Khắc tinh của cướp giật, trộm cắp
Vẻ mặt hiền lành, nước da trắng cùng giọng nói nhỏ nhẹ chẳng ai nghĩ rằng Lâm Hiếu Long (SN 1990, TP.HCM) lại là một hiệp sĩ đường phố nổi tiếng với những pha bắt cướp táo tợn. Phải chứng kiến tận mắt những lần Long tham gia bắt cướp mới thấy được sự liều lĩnh, dũng cảm của chàng trai trẻ ấy lớn đến cỡ nào.
Theo Long, làm công việc này mà hiền quá thì khó mà làm được. Khi săn bắt cướp mình cũng phải hành động sao cho giống một chiến sĩ hình sự thực thụ thì bọn trộm mới sợ và không dám khống chế lại. Nhưng để tham gia vào hoạt động săn bắt cướp, chỉ có võ không chưa đủ đâu. Võ chỉ chiếm 20%, còn lại 30% là kinh nghiệm và 50% là đầu óc, sự nhanh trí.
Vụ “hành hiệp” đầu tiên của Long là vào khoảng năm 2009. Khi đang đi trên đường, Long thấy một vụ cướp giật ở đường Văn Cao (Quận Tân Phú). Sau khi bị cướp, nạn nhân là một cô gái vẫn cố đuổi theo. Tuy nhiên kẻ cướp có đồng bọn, tên này từ đằng sau chạy lên đạp ngã cô gái.
|
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long. |
Thấy vậy Long liền đuổi theo tên cướp vào tới một khu chung cư gần đó. Kẻ gian bỏ xe, bỏ giỏ, chạy lên lầu và mất hút. Mặc dù đã nhờ người dân giữ hiện trường để đi trình báo công an nhưng khi anh Long và công an quay lại thì mọi tang vật đã không còn nữa.
Chính từ lần đó, Long đã gặp gỡ và có được số điện thoại của “hiệp sĩ” Minh Tiến, rồi xin theo học bắt cướp. Trong khoảng thời gian theo “hiệp sĩ” Minh Tiến bắt bọn trộm, cướp tài sản, Long đã cùng nhóm “Hiệp sĩ” bắt được gần 30 vụ với hàng chục đối tượng.
2 năm sau, Long tách ra, thành lập nhóm “hiệp sĩ” do anh làm đội trưởng, đến nay ổn định với 7 thành viên và một số cộng tác viên với cái tên được người dân gọi là “CLB săn bắt cướp TP.HCM”.
Đội Săn bắt cướp TP.HCM hoạt động không liên quan tới lực lượng công an thành phố, bao gồm 7 thành viên ở nhiều độ tuổi và việc làm khác nhau:
Lâm Hiếu Long (SN 1990) là cộng tác viên bán ô tô, Nguyễn Trần Minh Dũng (SN 1983) làm nghề bất động sản, Nguyễn Hoàng Nam (SN 1981) với công việc kinh doanh tại gia, Lê Quang Bình (SN 1992) là nhân viên sân bay, Lê Xuân Trường (SN 1993) một tài xế, Phạm Khắc Trí (SN 1991) làm đầu bếp. Mới đây nhất, thành viên Đông Minh Hiến (SN 1993) vừa gia nhập đội, là nhân viên giao nhận.
"Chúng tôi có điểm chung là đam mê bắt cướp, giống như có sẵn trong máu vậy. Nhiều khi không biết mình làm vì điều gì, có lợi lộc gì nhưng cứ thấy người bị giật đồ té ngã lại không cầm được lòng. Lúc đó chẳng suy nghĩ gì nữa, lao xe ra đường và hành động thôi" Long chia sẻ.
Kể từ khi mới thành lập đến nay, Lâm Hiếu Long và đồng đội đã phá trên 200 vụ cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, bắt hàng trăm tội phạm, trả lại nhiều tài sản cho người dân. Khi được hỏi vụ việc để lại cho anh nhiều kỉ niệm nhất, chàng trai này trầm tư suy nghĩ: “Biết kể vụ nào bây giờ, mỗi vụ việc đều để lại cho mình một ấn tượng, một kỉ niệm riêng?”.
Sau một hồi lục lại trí nhớ, Long bắt đầu câu chuyện. Đó là vào ngày 29/04/2010, Long cùng một đồng đội nữa tham gia bắt bắt một tên cướp tại bán đảo Thanh Ba, quận Bình Thạnh. Thời điểm đó, Long cùng một “hiệp sĩ” đi trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình thì phát hiện 2 thanh niên khả nghi khi chúng bám theo cặp vợ chồng vừa ra một nhà hàng tiệc cưới trên đường Hoàng Văn Thụ.
Đến bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, hai đối tượng trên kè xe, giật túi xách của người vợ ngồi sau xe. Chỉ chờ có thế, nhóm của Long nhập cuộc truy đuổi.Hai tên cướp chạy bạt mạng vào đồng ruộng vắng vẻ, Long rú ga lao theo còn người bạn đi cùng bị tụt lại phía sau.
“Lúc đó hai đối tượng ngã xe, nhảy xuống sông tìm đường tẩu thoát. Tôi cũng lao xuống. Tên cầm lái leo lên gò đất, bỏ chạy thoát thân. Tôi ôm chặt, giằng co với tên còn lại dưới sông, khoảng năm phút thì khống chế được, thu giữ tang vật là chiếc túi xách của nạn nhân. Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ, khi đó mình cũng liều lĩnh. Lỡ đối tượng có dao thì đã bỏ mạng dưới sông, trong đêm vắng đó rồi”, Long chia sẻ.
|
Long đã nhận được 15 bằng khen của chính quyền các cấp. |
Những thất bại, tai nạn trong quá trình bắt cướp là chuyện chẳng còn mấy xa lạ đối với Long. Thỉnh thoảng trên người có vài vết bầm dập, chảy máu do những va quệt khi truy đuổi cướp hay có những lúc bị kẻ gian tấn công lại là chuyện “như cơm bữa”.
Theo Long, trong những trường hợp như thế nếu không linh hoạt, xử lý khôn khéo có thể bị "đánh hội đồng bầm dập".
Khi được hỏi trong quá trình tham gia bắt cướp Long có sợ bị đối tượng nhớ mặt và trả thù hay không, Long không ngại ngần đáp lại “Trong suy nghĩ của tôi nếu đã sợ thì đừng nên làm. Mối đe dọa nào cũng có hàng ngày, đôi khi họ cố tình họ gây sự, có thể tấn công mình. Mình bình tĩnh xử lý, dù mình ở ngoài sáng, họ ở trong tối nhưng với tôi, tôi không sợ bị trả thù, tôi có cách đề phòng của riêng mình” – Long khẳng định.
Không tham tiền mà tha cho tội phạm
Một vụ việc nữa cũng để lại trong Long cùng đồng đội nhiều ấn tượng, đó là vụ việc bắt đối tượng lừa đảo Phan Ngọc Phượng (thường trú Q.7, TP.HCM, tạm trú H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Đây có lẽ là vụ việc tốn công tốn sức nhất đối với anh em trong đội.
Bà Phượng thường ăn mặc sang trọng, đeo nhiều vòng vàng, vào các cửa hàng điện thoại di động chọn mua đồ, ra vẻ mình quen với “sếp” rồi vờ quên đem theo tiền, kêu nhân viên chở đến một quán nước mà thị nói là của mình rồi tìm cách bỏ trốn.
Vào sáng 1/10 có 1 người liên hệ qua điện thoại với anh thông báo Phượng hiện đang có mặt ở Bến Tre. Ngay trưa cùng ngày, anh Long cùng 2 thành viên trong CLB và 2 người chủ các cửa hàng ĐTDĐ từng là nạn nhân của Phượng đã di chuyển bằng ôtô xuống Bến Tre.
Ban đầu mục đích của nhóm chỉ là để nhận diện, ghi lại nhân dạng, quy luật hoạt động của người này rồi... ra về, chờ thời cơ thích hợp sẽ bắt giữ hành vi phạm tội quả tang.
Sáng 2/10/2015, Long liên hệ với nguồn thông tin hỗ trợ ở Bến Tre xác định Phượng đang lên TP.HCM để kiếm ăn. Nhóm Long chia nhau mật phục ở bến xe Q.8, phát hiện Phượng từ Bến Tre lên, bắt xe ôm đi, liền bám theo. Sau một hồi chạy vòng vèo, Phượng ghé vào cửa hàng bách hóa NaRi trên đường Lê Quang Định, P.1, Q.Gò Vấp.
Với chiêu thức cũ, Phượng lừa “mua” một số sữa và bỏ trốn, nhưng nhóm hiệp sĩ đã chặn bắt quả tang, bàn giao Phượng cho CA phường. Sau khi đăng tải thông tin vụ việc trên facebook, đã có trên 20 người đến CA trình báo mình là nạn nhân của Phan Ngọc Phượng, trong đó nhiều người bị lừa lấy iPhone, iPad.
Điều đặc biệt là sau khi bị bắt, bà Phượng năn nỉ Long xin tha và hứa sẽ cho một số tiền lớn nếu Long thả bà ấy ra. “Đó không phải là lần đầu tôi nhận được lời van xin và lời hứa về những khoản tiền lớn nếu tôi không tố giác chúng ra chính quyền. Nhưng nếu tham tiền mà tha cho bọn tội phạm, hóa ra mình còn tệ gấp mấy lần bọn chúng” chàng trai này quả quyết.
Trước những hành động nghĩa hiệp mà các chàng trai của đội Săn bắt cướp TP.HCM thực hiện trong suốt thời gian qua, có nhiều người dân trong nước, thậm chí ở hải ngoại đã liên hệ đề nghị được hỗ trợ bằng tiền bạc, tiếp sức cho nhóm hoạt động vì nghĩa cử. “Chúng tôi xác định chỉ làm việc nghĩa, giúp người dân nên quyết là không nhận tiền bạc”, Lâm Hiếu Long khảng khái.
Có mạnh thường quân vì tin, yêu, cương quyết hỗ trợ bằng cách trả chi phí sửa xe cho các thành viên trong nhóm. Xe của anh em hư hỏng trong lúc truy đuổi tội phạm, phải đem đi sửa chữa thì mạnh thường quân đó sẽ trực tiếp thanh toán giúp.
Nhiều người đã tự quy đổi thành phiếu xăng, đồ bảo hộ, găng tay… gửi đến tận nơi tặng các anh. Nhưng niềm vui lớn nhất đối với những “hiệp sĩ đường phố” ấy chỉ là nụ cười của người bị hại khi nhận lại đồ từ tay các anh, là những lời cảm ơn, lời động viên, khuyến khích của những người luôn tin yêu và ủng hộ các anh.
|
Những pha bắt cướp đầy táo tợn của Long. |
Niềm vui ấy là động lực tiếp thêm lửa đam mê săn bắt cướp của các anh. Đồng thời, qua những lần hiểm nguy ấy, các anh lại rút ra những bài học kinh nghiệm và rất cẩn trọng trong việc truy đuổi, khống chế để tránh vi phạm pháp luật.
Đối với Long, điều trăn trở nhất đối với anh trong suốt quãng thời gian tham gia bắt cướp đó chính là gia đình và “cô bạn gái cũ”: “Nơi mình muốn và cần nhận được sự động viên nhất thì lại không được.
Bố mẹ tôi chưa bao giờ ủng hộ công việc mà tôi đang làm vì cho rằng “nó quá nguy hiểm và không phải nhiệm vụ của mình”. “Ngay cả người yêu cũ của tôi cũng chia tay tôi vì điều này”, nét mặt của chàng trai ấy trùng xuống, đôi mắt ngấn lệ.
Chỉ 3 năm qua, Lâm Hiếu Long đã nhận được 15 bằng khen của chính quyền các cấp, trong đó có 3 bằng khen của lực lượng công an TP.HCM. Nhưng đối với chàng trai này thì “những tấm bằng khen đó là nguồn động lực, động viên anh em làm việc, chứ mình làm công việc này cũng chỉ là để thỏa đam mê và để không thấy có lỗi với bản thân...”.
Số điện thoại nóng săn bắt cướp, tố giác tội phạm
Năm 2013, sau một thời gian hoạt động, Long cùng anh em trong đội lập lên fanpage với tên gọi “Đội săn bắt cướp TP.HCM”. Fanpage là nơi để đăng các clip về cướp giật, giúp bà con cảnh giác và cũng để tiếp nhận thông tin về tội phạm. Hiện fanpage của Long đã có trên 108.000 fan (người thích trang).
Trong các bình luận, nhiều bạn đọc đã thông tin về nạn cướp giật, trộm cắp tại nơi mình đang sống hoặc trên tuyến đường mình đi làm; nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với các thành viên của đội; nhiều bạn trẻ mong muốn được tham gia vào đội…
Long cũng công bố số điện thoại của mình lên trên fanpage để mọi người có thể trình báo tội phạm. Số điện thoại của Long dường như đã trở thành số đường dây nóng trình báo, tố giác tội phạm. Mỗi ngày anh nhận từ 15-30 cuộc điện thoại người dân trình báo bị cướp, cướp giật, trộm cắp... Nhận tin là lập tức anh em trong đội lại lên đường.
Anh Long cho biết thêm, việc công khai số điện thoại lên mạng xã hội đã giúp đội nhận được nhiều tin báo có giá trị. Tuy nhiên, chính số điện thoại này cũng thường xuyên nhận được những tin nhắn, cuộc gọi với lời đe dọa “sẽ tìm, chém, giết”. “Khi đó, tôi chỉ nói lại với họ hành động thì phải biết suy nghĩ. Tôi đã quá quen với việc này rồi”, anh Long nói.
Anh Lâm Hiếu Long cho biết, hoạt động của đội Săn bắt cướp TP.HCM gặp một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Chẳng hạn, trong khi các thành viên trong đội đang đảo quanh các con đường thì bị lực lượng cảnh sát hình sự kiểm tra do có dấu hiệu khả nghi. Ngoài ra, đội chỉ bắt được kẻ gian khi chúng đang gây án.
“Trước kia, đội còn gặp khó khăn khi giao kẻ cướp giật cho cơ quan chức năng vì bọn cướp bắt bẻ đủ đường. Nhưng từ ngày được một hãng phim tài trợ cho 5 chiếc camera hành trình thì mọi cuộc truy bắt, lời khai, tâm lý của kẻ gian đều được ghi lại đầy đủ.
Trong đội của tôi cũng có người đang học ngành luật để tư vấn cho anh em, ngoài ra chúng tôi còn lên mạng tham khảo thông tin để hoạt động đúng quy định pháp luật”, anh Long nói.
|
Mỗi lúc rảnh dỗi, các thành viên trong đội làm cùng nhau xem lại những vụ việc đã làm và bàn chiến thuật mới. |
Lâm Hiếu Long và các thành viên trong nhóm “hiệp sĩ” của anh vẫn ấp ủ thành lập câu lạc bộ “hiệp sĩ” được pháp luật công nhận, để hoạt động chính quy, quy củ hơn; giúp anh em an tâm khi tham gia phòng chống tội phạm, góp phần mang lại bình yên cho người dân.
Trả lời phỏng vấn, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM cho hay: Thành phố nhìn nhận tính hiệu quả của các câu lạc bộ, đội nhóm phòng chống tội phạm tình nguyện. Do vậy, công an thành phố đang nghiên cứu thành lập câu lạc bộ giống như mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở Bình Dương.
"Thành phố không tổ chức đại trà, chỉ những người có khả năng và tình nguyện tham gia thì thành phố sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy. Họ hoạt động với tư cách thành viên trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, trực tiếp phòng chống tội phạm", tướng Phong nói và cho biết đề xuất này đang được nghiên cứu.