Đổi mới tư duy phát triển

(PLVN) - Trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội, đại biểu thảo luận sôi nổi về câu chuyện đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Các “nhà thiết kế” Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) muốn “quản” đến tận “hộ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu như đưa vào Luật, hơn 5 triệu hộ phải đi xin giấy đăng ký kinh doanh, phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, báo cáo tài chính như quy định... Nếu không, họ đối diện với nguy cơ nhũng nhiễu, hạch sách. Rốt cuộc, một quán bán xôi hay bán phở sẽ bị “một cổ nhiều tròng”?

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã nói rằng: “Hộ kinh doanh thiết kế như dự thảo tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý; chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ gia đình bố mẹ, anh em...”.

Dẫn ra câu chuyện này để nói rằng: Tư duy quản trị của những người có trách nhiệm giải phóng năng lực sản xuất của xã hội còn chưa tương thích. Thậm chí, mâu thuẫn.

Trong báo cáo trình bày trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một tư duy mới trong quản lý, điều hành thời kỳ “hậu” Covid-19: “Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu”. Ông khẳng định, hệ thống nhà nước cần tập trung quyết liệt tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi, bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn cán bộ, công chức cần nói đi đôi với làm; kiên quyết chống sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hoá quyền lực, tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Kiên quyết chống tư tưởng trì trệ, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm đối với người dân và doanh nghiệp.

Làm sao tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế; qua đó tạo động lực mới, mạnh mẽ, thực chất hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Covid-19 bị đẩy lùi? Rõ ràng để làm điều đó, phải khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy nhanh phê duyệt, điều chỉnh chính sách, pháp luật. Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một đầu mối thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói rất nhiều lần về “đổi mới tư duy phát triển”. Bây giờ đang cần hơn bao giờ hết và phải thực chất.