Đồng bào thiểu số phải đi phá rừng vì... lâm trường?

(PLO) - “Cách nhà 50 mét đã là đất của lâm trường, vốn từng là đất rừng của tổ tiên chúng tôi. Nếu chúng tôi đủ cái ăn, cái mặc thì sẽ không ai đi phá rừng”. Đó là ý kiến của bà Hồ Thị Con (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một hội thảo về đất nông nghiệp.
Ảnh minh họa (Ban tổ chức cung cấp)
Ảnh minh họa (Ban tổ chức cung cấp)
Phá rừng vì thiếu đất sản xuất
Tại hội thảo giới thiệu dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất, đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số” diễn ra ngày 19/1 tại Hà Nội, bà Trần Thị Hòa (Giám đốc Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á - CIRUM) cho biết, theo các nghiên cứu, tỉ lệ đói nghèo ở khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn tỉ lệ trung bình trên cả nước. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu đất sản xuất. 

Theo đánh giá của trung tâm này, hơn hai phần ba người dân tộc thiểu số có sinh kế phụ thuộc vào đất nông nghiệp, đất rừng. Họ đang sống dưới ngưỡng nghèo của cả nước.

Đi đôi với nghèo khó là hàng loạt khó khăn khác như sức ép tăng dân số, suy thoái và giảm diện tích đất rừng, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Thực trạng này nếu tiếp diễn, trong tương lai có thể đẩy người dân ở những vùng này thêm khó khăn.

Ông Biniam Haile (quyền Giám đốc Quốc gia Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam) cho biết, việc trao quyền sử dụng đất rừng cho người dân tộc thiểu số có thể giải quyết những căn nguyên gốc rễ đói nghèo cho người dân tộc thiểu số, giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, dân tộc. 

Bà Hồ Thị Con cho biết, gia đình bà thuộc diện khó khăn ở địa phương, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Trước đây bà có thể vào rừng làm nương rẫy; kiếm củi, măng, nấm và những sản phẩm khác từ rừng để phục vụ cuộc sống.

Nhưng từ khi rừng được quy hoạch thành lâm trường trồng cây thì nguồn thu thực phẩm và diện tích canh tác bị thu hẹp, kinh tế gia đình bà thêm phần khó khăn. 

Theo bà Con, diện tích đất lâm trường do tổ tiên họ sử dụng từ nhiều đời nay. Nay thiếu đất canh tác, một số người đã vào rừng chặt cây của lâm trường để phục vụ cuộc sống.

“Nếu chúng tôi đủ cái ăn, cái mặc thì sẽ không đi phá rừng. Chúng tôi quá ít đất để canh tác”, bà Hồ Thị Con nói lên thực trạng.

Bà Con phát biểu tại Hội thảo
Bà Con phát biểu tại Hội thảo 
Diện tích ngày càng bị thu hẹp
Ông Quách Đại Ninh, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) thừa nhận, diện tích rừng của người dân đang ngày càng thu hẹp. Do đó, ngoài việc tăng quyền quản lý rừng cho lực lượng chuyên trách thì người dân địa phương cũng phải được quản lý một phần, giúp cải thiện thu nhập.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng thừa nhận đất nông nghiệp của người dân tộc thiểu số đang bị thu hẹp. Quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân bị thu hẹp sẽ đồng nghĩa đời sống kinh tế thêm khó khăn.

Theo ông Chu, cần có chính sách để người dân tộc thiểu số vừa bảo vệ rừng, vừa có thể dựa vào rừng để phát triển kinh tế.

Giám đốc Trung tâm CIRUM cho rằng, các chính sách lâm nghiệp và đất đai hiện tại cho phép người dân được quyền sử dụng đất, tạo điều kiện giao đất rừng cho người dân. Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số đang rất bị hạn chế.

Hiện nay các nông, lâm trường quốc doanh giữ hơn 4 triệu hécta đất. Trong số này, nhiều diện tích đất đã bị hoang hóa, sử dụng không hiệu quả hoặc sai mục đích. Trong khi đó người dân tộc thiểu số sống ở ngay gần các lâm trường lại không có đất canh tác. 

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án đổi mới nông, lâm trường quốc doanh. Tuy nhiên, chính sách này chưa đến được với người dân, tình trạng người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất vẫn diễn ra phổ biến.

Trước thực trạng này, tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bằng cách trợ cấp gạo, hỗ trợ con giống; giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức và không phù hợp với thói quen canh tác, biện pháp này không được nhiều người dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả.

Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số” sẽ được triển khai từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2018 tại sáu tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. 

Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) hỗ trợ, tổng vốn hơn 650.000 EURO (tương đương hơn 700.000 đô la Mỹ). Đơn vị thực hiện dự án là CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm CIRUM, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNN. Khoảng 8 triệu đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi từ dự án này.

Đọc thêm