Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào?

(PLVN) - Sau thời gian làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, nhiều lao động nghỉ việc nhưng vẫn muốn được tiếp tục đóng bảo hiểm để về già có lương hưu. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam giải đáp thắc mắc liên quan đến cách thức, mức đóng, thời gian đóng BHXH tự nguyện.  
Tìm hiểu thông tin về BHXH tự nguyện có thể giúp người lao động tự do quyết định được phương thức tham gia phù hợp. (Ảnh minh họa)
Tìm hiểu thông tin về BHXH tự nguyện có thể giúp người lao động tự do quyết định được phương thức tham gia phù hợp. (Ảnh minh họa)

Mức đóng và phương thức đóng BHXH tự nguyện

Ông Trịnh Văn Long (Quảng Trị) hỏi: Quy định chung về mức đóng, phương thức đóng, thời gian đóng và điều kiện hưởng đối với người tham gia BHXH tự nguyện như thế nào? 

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Về mức đóng BHXH tự nguyện: bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở (thời điểm hiện tại thấp nhất là 700.000 đồng/tháng, cao nhất là 27.800.000 đồng/tháng).

Về phương thức đóng: có thể lựa chọn đóng hàng tháng; đóng 3 tháng/lần; đóng 6 tháng/lần; đóng 12 tháng/lần và đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần.

Thời gian đóng: Đóng trong tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng; 4 tháng đầu đối phương thức đóng 6 tháng/lần; 7 tháng đối với phương thức đóng 12 tháng/lần. Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng 1 lần cho nhiều năm về sau.

Điều kiện hưởng:  Lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam; Hưởng BHXH 1 lần khi có đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH; Thân nhân hưởng trợ cấp mai táng khi đóng đủ BHXH tự nguyện từ 60 tháng trở lên;  Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần khi người đang đóng BHXH tự nguyện bị chết.

Đóng bao nhiêu năm để được hưởng?

Bà Nguyễn Ngọc Hà (Hà Đông, Hà Nội): Tôi tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2012, năm nay tôi 35 tuổi, vậy tôi phải đóng BHXH tự nguyện bao nhiêu năm nữa để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí? Nếu có vấn đề gì tôi không tham gia được nữa thì tôi có được hưởng BHXH một lần không? Nếu được thì mức hưởng 1 lần được tính như thế nào?

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:  Theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH năm 2014, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. 

Như vậy, đề nghị bà đối chiếu quy định nêu trên để tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH thì sẽ được hưởng lương hưu. 

Nếu bạn không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện được nữa thì việc hưởng BHXH 1 lần sẽ được đáp ứng nếu bạn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật BHXH và khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội. 

Về mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 77 Luật BHXH.

Đã tham gia BHXH 19 năm, có được đóng thêm 1 năm để hưởng lương hưu?

Bà Hoàng Trang (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) hỏi: Tôi sinh ngày 30/3/1966, đã đóng BHXH bắt buộc được 19 năm. Tôi muốn biết, nếu tôi xin nghỉ việc và đóng BHXH tự nguyện 1 năm còn lại để đủ 20 năm đóng BHXH thì có được hưởng lương hưu ngay không? 

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2, Điều 54, Điều 55, Khoản 1 Điều 73 Luật BHXH năm 2014, trường hợp của bà sinh ngày 30/3/1966 (đến nay chưa đủ 53 tuổi), khi nghỉ việc chưa đủ 20 năm đóng BHXH (chỉ có 19 năm) thì chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu ngay. Bà có thể đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và khi bà đủ 55 tuổi (nếu là nữ) hoặc đủ 60 tuổi (nếu là nam) bà sẽ được hưởng lương hưu.

Có được tính cả thời gian trong quân đội?

Ông Trần Hoài Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: Tôi có thời gian công tác trong quân đội từ 10/1989- 1/1991 xuất ngũ về địa phương, từ 5/2006 đến 6/2010 tham gia BHXH bắt buộc, từ 7/2017 đến nay tham gia BHXH tự nguyện. Vậy thời gian công tác trong quân đội của tôi có được cộng nối với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH không? 

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐCP ngày 11/11/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì thời gian công tác trong quân đội của bạn từ 10/1989 đến 1/1991, nếu bạn không hưởng chế độ trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐCP thì được cộng nối với thời gian đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Đọc thêm