Đồng Nai: Sụt lún đất kéo dài, nhiều công trình đổ sập

(PLO) - Hai chục hộ dân ven tuyến tỉnh lộ 768 thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai phải bỏ lại nhà để di dời đến nơi khác nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản trước ảnh hưởng của tình trạng sụt lún đất gây ra.  
Nhà văn hóa trị giá xây dựng 500 triệu đồng bị sụt lún phải đập bỏ

Đây là lần thứ 2 trong 10 năm trở lại đây, tình trạng sụt lún đất xảy ra tại địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Hiện vệt sụt lún đã kéo dài từ xã Tân An đến xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, khiến nhiều công trình đổ sập. 

Thông tin từ UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: Khu vực sụt lún xảy ra từ cuối tháng 6/2016 đến nay, kéo dài từ cầu Rạch Đông đến cầu Thủ Biên thuộc xã Tân An và xã Thiện Tân, cách tim đường 768 khoảng 30-50m. Vệt nứt gãy gây sụt lún đất cách mép sông Đồng Nai từ 10-15m. Theo một lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu, hiện có 20 hộ dân, 1 nhà văn hóa ấp và khu Miếu Bà bị sụt lún, nứt gãy với bề rộng từ 20-50cm. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Huỳnh Văn Thiệt, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời khỏi khu vực sụt lún để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Hiện địa phương đã bố trí và hỗ trợ những hộ dân trong vùng sụt lún di chuyển đến địa điểm mới. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, qua khảo sát thực địa cho thấy, khu vực sụt lún chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng chảy chính sông Đồng Nai. Sở cũng đề nghị chính quyền huyện Vĩnh Cửu bổ sung tình huống sụt lở bờ sông vào phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho khảo sát, nghiên cứu đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai, đoạn qua khu vực xã Tân An và Thiện Tân để tìm nguyên nhân, khắc phục tình trạng sụt lún, bảo đảm an toàn cho người dân và tỉnh lộ 768. 

Trước ý kiến cho rằng tình trạng bơm hút, khai thác cát trái phép đã dẫn đến sụt lún khu vực trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, trước năm 2004, Sở tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai.  Tuy nhiên, sau năm 2004, Chính phủ cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn từ hồ thủy điện Trị An đến hạ nguồn, do đó tỉnh không cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực trên. Như vậy có thể loại trừ nguyên nhân sụt lún đất là hậu quả của việc khai thác cát trái phép.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Huỳnh Văn Thiệt cũng cho rằng, qua khảo sát thực địa cho thấy, đoạn sông trên là bãi đá ngầm. Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương không phát hiện và cũng không nghe người dân phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực trên. 

Theo quan sát tại hiện trường, khu vực sụt lún đất là một rãnh chạy dài song song với tuyến tỉnh lộ 768, cách mép sông Đồng Nai khoảng 15m. Những nhà dân nằm trên vệt sụt lún, vách tường bị xé toác ra làm đôi, nền nhà bị nứt và sụt lún với bề rộng khoảng 50cm.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền xã Tân An đã phải đập bỏ hoàn toàn nhà văn hóa ấp 1 vừa được xây dựng, đưa vào sử dụng không lâu. Đây là một trong những hạng mục thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của xã với kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng, đưa vào sử dụng chưa lâu đã phải đập bỏ.

Ngoài ra, trong khu vực sụt lún còn có Miếu Bà. Hiện phần điện chính của Miếu Bà chưa bị nứt, nhưng khu vực sân miếu phía sau đã bị sụt lún. Mặc dù huyện Vĩnh Cửu đã bố trí lô đất tái định cư và vận động người dân không nên ở lại khu vực sụt lún, song do điều kiện kinh tế khó khăn, chưa làm được nhà nên một số hộ dân vẫn bám trụ ở lại. 

Hiện nay, UBND xã Tân An đã đặt các bảng cảnh báo và cấm người dân vào những khu vực sụt lún để đảm bảo an toàn.  Đối với những hộ dân còn bám trụ tại khu vực sụt lún, chính quyền địa phương tiếp tục vận động di chuyển đến nơi an toàn. 

Nguyên nhân việc sụt lún diện rộng, kéo dài đang được các cơ quan chức năng làm rõ. 

Đọc thêm