Dân nghèo sập bẫy
Tài liệu của cơ quan điều tra thể hiện, khoảng giữa tháng 10/2013, một số người dân ở các vùng thôn quê huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã đồng loạt làm đơn tố cáo Khương có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ. Kèm theo đơn tố cáo là các giấy tờ “bảo đảm” hứa hẹn của đối tượng này sẽ “lo liệu” công việc cho con em các gia đình trên.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Diên Khánh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ xác lập chuyên án đấu tranh và làm rõ hành vi của đối tượng. Theo đó, khoảng tháng 6/2012, chị Q. (trú tại xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) quen biết một thanh niên khi hai người cùng đi chung xe khách. Sau đó, hai người trao đổi số điện thoại và thường xuyên liên lạc với nhau.
Nhiều lần về nhà chị Q chơi, Khương cho biết mình đang làm tổ trưởng tổ sản xuất của một nhà máy danh tiếng tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh. Cùng lúc này, chị Q. sau khi học xong cấp 3 cũng đã được Khương hứa sẽ xin vào làm việc ở nhà máy mà y làm “tổ trưởng”.
Đến giữa tháng 6/2013, Khương “gà” điện thoại cho chị Nguyễn Thị Thanh Diệu (SN 1985, trú xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, vốn là chỗ họ hàng với nhà chị Q) cho biết Công ty (nơi y làm tổ trưởng) đang có nhu cầu tuyển nhân viên. Nếu chị Diệu có nhu cầu đi làm, Khương sẽ “xin” cho chị vào làm tại bộ phận y tế của công ty với mức lương khoảng gần 10 triệu/tháng.
Đối tượng Nguyễn Tấn Khương (tức Khương “gà”). |
Tuy nhiên, để có thể “xin” được suất làm này, chị Diệu phải đưa cho Khương 16 triệu đồng tiền “lo quà cáp”. Khương còn hứa với chị Diệu khi nào chị này đi làm mới lấy tiền.
Khương còn cho biết, y vốn “quen biết rộng” nên rất thân với Giám đốc và Trưởng phòng tổ chức của công ty nên chắc chắn sẽ xin được và cam kết nếu không xin được sẽ hoàn trả số tiền đã nhận. Đang không có việc làm, nghe Khương nói “bùi tai”, chị Diệu đã gật đầu đồng ý mà không chút nghi ngờ. Sau đó, chị Diệu đã nhiều lần đưa tiền cho Khương, tổng cộng là 14 triệu đồng. Đây là số tiền mà chị Diệu phải chạy vạy vay mượn mới có được.
Trong thời gian chờ việc, chị Diệu kể lại cho chị Huỳnh Quế Trân (SN 1988, trú thôn Đồng Bé, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) về việc có người quen có thể xin việc. Nghe qua chuyện, chị Trân đã nhờ chị Diệu nói Khương xin việc giúp. Qua giới thiệu từ chị Diệu, chị Trân đã trực tiếp gặp Khương “đặt vấn đề”. Sau đó, Khương hứa xin chị Trân vào làm tại bộ phận kiểm tra sản phẩm của công ty.
Điều kiện Khương đưa ra là 20 triệu đồng tiền “quà cáp”. Khương yêu cầu chị Trân đưa trước một nửa số tiền, tức 10 triệu đồng. Số còn lại, Khương sẽ nhận khi nào chị Trân đi làm. Khương hứa với chị Trân và Diệu đến ngày 28/8/2013, cả hai sẽ chính thức vào làm việc tại công ty.
Dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng nghĩ đến công việc tốt mà Khương giới thiệu, gia đình chị Trân đã chạy vạy vay mượn khắp nơi nhưng không đủ. Ngày 15/6/2013, chị Trân chỉ giao cho Khương được 7 triệu đồng. Ngày hôm sau, Khương yêu cầu chị Trân đưa tiếp 6 triệu đồng. Hai ngày sau, Khương tiếp tục điện thoại cho chị Trân và cho biết "giá đầu vào" chỉ còn 14 triệu đồng nên yêu cầu chị đưa thêm 1 triệu đồng.
Ngày 24/8/2013, Khương tiếp tục điện thoại cho chị Trân và thông báo đã đọc được quyết định đi làm của chị này, sau đó yêu cầu chị Trân đưa thêm 1,5 triệu đồng lần cuối và yêu cầu chị Trân chờ đợi sẽ có giấy báo đi làm đến tận nhà.
Lộ mặt kẻ lừa đảo
Với thủ đoạn tương tự, đầu tháng 7/2013, Khương còn nhận lời xin việc cho các anh: Lê Xuân Lộc, Nguyễn Lê Vũ, Đặng Thanh Hà và Ngô Lê Bá Khâm (đều trú xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) với giá 15 triệu đồng/người. Thấy Khương quả quyết và hứa chắc ăn, các anh Lộc, Hà, Vũ và Khâm đều đưa cho Khương số tiền mà hắn đã yêu cầu.
Đến hẹn là ngày 29/8/2013, các nạn nhân không thấy công ty gọi hay có giấy thông báo “về tận nhà” để đi làm như Khương đã “hứa” nên gọi điện hỏi Khương thì đối tượng này tiếp tục hẹn đến ngày 5/9 rồi lùi đến ngày 10/9/2013 sẽ đi làm. Từ giữa tháng 9/2013 đến nay, số điện thoại của Khương đã không còn liên lạc được. Một số người đã tìm đến nơi Khương ở thì phát hiện hắn đã bỏ trốn biệt tăm.
Một cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Diên Khánh cho hay, qua xác minh thông tin, công ty ở xã Suối Hiệp không có nhu cầu tuyển dụng lao động đã được một thời gian và cũng không có nhân viên nào tên Nguyễn Tấn Khương. Cán bộ này cũng cho biết, quần chúng nhân dân cần nêu cao cảnh giác trước những thông tin nhờ xin việc làm để tránh bị kẻ gian lừa đảo. Ai là nạn nhân của Khương, đề nghị liên hệ với công an huyện Diên Khánh để trình báo.