Đòn roi là sự bất lực của giáo dục?
“Yêu cho roi cho vọt” là một thành ngữ xưa, cũng chính là một thói quen dạy trẻ của nhiều thế hệ đi trước. Với các thế hệ 8x trở về trước, “roi vọt” là một phần không thể thiếu của tuổi thơ, những trận đòn diễn ra khi trẻ con phạm lỗi, hư hỏng, thậm chí là khi bố mẹ bực mình. Ở xã hội hiện đại, khi mà nhận thức về nuôi dạy con phát triển lên tầm mới, hoà nhập với quốc tế, thì chuyện dạy trẻ bằng đòn roi đã giảm đi nhiều.
Tất nhiên, quan điểm “yêu cho roi cho vọt” vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cha mẹ thời hiện đại. Minh chứng là đến nay, thi thoảng vẫn xuất hiện những đứa trẻ tím tái vì những trận đòn quá tay của cha mẹ, những đứa trẻ co rúm và sợ hãi với người lớn, vì các bậc cha mẹ quen bạo lực với chúng.
Ngay cả với những trường hợp người giúp việc, bảo mẫu, cô mẫu giáo hành hạ, đánh đập trẻ gây phẫn nộ trong xã hội, thì vẫn có một bộ phận cất lên tiếng nói ngược, cho rằng đến cha mẹ lúc dạy con mà còn mất bình tĩnh, thường cho con ăn đòn, nói gì đến những người dưng lại phải trông nom quá nhiều trẻ, trong đó có những đứa ngỗ nghịch?(!).
Trên thực tế, hầu hết những trẻ thành công, thành người tử tế đều là những trẻ ít phải chịu đòn roi từ cha mẹ, người thân của mình. Đòn roi, dù bất kì hình thức nào, cũng thể hiện sự bất lực trong giáo dục của cha mẹ. Đòn roi, dù với lý do nào cũng sẽ trở thành nỗi hoảng sợ và vết hằn lên tâm lý trẻ, sử dụng đòn roi với con, nhẹ hay nặng, đều là một dấu hiệu của bạo hành gia đình.
Nhiều gia đình có bạo hành, xuất phát đều từ những trận đòn nhỏ, rồi tăng nặng dần, đến lúc người lớn “quen tay”, coi bạo lực cho con trẻ là một cách trút giận. Chưa nói đến chuyện trẻ sinh ra trong đòn roi dễ phát triển mầm mống bạo lực, lớn lên hình thành tính bạo ngược…
Thế hệ “em chã” từ sự cung phụng
Trái ngược hoàn toàn với cách dạy con bằng roi vọt là kiểu dạy con “chăm đến tận răng”. Đây lại là một thói quen dạy con phổ biến của nhiều cha mẹ trẻ ngày nay. Thời buổi kinh tế đi lên, cuộc sống đủ đầy, nhiều bậc cha mẹ có quan niệm thương con là phải chăm nom, o bế con từng li từng tí, phải “hầu hạ” con từng miếng ăn, giấc ngủ.
Nhiều bậc cha mẹ xót con đến mức không dám cho con làm việc nhà. Ở nhà đã có giúp việc làm tất tần tật, đi xa thì cha mẹ thay con giải quyết tất cả mọi vấn đề. Cưng chiều con, nhiều bậc cha mẹ cũng tìm mọi cách cho con tránh phải va chạm với chung quanh, con đi đâu cũng chở, cũng theo nâng niu, con có gây gổ với bạn bè hay bị thầy cô trách phạt thì lên tận trường lớp mắng vốn, tìm “công bằng” cho con, chứ chưa hề có cách dạy con biết giải quyết các vấn đề của mình. Điều đáng nói, không chỉ các gia đình giàu có mà hiện nay, nhiều gia đình trung lưu, công chức vẫn áp dụng lối nuôi dạy con kiểu “bảo bối” như thế.
Lối thương con “cung phụng tận chân răng” này, hệ quả tất yếu là sản sinh ra một thế hệ trẻ em “em chã”. Trẻ được giáo dục bảo bọc kiểu này, thường rất “tồ tẹt” cho đến lúc lớn, vì không hề có tính tự lập, chưa được trang bị những kĩ năng sống thiết yếu, tất cả đã có cha mẹ làm giúp. Rất phổ biến những câu chuyện cười ra nước mắt, khi những cậu bé, cô bé đi dã ngoại với tập thể lại làm phiền cả cô giáo và các bạn vì không biết tự thân vận động, cái gì cũng phải nhờ đến mọi người giúp đỡ.
Câu chuyện cô dâu về nhà chồng khiến cả nhà chồng phát hoảng vì không biết nấu nướng, không nhúng tay vào dọn dẹp và thiếu kiến thức đời sống vợ chồng cũng không xa lạ. Hệ quả của nó còn là một thế hệ, có thể học giỏi, nhưng ngoài kiến thức sách vở ra không biết gì khác, như chuyện cô bé miền Bắc không biết canh cua nấu từ rau gì, chàng trai không biết nón lưỡi trai là vật gì trong một vài chương trình truyền hình thực tế.
Và không chỉ những đứa trẻ phải chịu hậu quả từ cách dạy con “hầu hạ” của bố mẹ khi bước ra xã hội, mà chính các bậc cha mẹ cũng là người phải gánh hậu quả trực tiếp từ cách nuôi dạy của mình. Những đứa trẻ được nuông chiều, bảo bọc quá sức, hầu hết khi lớn lên, đều chỉ biết nhận chứ không biết cho, chỉ biết đòi hỏi tình thương ở bố mẹ, chứ không biết cách thương yêu, trách nhiệm đối với các bậc sinh thành.
Hiện nay, có rất nhiều cách dạy con của các nền văn hoá khác nhau đáng học hỏi, từ Nhật, Tây, Do Thái, Hoa…, có cái nghiêm khắc, có cái chú trọng tự phát triển, nhưng hầu hết, dạy con bằng roi vọt hay chiều tận răng đều không có trong các phương pháp giáo dục ấy.
Dạy con là bản năng của mỗi bậc cha mẹ. Tuỳ thuộc vào tính cách, thiên hướng, môi trường sống của đứa trẻ, cha mẹ sẽ có một cách dạy dỗ riêng, phù hợp, chứ không có công thức chuẩn nào để áp dụng giáo dục thật tốt cho mọi đứa trẻ.
Nhưng trên hết, trẻ nên được dạy dỗ bằng tình yêu thương, bằng những lời ngợi khen và động viên. Trẻ cũng cần được dạy cách sống tốt, biết yêu thương mọi người. Mà cách giáo dục sinh động và hiệu quả nhất, không đâu bằng tấm gương trực quan hàng ngày, là lối sống của chính các bậc cha mẹ của trẻ.