Với đặc ân đó, Theo nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (là một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học từng có trụ sở ở Việt Nam – PV), mỗi năm dòng họ Lại cung cấp cho triều đình khoảng 2.000 tờ giấy sắc. Khoảng 40.000 sắc phong đã được các triều vua Việt Nam ban tại 90 huyện ở đồng bằng Bắc Bộ.
Nguồn gốc giấy sắc phong họ Lại
Nghề làm giấy ở Việt Nam đã tồn tại hơn 1.000 năm, nhưng nghề làm giấy sắc hay giấy sắc phong chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ 17. Các làng có nghề làm giấy ven hồ Tây (TP Hà Nội) trong đó có làng Nghè ngày nay vẫn lưu truyền câu chuyện kể rằng nghề này là do cụ Thái Luân bên Tàu sang đây truyền dạy. Nơi ông lựa chọn truyền nghề đầu tiên là vùng Cầu Giấy (Làng Thượng Yên Quyết) nhưng gặp nhiều chuyện không vừa ý, nên chỉ dạy cho dân làng Cót (Hạ Yên Quyết) cách dùng những đầu mẩu vỏ đỗ, làm ra giấy thô.
Tiếp đó, ông đã sang làng Hồ Khẩu. Tại đây ông hướng dẫn cách làm giấy moi. Người dân biết tương đối thành thạo, ông lại chuyển sang làng Động Xã. Làng này được học cách làm giấy quỳ, là thứ giấy để dát vàng quỳ. (Hai làng này thuộc phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội)
Liền đó ông Tổ đến làng Yên Thái (Bưởi - tên tục làng Giấy) dạy cách làm giấy Lệnh, là loại giấy bản khổ tốt, triều đình phong kiến dùng để viết lệnh chỉ. Vì được ông ở lâu nên làng Yên Thái phát đạt về nghề này hơn cả. Cuối cùng ông sang làng Nghĩa Đô. Một người họ Lại đón ông rất trọng hậu, ông truyền cho nghề làm giấy sắc.
Hiện nay, bên cạnh cái giếng cổ ở sát cạnh chợ Bưởi vẫn còn miếu thờ ông tổ Thái Luân. Vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm các làng phường giấy đều tổ chức giỗ tổ ở đó. Ngày 16 tháng 3 không phải là ngày Tổ mất mà là ngày Tổ từ biệt làng Nghĩa Đô ra đi.
Nghề giấy ở làng Nghè, Nghĩa Đô, Cầu Giấy đã được ghi lại trong gia phả khá rõ ràng là có từ thời vua Lê, chúa Trịnh. Theo gia phả của dòng họ Lại, giấy sắc là sản phẩm độc quyền của họ Lại ở Nghĩa Đô. Các tổ ở Nghĩa Đô vốn là con cụ tổ Lại Thế Giáp. Tổ Thế Giáp lấy con gái chúa Trịnh Tráng, tên là Phi Diệm Châu, hiệu Từ An.
Bấy giờ thấy họ nhà chồng nghèo, Phi Diệm Châu đã tâu xin chúa Cha và vua Lê cho họ Lại làm giấy sắc, chuyên cung cấp cho triều đình. Cụ Lại Thế Giáp là người sáng nghiệp làm giấy sắc cho nhà vua. Nhà vua đã ban cho họ độc quyền làm giấy sắc vàng và ban cho tên gọi họ Kim Tiên. Theo thế phả qua các triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn, họ Lại ở Nghĩa Đô liên tục nối tiếp giữ chức Ngự Dung Giám Kim Tiên Cục - quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình.
Tuy nhiên, phải đến 4 đời sau cụ Lại Thế Giáp, nhà họ Lại mới có được tờ giấy sắc chất lượng hoàn hảo. Thời đó triều đình trả một đồng Đông Dương (tương đương một lượng vàng) cho một tờ giấy sắc.
Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924) phong tặng nữ thần Phấn Nhĩ Quỷ Vương được bảo lưu tại đình Hội Xương (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). |
Theo chị Lại Thu Hà, người kế tục nghiệp làm giấy sắc phong dòng họ Lại, đã một thời, người ta đều biết đến tên tuổi của những nghệ nhân tài hoa làm giấy sắc như cụ Lại Thế Vị, cụ Sửu Tơ, cụ Xã Đôi, cụ Chương Sứ, cụ Lại Thị Phương, cụ Lại Phú Bàn. Cụ Lại Phú Bàn chính là bố của chị Lại Thu Hà. 7 năm về trước, cụ Lại Thế Bàn là người duy nhất trong dòng họ còn nắm được bí quyết làm giấy sắc đã về với tổ tiên.
Ông Lại Phú Bàn sinh năm 1924. Từng học tư thục chữ Hán, học tiếng Pháp tại Ecole Premier Công Thành nhưng đến năm 17 tuổi, là con cả trong gia đình, phải có trách nhiệm giữ nghề nên ông đã từ bỏ học tiếng Pháp để chuyên tâm vào làm giấy. Vì đây là nghề truyền thống của dòng họ, xưa nay chỉ truyền cho người trong họ, được phép truyền cho con dâu nhưng không truyền cho con gái sợ sau theo chồng “lộ” nghề nên số người biết nghề càng ngày càng ít.
Cũng may, trước khi mất, ông Bàn đã thay đổi ý định, không mang theo toàn bộ bí quyết gia truyền xuống lòng đất mà truyền lại cho con. Ông Lại Phú Thạch và Chị Lại Thị Hà (cháu đời thứ 23 của dòng họ) chính là người nắm rõ các bí quyết làm ra những tờ giấy sắc như gấm thêu hoa, có độ bền trăm năm này. Những người khác trong dòng họ như ông Lại Phú Quyết (trưởng họ), Lại Phú Kỳ (Phó ban Quản lí họ) và các thành viên khác cũng chỉ nắm được những nội dung cơ bản của quy trình đó mà thôi.
Hơn 600 năm gìn giữ tinh hoa nghề gia truyền
Theo chị Lại Thu Hà, giấy sắc phong là thứ giấy quý được dùng để phong côn, phong thần, là lộc vua ban, là lộc nước nên giấy vốn đã đẹp lại càng quý. Sắc phong Việt Nam bao gồm hai loại: các sắc thần, tức là sắc phong của vua cho các vị thần linh đang được dân gian thờ phụng tại làng xã trong các đình, miếu, từ đường… và các sắc phong chức tước, là loại sắc phong của vua dành cho quý tộc, những quan chức có công trạng với vương triều.
Sắc là văn bản do vua ban hành có hai mục đích chính, thứ nhất, dùng để ra lệnh cho các nha môn và thần dân thực hiện các nhiệm vụ công tác và các việc cụ thể thuộc lĩnh vực quản lí nhà nước. Ví như, tháng 12 năm Đinh Hợi (1467) vua Lê Thánh Tông “Sắc cho Bộ Hộ khai trương đắp đập, không được để đông ruộng nắng hạn hay khô cạn”; năm Gia Long thứ 16 (1817) đã ra Sắc Chỉ “Sắc từ nay hồ sơ các án đình thần xét bàn các tội từ đồ lưu trở xuống đều khải lên cho Hoàng Thái tử để xét đoán. Về án nặng mới đội tâu lên quyết định”.
Mục đích thứ hai của vua sử dụng giấy sắc phong là để thể hiện quyết định của nhà vua về tổ chức nhân sự (tuyển bổ, ban phong phẩm hàm, khen thưởng). Các loại sắc phong thường được nhà vua sử dụng như: Cáo sắc là dùng để phong tặng cho các quan văn từ hàng ngũ phẩm, quan võ từ hàng chánh ngũ phẩm trở lên; Sắc văn nguyên là Chiếu văn dùng để cấp cho quan võ tứ phẩm trở xuống; Sắc thư được dùng để phong cấp cho các quan lại được giao nhiệm vụ quan trọng; Sắc Phong thần là dùng để phong cho những người có công lao đối với đất nước được dân chúng các làng xã lập đền miếu thờ cúng.
Hình thức phong thần rất phổ biến dưới chế độ phong kiến. Vì vậy cho đến nay nhiều sắc phong thần còn được lưu giữ lại tại các dòng họ, đình chùa. Ví dụ: tại Làng Bái Ân còn giữ lại 18 Sắc phong “Đức long lục niên” do vua ban. Các Sắc phòng thần nay do chính dòng họ Lại (ở Nghĩa Đô) sản xuất. Những Sắc phong thần được bảo quản rất cẩn thận, nếu mang ra phơi để tránh ẩm thì những người được giao bảo quản phải chọn ngày giờ tốt, trang phục chỉnh tề, làm lễ mới được mang ra.
Bởi vai trò quan trọng đó mà loại giấy quý này với hai mặt đạo sắc, một mặt vẽ rồng có hình con triện, một mặt vẽ tứ linh để yểm phía sau. Những nét vẽ trên giấy sắc khi thì mềm mại uốn lượn như thân rồng, khi bay bổng theo vân mây. Những bàn tay tài hoa của người họ Lại tạo ra từng nét vẽ mềm mại uốn lượn như rồng bay. Giấy sắc dành riêng cho vua dùng để viết các sắc phong thần, phong công trên nền giấy, nên bao giờ cũng nổi lên mờ mờ hình rồng phun mây. Những nét vẽ vừa có nét bay bổng theo từng đám mây, họa tiết được sử dụng linh hoạt khi hóa chim, lúc lại hóa rồng.
Vì là giấy sắc phong của Vua nên không ngạc nhiên khi mỗi nét vẽ hoa văn sẽ phải được phủ lên thứ vàng mười (loại vàng ta được dát thật mỏng sau đó thếp lên giấy sắc). Vì vậy giấy sắc phong đã uy nghi lại càng thêm phần long lanh với màu vàng óng ánh, sang trọng và tinh tế của hoàng tộc.
Ông Lại Phú Thạch là một trong số hai người của dòng họ Lại còn nắm giữ bí quyết về nghề làm giấy sắc phong truyền thống của dòng họ. |
Để làm ra được những tờ giấy sắc phong “độc nhất vô nhị” nhiều thế hệ nghệ nhân họ Lại xưa kia phải lên tận vùng Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ hoặc Tuyên Quang để tìm cây dó về làm nguyên liệu. Người ta đem vỏ cây dó ngâm trong nước lạnh, rồi đến nước vôi, sau đó đưa vào vạc nấu chín bằng hơi rồi tách bóc thành phần ruột, phần vỏ. Kế đến lấy phần ruột trắng ngâm kỹ trong bể rồi đem rửa, chọn kỹ đem ngâm xong mới giã, đãi, kết hợp với phèn chua và gỗ mò đánh tan đều trong một cái bể lớn. Hết các công đoạn xử lý cây dó thì mới đến công đoạn seo.
Người ta hòa bột giấy trong bể lọc, thợ seo vục nước vào khuôn, lắc cho nước róc hết, lột tờ giấy ướt trên seo đặt chồng lên nhau thành xếp. Khi seo giấy sắc thì phải ba người seo phối hợp mới thành một tờ giấy. Lúc bóc uốn phải bóc liền ba tờ hoặc năm tờ tùy theo độ dầy mỏng của từng loại giấy, nhằm bảo đảm độ dai cho giấy.
Để giấy có độ dai, bền cao thì ở công đoạn giã bìa làm giấy sắc, người ta phải giã bìa bằng tay chứ không giã bằng chày dận chân. Chày giã bằng tay cao hơn đầu người, mặt chày phải phẳng không được lồi lõm để lực xuống được phân đều, các sợi tơ không bị gãy vụn. Như vậy độ dai của tờ giấy sắc càng bền lâu.
Xưa kia, có lẽ giấy dó ở vùng này đã cũng cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã dó một thời đã thành một trong những nét đặc trưng của kinh kỳ đi vào ca dao thành một điểm đặc trưng cho các làng nghề ở đất Thăng Long. Âm thanh ấy đã đi vào ca dao, dân ca, đã gợi cảm hứng cho những tâm hồn thi nhân nghệ sĩ qua nhiều thế kỷ: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Đồng thời, người ta còn quét lên bề mặt giấy mộc một loại keo nấu từ da trâu để tăng độ dai của giấy và làm cho giấy không hút ẩm, có tác dụng chống mối mọt.
Giấy sắc dùng để sắc phong cho quan hàng nhất phẩm (phẩm trật hàng đầu) thì phải có 5 thợ cùng làm một lúc mới seo nổi một tờ. Giấy để sắc phong cho hàng phẩm trật thấp hơn (từ nhị phẩm đến cửu phẩm) khổ giấy hẹp hơn thì cũng phải cần tới 3 người thợ mới làm nổi một tờ. Sau một loạt các công đoạn kế tiếp như ép uốn, nghè giấy, sấy giấy... mới đến những công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi bàn tay nghệ nhân tài hoa mới làm nổi, đó là công đoạn sắc, vẽ hoạ tiết theo phẩm trật. Ấy là sau khi quét nước hoa hòe cho giấy sắc có màu vàng, là đến giai đoạn sắc hóa.
Đó là khâu tinh xảo, cầu kỳ nhất và là khâu cuối cùng hoàn thành tờ sắc, chỉ những nghệ nhân tay nghề cao mới vẽ nổi hoạ tiết rồng trên giấy sắc trong công đoạn này. Các hình long, ly, quy, phượng lên tờ giấy sẽ được vẽ bằng tay theo từng phẩm trật mà triều đình ban tặng. “Các cụ trong dòng họ xưa dùng bút lông và nguyên liệu mực vẽ là dung dịch có vàng và bạc để vẽ. Dụng cụ đánh vàng bạc là chày và những cái bát lớn. Bao giờ bí quyết kỹ thuật ‘đánh vàng, đánh bạc’ cũng được các nghệ nhân họ Lại giữ bí mật và chỉ truyền cho người kế nghiệp”, chị Lại Thu Hà cho hay.
Vang bóng một thời
Theo con cháu hậu duệ họ Lại ở Nghĩa Đô, trước kia số lượng làm ít hay nhiều theo nhu cầu của triều đình được điều hành bởi cụ Lại Thế Vinh. Cụ đã được nhà chúa ban cho tước “Đô Thịnh Hầu” trực tiếp đảm nhiệm việc quản lý làm giấy sắc. Đều đặn mỗi năm, họ Lại cung cấp cho triều đình khoảng 2.000 tờ giấy sắc. Theo nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tại 90 huyện ở đồng bằng Bắc Bộ, các triều vua Việt Nam đã ban khoảng 40.000 sắc phong.
Giai đoạn phát triển mạnh nhất của nghề làm giấy sắc là vào năm 1924. Dịp này, vua Khải Định tròn 40 tuổi, triều đình tổ chức đại lễ tứ tuần đại khánh mừng thọ nhà vua. Kể từ năm 1878, sau đời vua Tự Đức, triều đình chưa tổ chức lễ mừng thọ lớn nào trong suốt 45 năm. Vì thế, đại lễ này tổ chức rất hoành tráng. Nhân dịp này, nhà vua ban sắc cho quan lại và bách thần trên cả nước.
Trước đó cả năm, triều đình đặt dòng họ Lại ở Trung Nha làm hàng vạn tờ giấy sắc phong. Những sắc phong này làm rất đặc biệt, khác hẳn với những sắc phong làm trước đây. Giấy được dát lượng lớn vàng, bạc thật, trang trí cầu kì nên giá mỗi tờ lên tới 2 đồng bạc Đông Dương, một số tiền lớn thời bấy giờ. Theo các cụ cao niên họ Lại, thôn Trung Nha khi ấy làm suốt ngày đêm, mấy tháng ròng mới đáp ứng đủ giấy sắc cho triều đình.
Giá giấy sắc lúc đó rất cao, mỗi tờ giấy sắc thời đó là một đồng bạc Đông Dương (tương đương một lượng vàng), bởi giấy sắc làm rất khó nguyên vật liệu để trang trí đều là vàng, bạc nguyên chất. Đến năm 1945 vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ, không ai còn dùng giấy sắc khiến nghề làm giấy cao quý dần mai một.
Năm 2003, một cuộc hội thảo về nghề giấy sắc phong được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… Họ đã thừa nhận rằng độ bền giấy sắc phong họ Lại Nghĩa Đô bền gấp đôi giấy Long Ám của Trung Quốc hay giấy Long Đằng của Nhật Bản. Thậm chí họ đặt vấn đề muốn mua lại bí nghiệp họ Lại nhằm phục hưng nghề giấy quý. Lẽ dĩ nhiên các trưởng lão trong họ không chấp nhận, bởi đó là niềm tự hào của dòng họ, là tài sản quý báu của người Việt.
Truyền nhân Lại Thu Hà phải mất hơn 1 tháng mới phục chế xong một bản sắc phong thời Lê (ảnh: Giađinh.net) |
Theo nghệ nhân Lại Phú Thạch, một thời kỳ hoàng kim của nghề làm giấy sắc của dòng họ nhà ông giờ đây chỉ còn trong ký ức. Ngày nay, nghề làm giấy sắc còn tồn tại là những người am hiểu về giấy thường tìm đến cụ Lại Phú Bàn đặt mua, hay phục chế giấy bị cũ, mòn.
Khó khăn, vất vả lưu giữ nghề gia truyền của dòng họ, nhưng những người đặt làm giấy sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm chỉ có vài ba khách là cá nhân, ban quản lý đình chùa có sắc phong nhưng bị hư hỏng, tìm đến nghệ nhân Thạch để phục dựng lại những văn kiện xưa. Thông qua những văn tự các cụ để lại, qua những văn bản Viện Hán nôm lưu giữ, nhờ bàn tay của nghệ nhân Lại Phú Thạch, nhiều bản sắc phong đã được phục dựng như mới.
Dù nghề phục chế giấy sắc phong không đủ để nuôi sống gia đình và bản thân nhưng nghệ nhân Lại Phú Thạch vẫn quyết không bỏ nghề. Tuy nhiên, bản thân ông Lại Phú Thạch cũng hết sức trăn trở, lo lắng sẽ không còn ai tiếp nối ông giữ nghề nữa, bởi theo ông để làm được giấy sắc mất rất nhiều công đoạn, “giấy sắc làm ra giờ đây chẳng bán được cho ai vì không phải ai cũng có thể dùng được giấy sắc này”.