Dòng họ nổi danh và 3 nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn (Kỳ 2): Nhà thờ hai phái và vụ án oan của Hậu quân Lê Chất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù dòng họ Nguyễn Tường nức tiếng xứ Quảng một thời nhưng hiện nhà thờ tộc Nguyễn Tường chỉ có hai phái bởi trưởng một ngành là con rể Hậu quân Lê Chất đã phải bỏ đi biệt tích vì vụ án oan thiên cổ của ông.
Toàn cảnh nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất.
Toàn cảnh nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất.

* Kỳ 1: Dòng họ nổi danh và 3 nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn: Nguyễn Tường - Dòng họ khoa bảng nổi danh đất Hội An

Không chỉ có cụ tổ 5 đời là quan Thượng thư, ông nội là Tiến sĩ nổi danh được đặt tên đường, 3 anh em nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn còn là hậu duệ của dòng họ nổi danh xứ Huế. Dòng họ này có một viên quan nổi tiếng nhờ tài xử kiện, là “Bao Công” Việt Nam. Hiện nay, nhà thờ tộc Nguyễn Tường chỉ có hai phái bởi trưởng một ngành là con rể Hậu quân Lê Chất đã phải bỏ đi biệt tích vì vụ án oan thiên cổ của ông.

Vì sao chỉ có nhà thờ hai phái?

Việc nghiên cứu văn học đòi hỏi không chỉ phải biết về văn phẩm mà còn cả con người, thân tộc, dòng họ, đất đai phát tích... Khai quốc công thần triều Nguyễn - Binh bộ thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774-1822) có 5 người con trai là: Nguyễn Tường Vĩnh (1799-1860), Nguyễn Tường Khuôn (1804-1849), Nguyễn Tường Phổ (1807-1856), Nguyễn Tường Thanh và Nguyễn Tường Tránh (2 ông này mất sớm). Nguyễn Tường Vĩnh là con vợ cả, 4 người kia là con vợ lẽ, dòng dõi cụ Nguyễn Khoa Thị Nhàn. Hiện nay, tại Hội An, họ Nguyễn Tường có hai nhà thờ tộc phái nhất và phái nhì.

Dòng dõi cụ Nguyễn Tường Vĩnh là phái nhất của tộc Nguyễn Tường ở Hội An, được thờ ở nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (địa chỉ 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hội An). Nhà thờ phái nhất được xây dựng trên mảnh đất vốn là tư dinh của Thượng thư Nguyễn Tường Vân được xây dựng vào năm 1806, còn được gọi là dinh Ông Lớn. Nay nơi này cũng là nơi thờ ông và con trai cả Nguyễn Tường Vĩnh.

Vì nhà thờ phái nhất được xếp hạng di tích văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (năm 2008) và mở cửa khai trương cho khách du lịch tham quan nên được nhiều người biết đến và rất nhiều người nhầm lẫn nơi đây có thờ Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và 3 nhà văn họ Nguyễn Tường: Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo.

Ông Đặng Hưng Tùng (con rể họ Nguyễn Tường) là giáo viên đồng thời cũng là người hướng dẫn tham quan tại điểm di tích nhà thờ Nguyễn Tường phái nhất cho biết, hiện nay tại nhà thờ, ngoài các văn bản chữ Hán Nôm, chiếu chỉ, sắc phong của vua, các tác phẩm văn chương, các bức tranh vẽ bằng mực tàu, giấy dó của Thạch Lam, Nhất Linh.

Lăng mộ kép của vợ chồng “Bao Công” Việt Nam Nguyễn Khoa Đăng.Lăng mộ kép của vợ chồng “Bao Công” Việt Nam Nguyễn Khoa Đăng.

Trong nhà thờ phái nhất có khá nhiều di vật của các đời dòng họ Nguyễn Tường, trong đó, đáng chú ý là những tủ sách của 3 nhà văn Nguyễn Tường do người trong tộc cũng như chính quyền thành phố sưu tầm, với các tác phẩm đã làm nên tên tuổi họ như Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Gió đầu mùa (Thạch Lam), Trước vành móng ngựa (Hoàng Đạo)...

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì (địa chỉ ở khu phố Tu Lễ, phường Cẩm Phô) chính là nơi thờ tự danh thần Nguyễn Tường Phổ cùng hậu duệ trong đó có ba nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sáng lập nhóm Tự lực văn đoàn.

Về nguồn gốc nhà thờ phái nhì, ông Nguyễn Tường Mạnh (hậu duệ đời thứ 12) cho biết, trước đây một người tộc Huỳnh ở địa phương khi gả con gái cho Nguyễn Tường Tiếp (con trai cụ Nguyễn Tường Phổ) đã tặng mảnh đất này làm của hồi môn cho con gái. Sau khi vợ chồng cụ Nguyễn Tường Tiếp qua đời, ngôi nhà trở thành nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì, ngự trên khuôn viên rộng 3.400m2, đầy cây xanh và hoa cỏ tươi tốt.

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì được xây dựng sau, kiến trúc không thể sánh bằng nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (dựng năm 1806) nhưng nhà thờ phái nhì còn lưu giữ nhiều thư tịch quý giá và cũng gắn liền với danh thần Nguyễn Tường Phổ cùng 3 nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn, những người đặt nền móng cho văn học hiện đại Việt Nam.

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì còn lưu lại nhiều di cảo của Nguyễn Tường Phổ là các sáng tác, sao chép, sưu tầm bao gồm thơ, chúc thư, câu đối, thư mời lo việc tế xuân, văn tế, bài dự thảo văn bia, hành thuật... Có những tư liệu từ đời nhà Lê, đời Tây Sơn. Có di bút của Phạm Phú Thứ, là thư của cụ Phạm gửi cụ Nguyễn Tường Phổ về việc lập văn miếu Điện Bàn, lời bình thơ Nguyễn Tường Phổ của Phạm Phú Thứ. Đây là di bút duy nhất còn lại của Phạm Phú Thứ khi nhà thờ Phạm Phú tộc ở Gò Nổi bị cháy mất sạch tư liệu.

Trong nhà thờ còn có tấm biển, cờ ngày Nguyễn Tường Phổ vinh quy bái tổ. Còn giữ lại nhiều kỷ vật như tấm thiếp của Phan Thanh Giản đi đám tang Nguyễn Tường Phổ. Cùng rất nhiều hiện vật, tư liệu của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.

Tại sao nhà thờ tộc Nguyễn Tường chỉ có hai phái? Chuyện gì đã xảy ra với người con trai thứ hai Nguyễn Tường Khuôn? Ông Nguyễn Tường Mạnh cho biết, vì Nguyễn Tường Khuôn là con rể của danh tướng Lê Chất, nên sau vụ án oan của ông, con cháu phải trốn đi biệt tích, thay tên, đổi họ, mai danh ẩn tính để tránh bị giết hại. Vì vậy dòng dõi Nguyễn Tường Phổ mới trở thành phái nhì của tộc Nguyễn Tường.

Bàn thờ Hậu quân Lê Chất trong lăng Ông (Bà Chiểu).Bàn thờ Hậu quân Lê Chất trong lăng Ông (Bà Chiểu).

Vụ án oan của Hậu quân Lê Chất

Trong thời vua Minh Mạng, nhà Nguyễn xảy ra 3 vụ đại án, đó là các vụ xử Hoàng tôn Mỹ Đường (con Hoàng thái tử Cảnh), Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Các sử quan sau này đều cho rằng đây là ba vụ án oan.

Cuộc đời của danh thần Lê Chất cũng giống như người bạn thân của ông là Lê Văn Duyệt, đều lập nhiều chiến công hiển hách, là khai quốc công thần nhà Nguyễn, sau khi giúp vua Gia Long thành công, mỗi người được cử trấn giữ một đầu đất nước. Lê Chất làm Tổng trấn Bắc thành gồm toàn bộ các tỉnh miền Bắc. Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định gồm toàn bộ các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, sau khi đã chết, cả hai đều bị vua xử tội, nhiều năm sau mới được giải oan.

Lê Chất là người huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, sinh năm Giáp Ngọ (1774), mất năm Bính Tuất (1826), thọ 52 tuổi. Thời trẻ, ông từng tham gia phong trào Tây Sơn, lập được nhiều công, được phong tới chức Đô đốc. Bấy giờ, tướng Tây Sơn là Lê Trung mến tài Lê Chất nên đem con gái là Lê Thị Sa gả cho. Lê Chất cùng cha vợ là Lê Trung gắn bó với nhau một thời gian khá dài.

Có tài liệu nói rằng Lê Chất đã viết thư đầu hàng nhà Nguyễn khi thế lực của Tây Sơn suy yếu. Tuy nhiên, khi Lê Chất vẫn đang là Đô đốc nhà Tây Sơn thì quân của Nguyễn Phúc Ánh liên tiếp thắng mấy trận liền nên Nguyễn Quang Toản ngờ rằng Lê Trung cùng con rể là Lê Chất thông đồng với giặc.

Lê Trung bị giết còn Lê Chất thì thoát được nhưng bị truy lùng rất gắt gao. Bí quá, Lê Chất phải dùng kế “kim thiền thoát xác”. Theo Nguyễn Khắc Thuần, Lê Chất đã bắt một người có khuôn mặt giống mình, bỏ thuốc độc cho chết để đóng vai Lê Chất tự tử. Chuyện này, ngay cả mẹ của Lê Chất là Đào Thị cũng nhầm, ôm xác người bị bỏ thuốc độc chết mà khóc rất thê thảm. Tây Sơn thì tin là Lê Chất đã chết rồi nên không truy lùng nữa. Sau đó chẳng bao lâu, Lê Chất bí mật đưa mẹ và vợ con vào ẩn náu trong núi Trà Bồng.

Năm 1799, Lê Chất đem 200 người đến Quy Nhơn, gặp tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh để xin hàng. Bởi lập được nhiều công lao, Lê Chất luôn được trọng thưởng, tuy nhiên cũng gây nhiều hiềm khích với các đại tướng, quan lại đứng đầu triều Nguyễn.

Suốt thời trị vì của Gia Long (1802-1819), Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt là các khai quốc công thần, được vua Gia Long trọng dụng. Sang thời Minh Mạng (1820-1840), Lê Chất vẫn được coi là một trong những đại thần uy danh lừng lẫy. Mùa thu năm 1826, Lê Chất được phép về nhà lo việc tang cho mẹ. Nhưng về đến Bình Định là quê nhà chưa được bao lâu thì ông mất. Vua Minh Mạng nghe tin ấy, nghỉ chầu 3 ngày để tỏ lòng thương xót, đồng thời ban cấp tiền lụa để lo đám tang Lê Chất rất hậu hĩ.

Thế nhưng vào năm 1833, sau khi Lê Văn Duyệt mất 3 năm, ở Gia Định, Lê Văn Khôi là con nuôi Lê Văn Duyệt nổi dậy làm phản. Vì tội phản nghịch của con, Lê Văn Duyệt đã chết cũng bị xử tội. Năm Minh Mạng thứ mười sáu (tức năm 1835) Tả Thị lang Bộ Lại Lê Bá Tú hạch tội Lê Chất với 6 tội phải xử lăng trì, 8 tội phải xử chém, 2 tội phải xử treo cổ.

Vua Minh Mạng kết luận: “Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giá thử bổ áo quan giết thây cũng không là quá. Song nghĩ lại Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bị bổ áo quan, giết thây thì nắm xương thây của Chất cũng chẳng màng bắt tội”.

Sau đó, vua cho người san bằng mồ mả của Lê Chất rồi dựng tấm bia đá lên đó, khắc lớn mấy chữ “Gian thần Lê Chất phục pháp xứ” (nơi gian thần Lê Chất chịu hình pháp). Gia sản của Lê Chất bị tịch thu, sung công, rồi cho Tổng đốc Hà Ninh là Đặng Văn Hòa đem tiền ấy cứu cấp cho dân nghèo 12 tỉnh Bắc Kỳ.

Kết quả, người con gái Lê Chất tuy làm vợ vua sinh hoàng tử, cũng bị giam cho đến chết. Con Lê Chất là Lê Hậu lấy công chúa (cô ruột vua Minh Mạng) nhưng đã chết nên không liên quan. Các con trai Lê Cận, Lê Trương, Lê Kỵ bị xử chém năm 1838. Vợ Lê Thị Sa bị đưa về nguyên quán làm nô tì. Cháu của Lê Chất là Lê Luận được giảm tội, đày lên Cao Bằng để làm lính, đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), gặp kỳ ân xá mới được tha về.

Mãi đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1847), Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn mới dâng biểu xin gia ơn con cháu Thái tử Cảnh, cùng xin bổ dụng con cháu các đại thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất. Vua nghe cảm động, cho thi hành cả. Đến năm 1868 vua Tự Đức mới truy phong cho ông chức Tả đồn Đô Thống chế.

Để tránh các cuộc hành quyết, con cháu của Lê Chất phải chạy trốn. Nguyễn Tường Khuôn cũng dắt vợ con đi biệt tích...

Tủ sách giới thiệu tác phẩm của nhà văn Nhất Linh.Tủ sách giới thiệu tác phẩm của nhà văn Nhất Linh.

Hậu duệ của “Bao Công” Việt Nam

Không chỉ có cụ tổ 5 đời là quan Thượng thư, ông nội là Tiến sĩ nổi danh được đặt tên đường, 3 anh em nhà văn Tự lực Văn đoàn còn là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Khoa nổi danh xứ Huế. Cụ Nguyễn Khoa Thị Nhàn là cháu 5 đời của cụ Nguyễn Khoa Chiêm, tự Bảng Trung, tước Bảng Trung Hầu, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, là một danh sĩ giỏi thơ văn là công thần trải hai triều chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chư và Nguyễn Phúc Chú thời Lê Trung Hưng. Ông là tác giả bộ sách “Nam Triều công nghiệp diễn chí”, được soạn vào năm Kỷ Hợi (1719).

Năm Khải Định thứ 10, bộ “Quý hương tiên nguyên dã sử” của làng Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa có đoạn chép về dòng họ Nguyễn Khoa như sau: Ông Nguyễn Ư Kỳ, nguyên Thái phó triều Lê là cậu ruột của tướng Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng (1525-1613) hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802-1945).

Năm Mậu Ngọ 1557, ông Ư Kỳ theo Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam. Khi đi ông có dẫn theo một người con nuôi mới lên sáu tuổi, tên là Nguyễn Đình Thân (1553-1633), vốn là người ở làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương).

Dòng họ Nguyễn Khoa khởi đầu phát về võ khi ông Thân làm tướng trải hai triều chúa là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Kể từ đó, con cháu ông thay nhau làm quan cho các chúa Nguyễn, có nhiều người được phong hầu, đến nay được đặt tên đường, trường học.

Con tướng Thân là Nguyễn Đình Khôi (1594-1678) được phong tước Thuần Mỹ nam. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa từ vùng Bắc Thuận Hóa về làng Kim Long (huyện Hương Trà, Thừa Thiên), ông Khôi cũng đến nhập tịch ở huyện ấy. Khi chúa Nguyễn đổi họ thành Nguyễn Phúc (hay Phước) thì chúa cho đổi họ Nguyễn Đình thành Nguyễn Khoa. Chữ Khoa là “khoa bảng”, hàm ý cầu chúc con cháu đậu đạt nhiều và cao. Tuy nhiên, dòng họ này chủ yếu phát về võ.

Con trai của ông Nguyễn Đình Khôi là Nguyễn Khoa Danh (1632-1679) được phong tước Cảnh Lộc bá. Sau đó, con trai duy nhất của ông Nguyễn Khoa Danh và bà Lê Thị Am là Nguyễn Khoa Chiêm làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, được Chúa tin dùng, giao giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình. Sau khi ông mất, thọ 77 tuổi được gia tặng Hiệp mưu đồng đức công thần, Đặc tiến khai phủ thượng trụ quốc, làm Tử vinh lộc đại phu, Đại lý tự thượng khanh, Thụy Thuần hầu.

Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Khoa Chiêm còn để lại cho văn học Việt Nam tác phẩm “Nam triều công nghiệp diễn chí”, một tác phẩm truyện ký lịch sử, thuật lại quá trình khai thác xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn từ 1558 đến 1672. Sách gồm 2 tập, mỗi tập 8 quyển, gồm 30 hồi, còn được gọi là Trịnh Nguyễn diễn chí, Việt Nam khai quốc chí truyện, Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí, Nam Việt chí và Công nghiệp diễn chí... Bộ sách được Dương Thận Trai đề tựa, Nguyễn Giản viết lời bạt và Dương Công Tòng nhuận chính.

Nguyễn Khoa Chiêm lấy Trần Thị Mận (1670- 1743) là con gái Cai bạ Trần Đình Ân làm vợ. Ông bà có cả thảy 12 người con, gồm 8 trai và 4 gái. Trong số đó có người con trai thứ ba tên Nguyễn Khoa Đăng là viên quan giỏi bởi tài xử kiện cáo, đủ trí xét ngay gian, cho nên được người đời gọi là “Bao Công”. Công lao nổi bật của ông là đã diệt được bọn cướp hung tợn ở truông nhà Hồ và trừ được sóng dữ ở phá Tam Giang.

Nguyễn Khoa Đăng (1690-1725) là một công thần thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Án sát sứ Nguyễn Khoa Đăng vốn thông minh từ nhỏ. 18 tuổi, ông ra làm quan, lần lượt trải đến chức Nội tán kiêm Án sát sứ, Tổng Tri quân Quốc Trọng sự, tước Diên Tường hầu vào năm Nhâm Dần 1722. Ông nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ.

Theo Giáo sư Tôn Thất Bình, trước đây truông nhà Hồ là một vùng đất rộng, cây cối um tùm, từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm. Để đánh dẹp, một hôm Nguyễn Khoa Đăng cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa đi qua truông. Sau khi cướp xe lương, bọn cướp đánh xe về sào huyệt. Người lính núp trong thùng đã rải lúa dọc đường đi làm dấu. Nhờ vậy, Nguyễn Khoa Đăng đã lần ra sào huyệt của băng cướp và bắt gọn chúng. Kể từ đó truông nhà Hồ được yên bình.

Bình định xong truông nhà Hồ, Nguyễn Khoa Đăng lại đến phá Tam Giang. Ông cho dân biết là ông sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng hướng ra phá Tam Giang, ra lệnh bắn sóng... Nhưng thực ra, trước đó ông đã sai người đào bới mở rộng cửa phá, cho nên sóng dữ mới không còn...

Nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyên Khoa Đăng, dân gian mới có thơ rằng: Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang/ Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/ Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

Về chuyện vụ án ruộng dưa, tương truyền vào một ngày nọ, Án sát sứ Nguyễn Khoa Đăng đến thị sát một vùng nọ thì thấy quan huyện đang chửi mắng một người đàn bà. Đến hỏi thì ông được biết ruộng dưa của bà này bị xắn nát hết cả gốc đúng vào độ dưa đang ra quả. Kêu quan thì quan nói không có đủ bằng chứng. Quan Án sát xuống ruộng rồi nói: “Binh lính đâu, hãy bắt tất cả những người có cuốc, xẻng trong vùng lại, mang theo cả cuốc xẻng của họ, đánh dấu tên của họ vào từng cái”.

Khi tất cả thực hiện xong, ông mới cho quan huyện liếm từng cái xẻng và phát hiện ra ở một cái có vị đắng. Ông lại sai vắt nước gốc dưa cho quan huyện nếm thì thấy hai vị đắng giống nhau. Thủ phạm chính là chủ cái xẻng. Nguyễn Khoa Đăng được đặt tên đường ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh và Buôn Ma Thuột.

Nguyễn Khoa Đăng có một vợ là bà Phạm Thị Tý, sinh 4 con trai và một con gái. Ông bà có nhiều con cháu làm nên danh phận. Nổi bật trong số đó có: Nguyễn Khoa Toàn hay Nguyễn Khoa Thuyên (1724-1789), con Án sát sứ Nguyễn Khoa Đăng, võ tướng đời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Ông làm quan trải đến chức Tham chính, gồm coi Bộ Hộ và Bộ Binh, khi mất được truy tặng Vô tích Thượng khanh.

Nguyễn Khoa Kiên (?-1775, cháu nội Nguyễn Khoa Đăng, con Nguyễn Khoa Toàn) cũng là võ tướng đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Ông có sức mạnh, lại có trí dũng, mưu lược, được người đương thời xưng tụng là “Triệu Tử Long”. Năm 1775, cha ông phò Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, ông ở lại ra sức cản ngăn không cho đối phương đuổi theo thuyền Chúa Nguyễn. Lúc ấy rủi gặp trận gió lớn, thuyền ông Kiên bị chìm, rạt vào cù lao Ba Bánh thuộc địa phận tỉnh Phú Yên. Quân Tây Sơn bắt sống được ông và chở ra Quy Nhơn. Không dụ hàng được, ông bị giết chết. Sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, phong tặng ông tước Kiệt tiết Công thần, Chiêu dũng Tướng quân, thụy Trung Thực.

Nguyễn Khoa Minh (1778-1837) là cháu nội Nguyễn Khoa Đăng, em ruột ông Nguyễn Khoa Kiên. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ông được lãnh chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Thành Mỹ hầu. Nguyễn Khoa Minh được đặt tên đường tại thị xã Hương Trà.

Nguyễn Khoa Hào (1799-1849), cháu nội Nguyễn Khoa Đăng, em ruột ông Minh. Nhờ học lực giỏi, năm 1803, dưới triều Gia Long, ông được bổ làm Thị thơ không phải thi. Năm 1828, ông giữ chức Thượng thư Bộ Lễ, sau đó là Thượng thư Bộ Binh...

Nguyễn Khoa Thị Nhàn, cụ tổ của 3 nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn là em gái Thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Khoa Minh.

(Kỳ sau: Chân dung 3 nhà văn hậu duệ hai dòng họ nổi tiếng )

Đọc thêm