Giúp người đồng cảnh vượt khó
Bên thềm năm mới 2016, sau những ngày bận rộn xuống giống vụ đông xuân năm nay, bà con miệt ruộng ở xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lại rảnh rang ngồi trò chuyện. Đề tài rôm rả của người dân nơi đây là về một ông lão đã ngoài 82 tuổi, tên thân mật là Tư Lùng.
Ở xứ này, lão nông Tư Lùng luôn được người dân dành trọn sự thương yêu, tôn kính một cách lạ thường.
Ông Tư Lùng tên khai sinh là Lê Văn Lùng, thời kháng chiến, gia đình ông Tư Lùng nghèo nhất vùng này.
Ông kể: “Thời đó còn nhiều rừng hoang, đất phèn. Tui phải phát hoang trồng lúa mùa, mò tôm bắt cá dưới kênh để sống. Mỗi công đất cũng chỉ thu được vài giạ lúa. Bấy nhiêu đó chỉ đủ duy trì cho cuộc sống lay lắt. Vì đây từng là vùng cách mạng, kháng chiến nhiều năm ác liệt, ôi thôi, nghèo khổ không biết đường nào mà tả”.
Dường như ông trời còn muốn đặt thử thách lên người đàn ông rắn rỏi này nữa. Vào năm 1961, một trận lũ lớn nhấn chìm hết lúa, vốn là gia tài duy nhất của lão nông này. Cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, ông rời quê hương đi mưu sinh tứ xứ.
Nơi ông chọn đến là xứ biển Rạch Giá, Kiên Giang. Ông được thuê làm công nhân nhà máy, nhưng làm chưa được bao lâu thì ông bị bắt vì nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ở trong ngục tù hàng tháng trời, chịu không biết bao nhiêu nhục hình, đòn roi của địch.
Ông kiên trung giữ vững lý tưởng của mình. Không khai thác được gì, lại gặp đúng lúc ông lâm bệnh nặng, địch phải trả tự do cho ông.
“Về nhà chữa hết bệnh, tui đi khai hoang trồng trọt trúng mùa nên có tiền tích luỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình dành dụm được 3 cây vàng và mua một chiếc máy cày để cày mướn. Sau đó, người ta chuyển sang trồng lúa “Thần nông” (2 vụ lúa/năm), tui mới mua thêm đất và trở thành người giàu có với hàng trăm công đất trong tay”.
Ông Tư Lùng bên chiếc xe cứu thương hiện đại do ông bỏ tiền và vận động người dân để giúp chuyển bệnh nhân nghèo. |
Cũng bởi từng là người nghèo khổ, từng nếm trải bao đau khổ của thời chiến và sự nghiệt ngã của nạn đói, 32 năm trước, thấy dân nghèo quá, lão bắt đầu nghĩ tới chuyện tìm cách giúp dân. Nhờ suy nghĩ đó mà ban đầu người ta đưa ông vào làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, rồi đến Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Tân Lập.
Kể từ đó, lão tiên phong dành toàn bộ số tiền lãi từ 20 công đất lúa để làm công tác từ thiện. Việc đầu tiên mà lão Tư Lùng bắt tay vào làm là đứng ra vận động nhân dân chung tay xoá nhà tre, nhà lá tạm bợ. Sau 20 năm, bà con nghèo toàn xã Tân Lập đã cơ bản thoát cảnh nhà tạm bợ.
“Những năm đó, vùng này bị ngập lũ nhiều lắm. Ngoài chuyện vận động xã hội cứu trợ cho người nghèo, cái lo nhất là phải làm sao cất nhà kiên cố. Vì thế mà tui bắt tay vào việc xoá nhà tạm bợ trước”, ông cho hay.
Làm hàng trăm km đường, cầu…
Xong chuyện nhà cửa, ông Tư Lùng thấy bà con phải đi lại khó khăn do đường sá lầy lội, qua sông bằng cầu khỉ, cầu tre... ông tiếp tục ra tay thành lập đội xây cầu đường nhằm giúp các em học sinh vùng ngập lũ Tân Lập đến trường.
Với vai trò là người chỉ huy, ông Tư Lùng cùng “đội quân” của mình đi vận động, quyên góp tiền của. Về sau, hàng loạt tuyến đường làng, cầu khỉ, cầu tre trên địa bàn xã đều được thay bằng đường bê tông và cầu treo kiên cố.
Đến năm 2007, do là xã vùng sâu, vùng xa nên mỗi lần đến bệnh viện lớn rất khó khăn, ông Tư Lùng chủ động bỏ ra 100 triệu đồng, cộng thêm tiền quyên góp được 600 triệu đồng để mua xe chuyển bệnh nhân. Năm 2012, ông Lùng bán xe cũ, bỏ ra 130 triệu đồng và đi vận động thêm để mua xe cứu thương chuyên dụng với đủ trang thiết bị cấp cứu.
Chưa dừng lại ở đó, cả chuyện lo cho những người nghèo lúc cuối đời lão Tư Lùng cũng lo tươm tất bằng việc xin phép thành lập 2 trại đóng và cấp phát quan tài miễn phí, vận động thành lập nghĩa trang nhân dân trong xã.
Ông Tư Lùng cùng đội quân của mình duy tu, bảo dưỡng những cây cầu do ông vận động xây dựng. |
Ông Tư Lùng tâm sự: “Suốt 32 năm nay, tui cũng không thể nào nhớ nổi đội quân của mình xây bao nhiêu căn nhà tình thương nữa. Còn cầu, đường thì cũng phải vài trăm cây, cây nào cũng vài trăm triệu. Chú đừng nghĩ tui già mà ngưng làm việc thiện đâu nhé. Bây giờ, mỗi năm tui cũng đều góp trên 100 triệu đồng làm từ thiện. Cũng may là có rất nhiều người cùng chung chí hướng, khi cần là họ vui vẻ cùng làm.
Xong cái nghĩa trang này nữa là coi như người nghèo của xã được chăm lo đủ thứ hết rồi. Nhiều khi mệt mỏi, cũng nản chí lắm chứ, cũng có lần tui xin nghỉ hưu nhưng lãnh đạo xã không cho. Chú thấy đó, cán bộ tới 60 tuổi là nghỉ hưu rồi, còn tui đã 82 tuổi rồi mà vẫn còn giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ”.
Với nhiều cống hiến quý báu cho người dân, cho cộng đồng, năm 2005 ông Tư Lùng vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là niềm vinh dự của riêng ông và gia đình. Tuy nhiên, từ lâu người dân ở xã Tân Lập và các xã lân cận đã trao cho ông một huân chương khác, đó là “huân chương của sự tin tưởng, biết ơn sâu sắc đến ông”.
“Nữ hoàng” cấy mướn cứu dân nghèo
Ở ấp Phú Hoà 1, xã Bình Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, người dân ai cũng trìu mến gọi bà Ba Lịch (Võ Thị Lịch) là “chủ tịch tập đoàn” cấy mướn. Dù đã 70 tuổi nhưng trông bà vẫn mạnh mẽ như một thợ cấy lúa chuyên nghiệp.
Ít ai biết rằng, ở độ tuổi này bà Ba Lịch hàng ngày vẫn cùng đội quân 200 người của mình đi cấy lúa mướn khắp miền Tây. Xuất thân trong gia đình nghèo, vợ chồng bà Lịch lam lũ qua nhiều nghề gồng gánh nuôi con.
Bà Ba Lịch khoe ảnh lưu niệm về các thành viên trong “tập đoàn cấy mướn” do bà tập hợp. |
Trong quá trình rong ruổi khắp nơi trên chiếc ghe lườn, vợ chồng bà neo ghe lại đâu đó rồi đi cấy lúa mướn. May thay, nhờ cấy lúa có chất lượng mà tiếng lành đồn xa. Chủ ruộng khắp nơi kêu bà cấy không xuể. Năm 1986, bà Lịch được Công ty XNK An Giang gọi cấy lúa Nhật.
Lúc đó, bà nghĩ tới chuyện cần phải huy động thêm người tiếp sức. Cấy xong vụ, lúa cho năng suất cao rồi người ta nhớ đến bà.
Dần về sau công ty này trở thành mối làm ăn lớn. “Ban đầu, nhiều trẻ nhỏ chỉ biết cấy sơ sơ. Tui mới đứng ra chỉ nghề. Từ chuyện bắt mạ và cấy sao cho ngay hàng, thẳng lối. Tui dạy cho không biết bao nhiêu chị em trong xóm này mà không lấy tiền. Vì vậy mà họ gắn bó với mình. Bây giờ cả trai lẫn gái đều gọi tui là “bà chủ tịch”, bà Lịch cười nói.
“Tính ra cũng đã ngót 40 năm làm nghề. Mỗi ngày bình quân thu nhập cũng hơn 200.000 đồng/người. Gia đình giờ sống khoẻ. Nhờ đó mà tui và các con cất được nhà, mua được 3-4 chiếc xe gắn máy. Dù không giàu bằng ai nhưng cũng qua thời sợ đói như ngày trước”, bà Lịch tâm sự.
Bây giờ, gần hết số thành viên trong đoàn cấy mướn của bà Lịch đều thoát cảnh nghèo. Khi hỏi về bà Ba Lịch, bà Nguyễn Thị Xinh (48 tuổi, ở ấp Phú An 1, xã Bình Hoà) nói: “Gia đình tui chịu ơn của bà Ba Lịch nhiều lắm. Quê tui ở Ô Môn, Cần Thơ. Do vợ chồng nghèo, phải nuôi mẹ già, thấy khó cho chồng tui nên 17 năm trước tui bồng 4 đứa con bỏ nhà để tha phương cầu thực trên chiếc ghe nhỏ.
Khi gặp bà Ba, bả kêu tui cứ ở lại đây. Bả sẵn lòng giúp đỡ để có nghề kiếm thu nhập. Dẫn tui vô đoàn, chỉ nghề rồi còn cho mượn tiền. Khi tui sống dưới ghe, bà còn đi hỏi hàng xóm mượn nền đất, rồi vận động tiền mua cây lá che chòi cho mẹ con tui ở nhờ. Bà đối xử với nhân công tình cảm lắm. Bả chẳng giàu có gì, nhưng ai mượn tiền là cho liền.
Khi mấy đứa con tui lớn, tui kéo vô đội cấy lúa hết. Bốn mẹ con tui cấy mỗi ngày cũng dư 700.000 đồng. Nhờ đó mà gia đình tui thoát cảnh nghèo, 3 năm trước mua được nền, xe, rồi nhờ bên từ thiện của xã cất cho căn nhà lành lặn. Bà ấy giúp người vô tư lắm. Tui không thể nào quên ơn nghĩa đó”.