Bởi vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì mưa của hoàn lưu bão có thể gây sạt lở đất, nhất là những địa phương vừa chịu thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định, tỉnh đã có Công điện chỉ đạo tất cả các huyện tập trung nhân lực vật tư để xử lý, sẵn sàng đối phó với hoàn lưu bão số 11. Hiện tỉnh đang tập trung mở hết các cống bơm tiêu nước trong đồng và tập trung thu hoạch lúa mùa để sẵn sàng ứng phó. Còn tại Thái Bình, do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua, huyện Vũ Thư có hơn 4.000 ha lúa bị ngập úng, huyện Hưng Hà có 2.000 ha cây vụ đông bị ngập úng...
Các huyện đã chỉ đạo nhiều trạm bơm tiêu úng, khẩn trương thu hoạch đối với diện tích lúa đã chín, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và lượng mưa để chủ động chống úng kịp thời cho lúa và hoa màu, lên phương án phòng lũ trên sông.
Theo dự báo, Yên Bái là một trong những địa phương sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh tăng cường trong những ngày tới. Bên cạnh nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ vừa gây ra, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ có thể xảy ra, đặc biệt là nguy cơ sạt lở do đất trên các triền đồi, núi đã ngậm no nước sau đợt mưa vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ra công điện yêu cầu các địa phương theo dõi chặt diễn biến của thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát cảnh báo các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, các công trình thủy lợi, giao thông mất an toàn nhằm thông báo đến tận từng thôn bản để người dân chủ động biết và phòng tránh. Đồng thời nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua các khu vực nguy hiểm, không đánh bắt cá, vớt củi, di chuyển qua sông suối khi mưa lũ... Tỉnh cũng tập trung ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai; tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ và phân bổ hỗ trợ kịp thời cho nhân dân đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan.
Sáng 16/10, thời tiết trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) bắt đầu âm u và theo dự báo là có mưa vừa và mưa to tại đây. Công tác ứng phó với trận mưa lũ mới hiện đã được các xã triển khai tích cực. Đối với xã Mường Bang, huyện Phù Yên - nơi chịu thiệt hại nặng nhất và hiện vẫn cô lập với 40 điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 114, hiện máy móc, thiết bị và nhân lực đang làm việc cả ngày lẫn đêm để thông đường một cách sớm nhất.
Tại Thanh Hóa, do mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều điểm trên quốc lộ và tỉnh lộ; nhiều địa bàn bị ngập úng sâu. Ngay trong ngày 16/10, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ Trưởng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình mưa lũ, phối hợp với tỉnh giải quyết những vấn đề thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trước tình hình mưa bão liên tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ tăng cường theo dõi, đánh giá, cập nhật tình hình bão lũ, cảnh báo tới các địa phương, người dân để có phương án ứng phó với bão lũ tốt nhất. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường tập trung phân công công việc, phối hợp với các sở, ngành địa phương đưa ra những kế hoạch cụ thể trong công tác xử lý sau lũ như thu gom, xử lý xác chết động vật, xử lý ô nhiễm nguồn nước để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe người dân. Các đơn vị trực thuộc Bộ có thể hoãn các cuộc họp không cấp thiết để cùng phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra và đối phó với tình hình mưa bão sắp tới.
Tính đến ngày 16/10, toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn 12 nạn nhân mất tích đang được các lực lượng nỗ lực tìm kiếm.
Ngày 16/10, thông tin từ bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, trong đợt lũ vừa qua, phía nước bạn Lào có 2 công dân bị lũ cuốn trôi vào địa phận Việt Nam. Cả 2 thi thể công dân Lào được tìm thấy trên sông Lò thuộc địa bàn huyện Quan Sơn. Hiện, cơ quan chức năng của 2 nước đã làm các thủ tục cần thiết để bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân mai táng theo phong tục địa phương. Kỳ Anh - Đức Thọ