Đơn vị chuyên trách về bồi thường "gánh" 18 nhóm công việc

Quản lý nhà nước về công tác bồi thường có đối tượng rộng lớn, bao gồm hàng vạn đầu mối là các cơ quan Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý hành chính ở trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã; các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án. Nội dung quản lý nhà nước về công tác này phong phú, có tính chất chuyên sâu, phức tạp và đòi hỏi cần phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Quản lý nhà nước về công tác bồi thường có đối tượng rộng lớn, bao gồm hàng vạn đầu mối là các cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý hành chính ở trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã; các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án. Nội dung quản lý nhà nước về công tác này phong phú, có tính chất chuyên sâu, phức tạp và đòi hỏi cần phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Hơn nữa, đây là một công tác mới, dự báo ngày càng phức tạp và có tính ổn định cao vì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gắn liền với việc xây dụng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Do đó, đặt ra yêu cầu cần phải có sự phân cấp của Bộ Tư pháp theo hướng Bộ giao cho đơn vị chuyên trách trực tiếp thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Vì vậy, dự thảo Đề án xác định mô hình đơn vị chuyên trách tại Bộ Tư pháp là Cục Bồi thường nhà nước. Không chỉ tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Cục sẽ còn thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường với khoảng 18 nhóm công việc.

Chẳng hạn như hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi cả nước; cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; theo dõi, hướng dẫn pháp chế các bộ, ngành, sở Tư pháp các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường...

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, việc Đề án được phê duyệt sẽ đem lại những tác động nhiều mặt cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Việc thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Đối với người bị thiệt hại, việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước sẽ thiết lập một địa chỉ thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tìm đến khi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. ”Việc thành lập đơn vị chuyên trách tại Bộ Tư pháp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời không trái với chủ trương cải cách hành chính nhà nước hiện nay”, ông Tịnh khẳng định.

Thục Quyên

Đọc thêm