Tài hoa, giỏi giang thì vị ký giả gốc Phượng Dực hội đủ. Thế nên, sức hút từ ông với người khác giới cũng mãnh liệt lắm. Và bởi thế mà Nguyễn Văn Vĩnh trở thành một tay đào hoa.
Đào hoa có số
Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh thành “trâu buộc” khi được gia đình sắp xếp se duyên với cô gái hơn mình một tuổi, Đào Thị Tính. Năm 1901, đứa con trai đầu lòng tên Hải ra đời. Năm 1904, Nguyễn Giang được nối tiếp hạ sinh. Rồi cứ thế những người con của ông Vĩnh lần lượt chào đời, nào Loan, Nội, Vân, rồi Dương, Phổ, Kỳ…
Trong những người con của ông Vĩnh, không thể không kể đến “hổ tử” Nguyễn Nhược Pháp, chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết riêng. Nguyễn Nhược Pháp chính là kết quả tình duyên của ông Vĩnh với người vợ thứ hai xinh đẹp, trẻ trung Phan Thị Lựu.
Ấy là năm 1913, ông Vĩnh qua sự giới thiệu của người bạn Phạm Huy Lợi, đã biết tới cô Lựu, người gốc dân tộc Tày, Lạng Sơn và lấy nhau. Hiềm nỗi, tình duyên của ông Vĩnh với cô Lựu chỉ mặn nồng hương lửa hai năm sau khi ông Vĩnh lấy thêm người vợ thứ ba.
Vợ ba ông Vĩnh, là một cô đầm lai, mẹ Việt, cha Pháp, cô tên Suzanne Giáp Thị Thục. Tuổi tác hai người cách xa nhau lắm, cô Thục sinh năm 1902, tức là kém cả người con trưởng của ông Vĩnh một tuổi. Ngưỡng mộ ông Vĩnh, tình yêu cứ thế đơm hoa, kết trái bất chấp rào cản thế hệ.
Rõ là ông Vĩnh đào hoa!. Khi hai người cảm mến nhau, ông Vĩnh tuổi 35, còn cô Thục mới trăng rằm 15. Muốn tỏ thêm về mối tình ấy, bạn đọc xem qua truyện “Khẩu súng trong tay người đàn bà” của sách Hà Nội, những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX – XX, hẳn sẽ tường minh hơn.
Riêng với mối tình thứ ba này, được ông Vĩnh xem là mối tình đầu lãng mạn, sâu đậm của mình. Còn cô gái lai Tây kia sau đó về nâng khăn sửa túi cho ông Vĩnh, sẵn sàng khoác lên mình áo dài, quần lĩnh, vấn khăn, nhuộm răng đen cho hợp với văn hóa nước Việt bấy giờ. Hai người sau này có với nhau hai mặt con.
Ký giả đào vàng
Ông Vĩnh có một sự nghiệp báo chí lẫy lừng khắp trời Nam, từng làm chủ bút nhiều tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ có tiếng; từng làm chủ nhà in mua lại từ chính người Pháp; có “Xưởng in phố Hàng Bông được mở rộng khoảng 3000m2, công nhân tới trăm người” (Trích Hà Nội, những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX - XX).
Mà nào chỉ dừng ở lĩnh vực báo chí thôi đâu, như trong Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chuyện đời, chuyện nghề còn cho hay, ông Vĩnh còn mở xưởng sản xuất nước chanh giải khát, gọi là nước chanh T.B. (Trung Bắc); lập đồn điền ở Cổ Bi, khai khẩn rừng ở Kép, Phố Vị làm củi, than; lại mua cả nhà hàng cơm Tây và khách sạn lớn ở phố Hàng Trống (Hotel des Colonies), lập Trung Bắc khách sạn.
Ấy nhưng, mặt trời mọc rồi có lúc cũng phải về Tây. Gặp thời gian 1929 – 1933, đúng lúc kinh tế cả thế giới bước vào cơn bĩ cực, đường kinh tế của ông Vĩnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tiền vay của Ngân hàng Đông Dương không trả được, thêm sự o ép, gây khó dễ của chính quyền thuộc địa, tài sản cứ thế theo con sóng triều khủng hoảng mà ra khỏi cửa nhà ông Vĩnh. Nhưng nào ông Vĩnh đã chịu bó tay, thua keo này thì bày keo khác.
|
Đám tang học giả Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8/5/1936 |
Tháng 3/1936, bước chân nhà ký giả Nguyễn Văn Vĩnh rời nơi bàn giấy nước Nam sang chốn rừng rậm nước Lào, đi cùng là ông bạn Pháp Clémenti. Họ sang Lào để… đào vàng. Lâu nay vẫn hằng quen tay sách, tay bút mà “cày chữ”, lao động trí óc đã là việc thường xuyên vậy mà ông Vĩnh chẳng quản sự vất vả, lao khổ với cái nghề dùng sức, và phải đối mặt với những rủi ro, bệnh tật mà dấn thân.
Cái cảnh của dân đào vàng xưa cũng như nay, ai cũng cảm được sự nguy hiểm, vất vả thường trực, cứ xem thư của ông gửi cho vợ, hẳn rõ. Trong thư đề ngày 24/4/1936, ông viết khi đang ở Vang Salouang:
“Tôi vừa trở về đây, sau một tuần vất vả trong rừng rậm không có nước uống, không có rau ăn và cũng không có thú rừng, ở bên bờ một con suối bị ô nhiễm với những vũng nước váng đọng lâu ngày. Ở đây trời nóng nực quá mức như một lò nung, hôm qua nóng tới 400C”… “Ở đây chung quanh tôi đủ muỗi ruồi, nhặng ong, sâu bọ đủ màu sắc”…
Ngặt nỗi, nơi đất Lào đầy khắc nghiệt, đoàn phu vàng dưới tay ông Vĩnh và Clémenti, thành quả thu được chẳng là bao. Ít vảy vàng tìm được, không đủ trả tiền công cho phu.
Cái chết bi tráng
Sang Lào làm nghề tìm thứ kim loại nơi rừng thiêng, nước độc mà ai ai cũng thèm muốn, ông Vĩnh cũng mang theo trong mình bệnh lý; thêm vào đó, bệnh sốt rét rừng cũng đến với ông. Cơn sốt rét ấy đã gieo sầu không chỉ cho thân quyến của ông Vĩnh, mà cả cho ức vạn người mến mộ tiếng tăm của ông. Sự đe dọa của chính quyền bảo hộ không quật ngã được ông, kinh tế khủng hoảng không làm thối chí nản lòng được ông, nhưng bệnh tật đã quật ngã ông, quật ngã hoàn toàn.
Theo lời miêu tả của Nhất Tâm trong Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), công việc đào vàng vất vả, ăn uống thiếu chất, bệnh tật càng có cơ hội tấn công thể chất ông Vĩnh, mà thuốc men nơi gần thú xa người thì đâu có để mà chữa. Cơ thể ông Vĩnh suy kiệt dần, sức khỏe ngày một yếu, thế rồi…
Ngày 1/5/1936, Clémenti định đưa ông Vĩnh về Hà Nội chữa bệnh. Chiếc thuyền đưa hai người bạn xuôi dòng, đem theo người đầu bếp và tài xế tên Ngọc. Đoàn người định ghé Tchépone để ông Vĩnh nghỉ ngơi và chữa bệnh.
Khi thuyền tới Vang Salouang thì dừng, lúc ấy, ông Vĩnh đã yếu lắm rồi. Khoảng 6 giờ chiều hôm ấy, khi con thuyền vẫn đang xuôi dòng về Tchépone giữa cảnh núi rừng hoang vu, ký giả họ Nguyễn trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách quê người tại địa phận làng Ban san khup. Đoạn cuối cuộc đời ông, được Tràng An báo ngày 19/5/1936 thuật lại trong bài viết Cuộc phấn đấu cuối cùng.
Thi hài ông Vĩnh được đưa về đất Hà thành ngày 6/5/1936. Và đám tang của ông, trở thành một sự kiện lớn của xứ kinh kỳ vào dịp tháng 5 năm ấy. Quan tài ông Vĩnh, được quàn tại Hội quán Hội Tam điểm, số 107 phố Hàng Cỏ, bởi ông vốn là hội viên của hội này.
Giới ký giả Bắc Kỳ, hội viên Hội Tam điểm túc trực suốt ngày 6 đến ngày 8/5; sáng ngày 8, đám tang được cử hành trọng thể. Một đám tang được người trong cuộc là nhà văn Vũ Bằng tâm sự là:
“Còn nhớ ngày đó cái cảm tình của làng văn làng báo ba kỳ đối với Nguyễn Văn Vĩnh thật là xôn xao, sự thương tiếc của quốc dân thật là chan chứa: già có, trẻ có, không quản đường xa trời nắng đều thành tâm đưa Nguyễn Văn Vĩnh về nơi yên nghỉ cuối cùng. Thật là một cái tang lớn giản dị mà trọng thể ít thấy trên đất Đông Dương vậy. Năm tháng sau, người ta vẫn còn nói đến đám tang này”.
Về thế bên kia ở tuổi 54 đấy, nhưng danh của ông Vĩnh không tắt ở thời điểm ấy, mà vẫn vang dậy mãi cho đến nay, như đôi liễn đối của Dương Bá Trạc ghi:
Mạng vậy biết làm sao, tài trí thông minh trời vẫn ghét;
Danh kia còn thọ chán, văn chương sự nghiệp đất chôn vùi.
Trong lòng những người mến mộ ông Vĩnh, cảm tình dành cho ông hẳn chẳng hề thay đổi qua thời gian. Đến nhà báo Phan Khôi đầy chính kiến là thế, vẫn phục ông Vĩnh ở điểm có chí tự lập, không mộ hư vinh, và trong bài viết “Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt tôi” đăng trên báo Sông Hương số 1, tháng 8/1936, lời nhận xét dành cho ông Vĩnh thật xác đáng:
“Giữa chúng ta, ông Vĩnh đáng gọi là một kẻ sĩ hào kiệt. Sự lập thân xử thế của ông đã đảm bảo cho ông đáng được cái tên ấy một cách vững chãi”… “Trong con mắt tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh là một trang hào kiệt”.