Đời oan trái của hai chị em nức tiếng xinh đẹp

(PLO) -Thời kỳ Tam Quốc, có một cặp chị em nổi tiếng nhờ sắc đẹp. Người chị, là vợ của Tôn Sách – người lập nên Đông Ngô; cô em là vợ Đại đô đốc Chu Du, nhà quân sự tài ba ở Giang Đông. Tuy nhiên, trong mọi sử tịch đều không thấy ghi rõ họ tên hai người, chỉ phân biệt bằng cách gọi chị là Đại Kiều, em là Tiểu Kiều. 
Đại Kiều và Tiểu Kiều (tranh)
Đại Kiều và Tiểu Kiều (tranh)

Theo “Tam Quốc diễn nghĩa”, hai nàng là con gái Kiều Huyền, hay Kiều Công, chủ nhân Kiều Gia trang ở huyện Hoản, quận Lư Giang (nay là huyện Tiềm Sơn, tỉnh An Huy). Cả hai đều rất xinh đẹp, giỏi nữ công, hát hay múa giỏi, là những trang “tuyệt đại giai nhân” thời đó.

Kiều Huyền giữ con rất chặt, tuyệt đối không cho họ ra khỏi cổng bao giờ, vậy mà tiếng lành đồn xa, ai chỉ một lần đến gia trang, có cơ hội diện kiến hai nàng một lần đều nói giống như được gặp tiên. 

Gái thuyền quyên gặp trai anh hùng

Tôn Sách là một hổ tướng nổi danh thời đó, được phong Ngô Hầu. Chu Du cũng là trang anh hùng lại khôi ngô tuấn tú, tinh thông âm luật. Đến nay ở Trung Quốc vẫn còn lưu truyền câu “Khúc hữu ngộ, Chu lang cố” (Nếu sai nhạc đã có Chu Du lo). “Tam Quốc Chí” ghi chép về vẻ đẹp của hai người: Tôn Sách “mỹ tư nhan”, Chu Du “hữu tư mạo”, cho thấy họ đều là những trang nam tử hán vừa đẹp trai vừa giỏi giang.

Năm Kiến An thứ 4 thời Đông Hán (199), Tôn Sách chiếm được 3 ngàn binh mã của Viên Thuật, quay về Giang Đông khôi phục tổ nghiệp, nhờ Chu Du giúp sức đánh chiếm được Hoản Thành. Kiều Huyền và hai con gái khi đó đang sống ở ngoại ô phía Đông thành. Tôn Sách nghe danh đã lâu bèn đến cầu thân, Chu Du cùng đi. 

Chuyện rằng, hai nàng đều đẹp như tiên, người thường khó phân biệt đâu là chị, đâu là em, Tôn Sách và Chu Du cũng chịu. Sách mới bảo Du: “Công Cẩn, ta với ngươi từ nhỏ lớn lên cùng nhau, tình như anh em, ta hơn ngươi mấy ngày tuổi. Thôi thì ta lấy Đại Kiều, ngươi lấy Tiểu Kiều”. Du mừng rỡ đồng ý. Kiều Công thấy hai tướng trẻ giỏi giang hơn người, lại đều anh tuấn nên vui vẻ gả hai con gái cho họ.

Sách “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ ghi về chuyện này như sau: “Sách muốn đoạt Kinh Châu, sai Du làm Trung hộ quân, lĩnh Giang Hạ thái thú, đánh chiếm thành Hoản huyện, bắt được hai người con gái Kiều Công, đều là trang quốc sắc.

Hình ảnh Đại Kiều, Tiểu Kiều trên phim
Hình ảnh Đại Kiều, Tiểu Kiều trên phim

Sách tự mình nạp (lấy) Đại Kiều, Du nạp Tiểu Kiều”. Bùi Tùng Chi khi chú dẫn đã trích “Giang Biểu truyện”, viết: “Sách ung dung trêu Du: Tuy Kiều Công phải xa cách 2 con gái, nhưng được hai người rể như chúng ta, hẳn là sung sướng lắm”. Năm đó, Tôn Sách và Chu Du đều 25 tuổi. 

Đối với Kiều gia, hai con gái cùng lúc lấy được hai trang anh kiệt trong thiên hạ, một là “Tôn lang” chí khí hơn người, uy chấn Giang Đông, người kia là “Chu lang” văn võ song toàn, đó quả là những cuộc hôn nhân mỹ mãn, anh hùng sánh thuyền quyên.

Số phận nghiệt ngã

Thế nhưng, “nhị Kiều” liệu có thực sự hạnh phúc? Tuy sử tịch không thấy nói đến, nhưng từ sự phân tích các tư liệu có được, thì chí ít có thể khẳng định: vận mệnh Đại Kiều rất khốn khổ. Tôn Sách mải mê gây dựng cơ nghiệp, hết Đông chinh đến Tây thảo, không lúc nào ngừng, vợ chồng gặp nhau rất ít.

Chỉ 1 năm sau khi kết hôn, Tôn Sách đã bị gia khách của Hứa Cống, thái thú Ngô Quận đâm trọng thương. Tính mạng lâm nguy, Sách về Đông Ngô, nhờ người đi tìm Hoa Đà nhờ chữa trị. Nào ngờ Hoa Đà khi đó đã vào trung nguyên, chỉ còn người đồ đệ ở lại Đông Ngô. Người đồ đệ này nói: Mũi giáo có độc, chất độc đã ngấm vào xương, vết thương này không thể chữa được. Thương thay, Tôn Sách chết bởi tay một kẻ khốn cùng đường khi mới 26 tuổi.

Đại Kiều và Tiểu Kiều nghe tin vội chạy đến. Tôn Sách hết nhìn vợ rồi lại nhìn Tiểu Kiều, không phân biệt được đâu là vợ mình, đâu là vợ Chu Du. Chỉ khi Đại Kiều khóc nấc lên, Sách mới biết đó là vợ mình. Ông nắm lấy tay Tiểu Kiều dặn dò: “Nhờ nàng chuyển lời ta đến Chu lang: hãy tận tâm phò tá em trai ta, đừng phụ ân tình tương tri của ta khi sống”, rồi tắt thở.

Khi Tôn Sách chết, Chu Du đang đóng giữ Ba Khâu, nghe tin cấp báo vội chạy về chịu tang ngay trong đêm. Ngô Thái phu nhân (mẹ Tôn Sách) dẫn Tôn Quyền và “nhị Kiều” ra, giao Tôn Quyền cho Chu Du trước mặt mọi người.

Chu Du nhìn Đại Kiều, nhớ lại ân tình tri kỷ của Tôn Sách, vô cùng thương cảm và đau xót. Khi đó, Đại Kiều mới ngoài 20 xuân xanh, ở góa thờ chồng, bên cạnh chỉ có con trai Tôn Thiệu chưa đầy 1 tuổi. Qua năm tháng, sắc đẹp phai tàn, giai nhân một thủa, rốt cục phải cô quạnh, hẩm hiu.

Số phận Tiểu Kiều có khá hơn chị một chút. Nàng ân ái cầm sắt với Chu Du được 11 năm. Trong 11 năm đó, Chu Du là đại tướng thống lĩnh binh mã của Đông Ngô, đánh Hoàng Tổ ở Giang Hạ, phá Tào Tháo ở Xích Bích, công huân lừng lẫy, danh khắp thiên hạ. Nhưng thọ niên không dài, Du phát bệnh rồi chết ở Ba Khâu khi đang chuẩn bị đánh lấy Ích Châu.

Khi Chu Du chết, Tiểu Kiều không có ở bên cạnh chồng. Lúc thi thể Chu Du đưa về, mặt trời đã khuất sau núi. Tiểu Kiều mặc áo thô chịu tang, nàng không được nhìn mặt chồng, chỉ thấy ráng chiều ánh lên trên Kim quan (quan tài vàng) rồi tắt dần. Chu Du chết như thế ở tuổi 36. Khi đó, Tiểu Kiều cũng mới 30, nỗi khổ chết chồng ở tuổi đó, chắc chỉ người trong cuộc mới rõ. Chu Du để lại 2 con trai, 1 con gái.

Theo chế độ tông pháp phong kiến, Tiểu Kiều phải ở góa nuôi các con. Do công lao đặc biệt của Chu Du, Tôn Quyền đặc biệt hậu đãi các con của Tiểu Kiều: cho con trai là thái tử Tôn Đăng cưới con gái Chu Du, nếu Tôn Đăng không chết sớm (khi mới 33 tuổi) thì con gái nàng hẳn đã làm hoàng hậu Đông Ngô.

Con trai trưởng là Chu Tuần cũng được Tôn Quyền gả con gái là Tôn Lỗ Ban cho, sau làm đến Kỵ Đô úy, nhưng cũng chết trẻ; con trai thứ Chu Dận cũng được lấy vợ dòng dõi tôn thất, sau được phong Đô Hương hầu, nhưng do hoang dâm nên mấy lần đắc tội bị phế bỏ chức tước đi đày, về sau cũng được Tôn Quyền xá tội.

Chu Du và Tiểu Kiều trong phim
Chu Du và Tiểu Kiều trong phim

“Nhị Kiều” -nguyên nhân đại chiến Xích Bích?

Theo “Tam Quốc diễn nghĩa”, Tào Tháo vốn háo sắc, nghe nói Kiều Công bên Giang Đông có 2 cô con gái xinh đẹp nên thề phải đánh để chiếm được mang về hưởng tuổi già, nên cho xây Đồng Tước Đài để làm nơi ở cho hai nàng. Gia Cát Lượng đã nhân chuyện này để khích Chu Du.

Trong chương 44 “Tam Quốc diễn nghĩa” có viết: Gia Cát Lượng nói với Chu Du mình có kế hoạch để buộc quân Tào phải rút lui, đó là cống nộp hai nàng Kiều cho Tào Tháo, giả vờ không biết họ là vợ của Tôn Sách và Chu Du. Khi Chu Du hỏi có bằng cớ gì không? Gia Cát Lượng nói có nghe Tào Tháo ra lệnh cho con trai là Tào Thực làm bài thơ “Đổng Tước Đài phú”, rồi đọc cho Du nghe bài thơ này và bình thơ, chỉ rõ ý đồ của Tháo thể hiện qua hai câu: “...

Lãm nhị Kiều ư đông nam hề; lạc triêu tịch chi dữ cộng...” (Nghĩa là: Tìm hai nàng Kiều nam phương về sống; vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân...). Mưu khích tướng của Gia Cát Lượng thành công, Chu Du rất tức giận, quyết tâm liên minh với Thục để chống Tào.

Sau đó Chu Du dùng hỏa công đốt phá thủy binh Tào tại trận Xích Bích. Tháo thua to, mộng chiếm đất Giang Nam để đoạt lấy hai nàng Kiều xinh đẹp hoàn toàn tan vỡ. Nhờ “gió Đông của Khổng Minh” mà quân Ngô đại thắng quân Ngụy, Chu Du không bị nỗi nhục mất nước, mất vợ…

Chuyện này cũng đã được đưa vào trong bài thơ “Xích Bích hoài cổ” nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường: “…Đông phong bất dữ Chu lang tiện; Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” (Gió đông nếu không thuận tiện cho Chu Du; thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khoá chặt hai nàng Kiều)…

Theo “Tam Quốc Chí”, Kiều Huyền qua đời năm 183, trong khi hai chị em Đại Kiều, Tiểu Kiều lấy Tôn Sách và Chu Du vào năm 199, do đó ông không thể có mặt vào thời điểm kết hôn giữa họ như La Quán Trung viết trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, vì  thế, cũng thật khó để nói rằng hai nàng là con gái của Kiều Huyền. Còn Đồng Tước Đài được xây dựng vào mùa Đông năm 210, tức 3 năm sau khi xảy ra trận Xích Bích.

Bài thơ “Đồng Tước Đài phú” của Tào Thực viết vào năm 212, 2 năm sau khi công trình này hoàn thành. Mặt khác, bài thơ này trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có tới 7 dòng không có trong bản gốc của Tào Thực được chép lại trong “Tam Quốc Chí”.

Vì vậy, chuyện Gia Cát Lượng sử dụng bài thơ này để kích động Chu Du căm hận Tào Tháo như trong “Tam Quốc diễn nghĩa” chỉ là hư cấu. Chị em họ Kiều không phải và không thể là nguyên nhân dẫn đến trận Xích Bích lừng danh…

Đọc thêm