Ấy nhưng, cái lý muôn thuở của người Dao thì lại nói, cái mới là khởi đầu cho mọi sự. Ngẫm câu nói ấy thật đúng, đối theo câu nói “đất này đang trong những ngày mới” của Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì – một địa phương được coi là “nóc nhà” của Hà Nội thì vùng đất xa xôi này đang từng ngày lột xác. Tại đây, ngoài những khởi sắc về đời sống kinh tế thì còn nồng đượm, ăm ắp các giá trị văn hóa tinh thần.
Khởi nguồn cho ấm no, hạnh phúc
Trong tiết trời dịu nhẹ, đan xen những hạt mưa xuân phơn phớt tôi tìm đến xã Ba Vì, huyện Ba Vì, một địa phương nằm mãi tận Vườn Quốc gia, nơi có 95% dân số là người dân tộc Dao. Cũng thực lạ, trên quãng đường tôi tìm đến, nếu hỏi thăm địa danh thì người bản địa cứ… ngơ ngơ nhưng bảo về “xã người Dao” ai nấy đều tận tình chỉ dẫn vanh vách.
Nhắc chuyện đất và người trong vùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng bộc bạch: “Khó khăn vẫn còn nhiều nhưng chúng tôi đã xác định được hướng đi, hướng phát triển. Vùng đất này đang trong những ngày mới…”. Theo lời ông Vượng, sau cuộc vận động “hạ sơn” năm 1968, đặc biệt từ khi Nhà nước có quyết định thành lập Khu bảo tồn Vườn Quốc gia Ba Vì năm 1990 thì toàn bộ người Dao sống rải rác trên núi đều xuống định cư quanh chân núi. Từ đây, họ đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ phá rừng làm rẫy sang trồng và bảo vệ rừng. Từ du canh du cư, đại bộ phận người Dao đều đã biết trồng lúa nước và ổn định tư tưởng, xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác định canh, định cư.
Cứ thế, xã Ba Vì hình thành từ ba bản người Dao, nay gồm ba thôn: Hợp Nhất, Yên Sơn và Hợp Sơn. Số hộ trên địa bàn hiện tại là 557 hộ, khoảng 2.237 nhân khẩu. Nhắc lại cái thời chưa hợp nhất về với Thủ đô, ông Vượng thở dài bảo: “Kinh tế khi ấy nhìn chung vẫn khó khăn lắm. Điện - đường - trường - trạm chưa hoàn chỉnh nên người dân Ba Vì còn quá vất vả. Thậm chí dù điện lưới đã về đến nơi nhưng cũng phập phù, lúc có, lúc không. Lam lũ, vất vả, người Dao luôn phải quay quắt với cuộc sống. Đói, nghèo cũng từng khiến thanh niên, trai tráng người Dao lũ lượt bỏ sang Trung Quốc làm ăn, để rồi vướng bận phải bao rủi ro”.
Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì cộng đồng người Dao ở Ba Vì đương nhiên trở thành một trong những cộng đồng người thiểu số của Hà Nội. Và nghiễm nhiên, công tác phát triển kinh tế, đời sống chính sách, văn hóa, giáo dục… cũng theo đó được chú trọng, nâng cao. Nhắc đến chiến lược phát triển kinh tế dài hơi cho xã, ông Phó Chủ tịch hồ hởi: “Chúng tôi đã nhìn thấy hiệu quả của việc phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã tham quan bản làng người Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa - Lào Cai), bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) và nhận thấy, xã Ba Vì cũng có tiềm năng để phát triển du lịch như vậy. Bà con còn có nghề thuốc nam gia truyền, rất thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, mua thuốc nam, tắm thảo dược gắn với quần thể du lịch quanh núi Ba Vì. Người dân rất mong được hỗ trợ xây dựng mô hình, liên kết với các công ty lữ hành đón khách”.
Phó Chủ tịch Vượng bảo, gốc rễ để thoát nghèo ở Ba Vì vẫn là phải tạo ra nhiều công ăn việc làm. Tạo điều kiện công việc cho người trong độ tuổi lao động. Thế nên nghề thuốc nam đang được xã chú trọng và định hướng phát triển. Đáng mừng là, ở thôn Yên Sơn một trong ba thôn của xã Ba Vì được TP Hà Nội chứng nhận là làng nghề thuốc nam của người Dao đời sống kinh tế người dân đã có nhiều chuyển biến. Hàng loạt ngôi nhà tầng nằm san sát nhau đã mọc lên trên vùng đất này. Nguồn thu mang lại từ thuốc nam có thể tính bằng con số hàng tỷ đồng/hộ làm nghề/năm.
Nỗi băn khoăn lớn nhất của người dân trong xã là hiện cây thuốc nam có xu hướng ngày một khan hiếm. Trong bối cảnh thiếu đất canh tác, người dân rất khó bảo tồn đa dạng cây thuốc tại vườn nhà. Người Dao và cả chính quyền địa phương đều mong muốn sớm được quy hoạch vùng trồng cây thuốc nam dưới tán rừng để bảo tồn cây dược liệu. Nếu đề án này được triển khai nhân rộng, đời sống người dân tin chắc sẽ đổi khác, những mùa xuân tới sẽ hứa hẹn kinh tế ngày một no ấm.
|
Điệu nhảy huyền bí suốt đêm trăng
Từ trụ sở UBND xã, theo hướng dẫn của Phó Chủ tịch Vượng, chúng tôi tìm đến bản Dao Hợp Sơn để dự Tết Nhảy – một nét văn hóa độc đáo bậc nhất của người dân nơi đây. Rẽ trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn tôi đến nhà ông Triệu Tiến Thành An (SN 1961, thôn Hợp Sơn), người đã “đăng cai” Tết Nhảy dịp này. Hỏi ra mới biết, tết này của người Dao không trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh mà thường diễn ra vào tháng chạp.
Cũng thực lạ, quang cảnh ngày lễ tết nơi đây khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, dù gia đình nào “đăng cai” thì người trong và ngoài bản đều coi đó là việc chung và đều nhiệt tình đến dự. Chẳng thế mà, nơi đầu nương, cuối xóm có thể thấy cảnh đám trẻ con ríu rít, tung tăng áo mới theo chân cha mẹ đi ăn Tết. Rồi tiếng người cười nói, tiếng dao thớt, tiếng lợn gà… tất thảy như hòa hợp vào nhau để xua tan đi cái lạnh nơi rẻo cao này.
Có tiếp xúc mới thấy, người Dao hồn nhiên và chân tình. Thấy khách lạ ghé nhà, họ chỉ hỏi thăm đôi câu rồi tất cả đều vui vẻ kéo khách ngồi vào mâm, nâng chén thưởng thức hương rượu ngô ủ lá thơm nồng. Họ cho rằng, trong ngày này, bất kỳ khách nào, đến cổng đều phải ngồi vào cỗ lá. Càng đông khách, càng nhiệt tình ăn uống, càng no say thì chủ và khách mới càng được tổ Bàn Vương của người Dao phù hộ.
Giữ vẻ mặt nghiêm nghị, thầy mo Triệu Tiến Nhàn đồng thời là cán bộ phụ trách văn hóa của UBND xã đang nhanh tay lật giở những trang sách cũ dày đặc chữ Hán. Ông bảo, đây là cuốn sách ghi chép lại nguồn gốc, lịch sử của người Dao quần chẹt. Mo Nhàn cho biết, không phải ai cũng có thể tổ chức được Tết nhảy mà phải phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế. Thường thì trong chu kỳ 15 năm, Tết Nhảy mới được tổ chức một lần, chính vì thế việc cúng lễ tổ tiên cũng vô cùng cẩn trọng. Nếu sơ suất sẽ bị các ngài quở trách.
Theo lời chủ nhà Triệu Tiến Thành An, việc quan trọng nhất nhì trong những ngày tổ chức Tết Nhảy là phải tìm được thầy mo uyên thâm về tục lệ để thầy ôn lại 12 bài cúng. Từ khi được gia chủ mời cúng lễ, thầy mo phải cách ly tuyệt đối với chuyện chăn gối để giữ được thân thể “tinh khiết”. Ngoài ra, thầy mo còn phải thức suốt 3 ngày Tết để điều hành việc hát - nhảy sao cho đúng bài. “Phần đạo cụ không kém quan trọng trong phần nhảy là những thanh kiếm gỗ, lệnh bài, thuổng… bởi đó là những đồ vật tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên người Dao dùng để đánh giặc, lao động sản xuất” – ông Triệu Tiến Nhàn chia sẻ.
Trước nghi lễ chính thức, quang cảnh Tết Nhảy dường như tĩnh lặng lạ thường. Văng vẳng trong khung cảnh ấy chỉ còn tiếng lầm rầm khấn vái của các ông thầy mo được ngồi trang trọng gần bộ tranh thờ treo kín các bức tường. Tiếng thở hồi hộp của người già ngồi trên, bọn trẻ lâu nhâu thì đều bị… ngồi cả ra sân ra vườn.
Những âm hưởng chỉ vỡ òa, rôm rả trở lại sau khi thầy đồng thực hiện xong nghi lễ xin âm dương. Cứ thế, bên ngọn lửa bập bùng, âm thanh rộn rã, chũm chọe, phèng phèng… là thanh niên, trung niên trong làng, ngoài bản với trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt nô nước nhảy múa. Tất cả họ đan xen vào nhau, tựa như thêu đang dệt sắc màu bên ánh lửa bập bùng.
Cứ hai nhịp nhảy lại một nhịp bày cỗ. Thịt lợn, thịt gà, bánh nếp được bày ra lá chuối giữa nhà, hết đêm rồi đến ngày họ nhảy múa triền miên. Vạn vật như chập chờn, huyễn ảo trong cảnh múa chuông, mua kiếm, múa rùa… Bất giác, ngẩn ngơ bên những bức tranh thờ đỏ rực hình các vị thần mặt đỏ, râu dài rồi 12 bài hát lần lượt được xướng lên bên tai tôi chợt văng vẳng lời của Phó Chủ tịch Lý Sinh Vượng. Ông Vượng bảo, tất thảy điệu múa đều bao hàm, mô tả lại quá trình vượt biển di cư của tổ tiên người Dao. Bao hàm nỗi mong cầu thần linh phù hộ. Nét đặc sắc của Tết Nhảy không ở sự cầu kỳ lễ tiết, điệu múa mà nằm ở sự chân thành.
Giã từ Tết Nhảy khi trời đã chuyển quá chiều, giã từ những người dân bản Dao hiếu khách tôi rong xe trên con đường mới của thôn Hợp Sơn với những nỗi niềm khó tả. Xã Ba Vì đang từng ngày đổi khác, vùng đất của người Dao rồi mai này sẽ trở thành vùng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Điều này hoàn toàn có thể. Chỉ hi vọng bên cạnh sự phát triển kinh tế, đi đôi với phát huy nét văn hóa truyền thống, những chàng trai cô gái người Dao vẫn giữ được sự chân chất, hiếu khách như họ vẫn có. Ấy là thứ giúp níu chân khách phương xa.