó cho thấy, tiềm năng của phụ nữ là rất lớn nhưng họ lại gặp rất nhiều rào cản, khó khăn nên chưa phát huy hết năng lực.
Từ thực tiễn này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết Hội LHPN Việt Nam luôn ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, tham mưu chính sách đối với phụ nữ nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Hội LHPN Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ vừa qua cũng như hiện nay đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động hướng tới đội ngũ nữ trí thức và đội ngũ nữ khoa học. Hội là đơn vị bảo trợ để thành lập Hội Nữ trí thức và Hội Nữ trí thức hiện là tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam....
“Tuy nhiên, chúng tôi còn rất trăn trở về công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách đối với những đặc thù riêng của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách, góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng của đội ngũ nữ khoa học nói chung, nữ khoa học trong lĩnh vực tự nhiên nói riêng”, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết.
“Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức đó, ngoài sự nỗ lực tự thân của chính các nhà khoa học nữ, rất cần sự thay đổi trong nhận thức và ghi nhận của xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của các chị em.
Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có các chính sách, quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học nói riêng tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, không ngừng cống hiến, đóng góp cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ” -
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.