Sự phát triển tỉ lệ thuận với mối đe dọa
Thành phố Đông Quan – một trong những khu công nghiệp năng động nhất thế giới – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ hồi tháng 5/2014. Hơn 100 nhà xưởng và cửa hàng đã bị ngập trong nước. Nước dâng cao đến tận đầu gối trong suốt 20 phút, quét sạch hàng tồn kho của hàng chục công ty.
Ở thành phố kế cận Quảng Châu, máy bay trực thăng và một đội 80 tàu đã được điều đến để giải cứu những cư dân bị mắc kẹt. Hàng chục nghìn người đã bị mất nhà cửa. Cả một cánh đồng rộng hàng trăm km2 ở gần đó đã bị phá hủy. Tổng thiệt hại do lũ lụt ở khu vực chỉ trong đợt lũ đó đã lên đến 100 triệu USD.
Lũ lụt vốn là vấn đề trầm kha ở khu vực đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc. Tuy nhiên, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu đang đưa đến những cơn bão cực đoan hơn cũng như khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn với các hiện tượng như nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao…
Một thế hệ trước, nơi này chủ yếu là đất nông nghiệp. 3 con sông quan trọng ở khu vực dẫn ra Biển Đông, cùng với một lưới những nhánh sông đan chằng chịt vào nhau khiến cho vùng đất thấp này trở thành một vùng đồng bằng phì nhiêu, nổi tiếng về lúa gạo. Toàn bộ dân số cả vùng khi đó chỉ khoảng 1 triệu người.
Vào khoảng những năm 1980, Trung Quốc bắt quá trình chuyển đổi toàn khu vực, xây dựng ở đây những thành phố có diện tích bằng nhiều nước khác mà không hề dừng lại để xem xét cái giá môi trường phải đánh đổi cũng như ảnh hưởng trong tương lai của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Để rồi, đến nay, khu vực này đã trở thành một gã khổng lồ về công nghiệp với tổng số dân lên đến hơn 42 triệu người.
Sự thịnh vượng đã làm thay đổi địa văn hóa và xã hội của vùng đồng bằng này nhưng nó lại không làm thay đổi được địa thế của mảnh đất. Vì thế nên sự phát triển mạnh mẽ ở khu vực cũng tỉ lệ thuận với đe dọa đang ngày càng gia tăng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Về mặt kinh tế, theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới, Quảng Châu giờ trở thành nơi tổn thất vì do biến đổi khí hậu nhiều hơn bất cứ thành phố nào trên hành tinh này. Thành phố Thâm Quyến ở gần đó – cũng là một đô thị đang bùng nổ ở Trung Quốc – xếp thứ 10 trong danh sách đánh giá những nơi bị thiệt hại GDP nhiều nhất của Ngân hàng thế giới.
Lớp phòng thủ tự nhiên bị lấp
Tới những năm 1970, Thâm Quyến vẫn chỉ là một làng chài yên bình với dân số khoảng 35.000 người nhưng đến cuối những thập niên đó, giới chức Trung Quốc tuyên bố lập ở đây một Vùng kinh tế đặc biệt, đưa đến những khoản đầu tư lớn cùng làn sóng người di cư từ các vùng quê tới đây, giúp nơi này trở thành một đô thị gồm 11 triệu người.
Cô Cai Yanfeng - một người sinh ra và lớn lên ở Thâm Quyến – nhớ lại khi còn nhỏ cô vẫn thường chạy băng qua con phố ngay trước tòa nhà có quán café Starbucks hiện nay để chơi trong cánh rừng ngập mặn. Hiện nay, con phố trước Starbucks có tương đương một tuyến đường liên bang ở Mỹ. Cách tòa nhà Starbucks một quãng là một khu tòa nhà bệnh viện và một trung tâm thương mại.
Cánh rừng ngập mặn khi xưa đã bị xẻ nhỏ, lấp đất, san bằng rồi đổ bê tông trước khi được lấp đầy bằng những khối bê tông, nhựa đường, những khu tháp văn phòng, căn hộ cao tầng và phát triển công nghiệp. “Ban đầu chỉ có những khu vui chơi dọc bãi biển. Sau đó, thành phố xây thêm một con đường lớn ở gần biển. Cả khu vực kể từ đó được lấp đầy bằng những tòa nhà dân cư. Mọi thứ bắt đầu được tăng tốc sau đó” – cô Cai kể.
Việc phá hủy những vùng đất ngập nước nơi cô Cai từng chơi đùa khi còn nhỏ hiện trở thành một trong những thách thức khí hậu lớn nhất của khu vực. Cánh rừng ngập mặn chính là vùng đệm tự nhiên, che chắn cho đường bờ biển, giảm tác động của những cơn sóng và nước biển dâng, lọc muối có thể xâm nhập vào nguồn nước ngọt của khu vực hấp thụ khí carbon cũng như làm dịu không khí trong khu vực.
Tuy nhiên, cho đến nay, khoảng 70% rừng ngập mặn ở Thâm Quyến đã biến mất. Và sự biến mất của những cánh rừng này diễn ra với tốc độ càng ngày càng nhanh. Trong giai đoạn 1979-1985, gần 8,5km2 rừng đã bị đánh bay đi nhưng chỉ trong 1 thập kỷ sau đó diện tích rừng ngập mặn bị san lấp đã lên đến hơn 27km2 và hàng nghìn km2 khác đã bị lấp bỏ trong những năm tiếp theo.
|
Những con mương vốn là nơi thoát nước cho những thành phố như Quảng Châu đã bị san lấp. |
Gần đây, giới chức Trung Quốc tiếp tục công bố kế hoạch lấp thêm hơn 50km2 đất nữa ở bờ biển Thâm Quyến. Tại Thâm Quyến, những ngư dân nói rằng bãi biển Xiyong đang dần bị “nuốt chửng” khi nước biển dâng mà theo các chuyên gia có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Việc mực nước tăng như vậy cộng với việc sụt lún của đất đai sẽ khiến nước mặn xâm nhập vào vùng đồng bằng, khiến cho tình hình hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn, đe dọa nguồn nước uống của người dân địa phương.
Vài năm trước, một đợt hạn hán ở Thâm Quyến đã khiến hàng triệu người dân lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Những đợt xâm nhập mặn không chỉ khiến người dân không có nước sinh hoạt mà còn khiến các nhà máy lâm vào cảnh không có đủ nước để phục vụ sản xuất, ăn mòn các thiết bị khiến giá thành sản phẩm tăng cao, kéo theo việc tác động lên cả mạng lưới phân phối.
Câu hỏi nghìn tỉ USD
Tuy nhiên, khi được hỏi người dân Thâm Quyến có lo lắng về biến đổi khí hậu hay không, Cai cho biết người dân ở Thâm Quyến hiện vẫn chỉ chú trọng tới các khía cạnh kinh tế, việc làm và GDP. “Họ chỉ quan tâm về việc họ đã trở thành thành phố loại 1 chưa, đã đánh bại được Quảng Châu hay chưa thôi” – cô Cai cho hay.
Theo Ngân hàng thế giới (WB) – đơn vị thực hiện dự án tính toán về thiệt hại tiềm tàng của các thành phố ven biển trên khắp thế giới do nước biển dâng – thiệt hại do biến đổi khí hậu trên khắp thế giới có thể lên đến hàng nghìn tỉ USD.
Theo ước tính của WB, Trung Quốc hiện đã mất 1,4% GDP hàng năm do biến đổi khí hậu. Mưa lớn vào mỗi năm cũng đã tàn phá nhiều thành phố khác trên khắp miền nam Trung Quốc trong năm ngoái: hơn 160 người đã thiệt mạng do đuối nước và lở đất, hàng chục người đã mất tích, 73.000 ngôi nhà bị đổ sập và hơn 1 triệu ha hoa màu bị phá hủy. Tổng số người thiệt mạng do lũ ở Trung Quốc thực ra đã giảm nhờ có sự cải thiện trong nỗ lực cứu hộ.
Tuy nhiên, thiệt hại đang ngày càng rõ ràng ở những khu đô thị, nơi tình trạng phát triển quá mức tiếp tục vượt quá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng sẵn sàng chống đỡ thiên tai. Một phần lý do nằm ở việc những con kênh và những tuyến đường thủy từng là nơi thoát nước cho các thành phố như Quảng Châu đã bị san lấp và phủ lên trên bằng những lớp nhựa đường và bê tông.
Cơ hội để cải thiện tình hình
Ông Zhou Ming – một nhà hoạch định đô thị - cho rằng quan điểm của người Trung Quốc về hiện đại hóa đang không ngừng thay đổi. “Trước khi mở cửa ra thế giới bên ngoài, người ta chẳng có thực phẩm mà ăn nên chỉ chú trọng đến việc làm và những nhu cầu cơ bản. Nhưng lương công nhân đang ngày càng tăng và người ta bắt đầu quan tâm đến ô nhiễm không khí và những giá trị văn hóa truyền thống chứ không chỉ là những tòa nhà chọc trời.
Việc giá nhân công tăng và những đe dọa từ việc phải tuân thủ những tiêu chuẩn ô nhiễm nghiêm ngặt được cho là nguyên nhân khiến một số nhà sản xuất chuyển hoạt động tới các nước như Việt Nam và Campuchia, nơi các quy định liên quan đến vấn đề này yếu hơn. Ngược lại, những nước này đang lặp lại những sai lầm liên quan đến việc chuẩn bị khả năng đối phó với biến đổi khí hậu mà Trung Quốc hiện đang phải trả giá.