Chuyện thiếu điện nghe có vẻ lạ nhưng hàng chục người dân ở Đồng Nai đang phải trải qua. Cuối tháng 8, chúng tôi tìm về tổ 3, ấp 2, xã Thanh Sơn để tìm hiểu về đời sống bà con ở “xóm không điện”. Dẫn chúng tôi đi trên con đường 3km đầy bùn lầy dẫn vào sâu trong khu vực, một nông dân chỉ lên những trụ điện đã dựng 2 năm qua than: “Hình như ngành điện xây dựng công trình để người dân chúng tôi “thèm” chơi”.
Giấc mộng 30 năm
Để có điện thắp sáng, người dân ở tổ 3, ấp 2 phải kéo nhờ đường dây từ ấp khác về nên điện chập chờn, rất yếu, trong khi phải trả giá cao ngất ngưởng. Vào giờ cao điểm buổi tối, bật chiếc quạt điện lên nó quay vật vờ chỉ được một lát rồi… đứng im; còn tivi, bóng đèn huỳnh quang chớp tắt liên tục. Khi nấu cơm điện, nhiều hôm phải nhai trệu trạo vì gạo không chín được.
Nói về cảnh trước đây lối xóm rơi vào cảnh “tù mù” như 30 Tết hàng đêm, ông Lê Tấn Hiệp (61 tuổi) - khẳng định bà con nông dân ở đây khai hoang thành lập vùng kinh tế mới đã hơn 30 năm qua. Hiện tại đời sống người dân nơi đây những năm gần đây đã khá hơn rất nhiều. Song niềm khao khát có điện sử dụng cứ như là trong mơ, mặc dù từ giữa năm 2016 ngành điện có xuống xây dựng hệ thống lưới điện trung thế, đồng thời cam kết bà con sẽ có điện trong nay mai. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm qua, điện sinh hoạt đâu chẳng thấy, nói gì đến điều kiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
“Nhà tôi có 2 người, khi kéo đường dây điện chỉ để dùng quạt thôi mỗi tháng cũng phải đóng hơn 300 nghìn đồng. “Chủ” điện cho câu nhờ nói rằng vì kéo đoạn dây dài nên điện rất hao hụt”. Theo ông Hiệp, nếu có điện lưới quốc gia thì bà con nơi đây không gặp nhiều khó khăn vì không có điều kiện tưới cho cây trồng, chủ yếu là xoài. Để tăng gia sản xuất, hầu hết các hộ dân phải sử dụng máy nổ. Vào năm được mùa xoài, trừ chi phí cũng có lãi, nhưng mất mùa coi như lỗ to.
Không chỉ có gia đình ông Hiệp, mà dường như các hộ dân nơi đây đều đang phải chịu cảnh thiếu thốn, chỉ vì không có điện sử dụng. Những hộ khá muốn sắm tủ lạnh trữ đồ ăn nhưng sợ mua về khi thiếu điện thiết bị sẽ hư. Còn hộ nghèo như bà Lê Thị Nga Bé (44 tuổi), ở trong căn chòi rộng chưa đầy 10m2, vào mùa nắng thường phải đi “trốn nắng” ở nơi khác vì cái nóng như xé da thịt. Nhớ lại hành trình lo cho con ăn học, bà Bé rơm rớm nước mắt: “Chập tối 3 đứa nhỏ nhà tôi học bài dưới ngọn đèn dầu le lói. Sợ con hư mắt nên tôi vay được 15 triệu đồng để về xin người ta cho kéo ké đường dây điện vào nhà. Thế mà có những lúc bóng đèn nê-ông “nhảy múa” liên tục thấy tội nghiệp tụi nhỏ mà giờ không biết phải làm sao”.
Tương tự, trường hợp anh Nguyễn Minh Tuấn (25 tuổi) hàng ngày đứng ngắm trụ điện trung thế trước của nhà rồi lẩm nhẩm tự hỏi: Không biết bao giờ đường dây này mới dẫn điện về cho dân? Nhà anh Tuấn đã sắm sửa tủ lạnh, ti vi, máy giặt... nhưng mấy năm nay “trùm mền” chưa đùng đến: “Điện kéo “ké” người ta ở tận xóm ngoài cách cả cây số, khi nào điện mạnh người ta cho dùng, còn yếu thì bị cắt ngang. Có khi vì lý do nào đó điện bị hao hụt, chủ đường dây tính tiền lên tới 6.000đ/1kw nhưng mọi người bị lệ thuộc vẫn cố chịu. Gia đình tôi 6 người chỉ dùng quạt buổi tối, nhưng mỗi tháng phải trả 600.000 đồng tiền điện cũng vẫn phải cố sức mà đóng” - anh Tuấn nói.
Hóa đơn tiền điện của 1 hộ gia đình kéo điện “ké” nhưng chỉ được thắp sáng vào ban đêm. |
Xây dựng đường dây điện để… “ngó chơi”
Không có điện, người dân tổ 3, ấp 2, xã Thanh Sơn nhiều năm qua gặp không ít khó khăn trong đời sống cũng như sản xuất. Điều mong mỏi tưởng chừng quá đơn giản của các hộ dân nơi đây xem ra rất xa vời.
Cách đây khoảng 4 tháng, ông Lương Văn Bê (trưởng ấp 2) họp dân thông báo mỗi hộ phải đóng 8-9 triệu đồng để kéo đường dây từ trụ trung thế xuống hạ thế. Song đối với người nông dân, khoản tiền này khá cao trong khi không được chính quyền địa phương giải thích thoả đáng nên chẳng ai đóng.
Băng qua con đường làng dẫn ra các ấp khác, chúng tôi gặp các hộ dân lâu nay cho người dân tổ 3 dùng điện “ké”. Ngay cả “chính chủ” đường dây điện cũng phàn nàn điện hao hụt nhiều. Bà Nguyễn Thị Nga (45 tuổi) cho nhà đứa em ruột trong tổ 3 kéo điện dùng chung.Vào mùa nắng 2 hộ sử dụng lượng điện phải trả gần 3 triệu đồng. Do đường dây điện loại nhỏ kéo chồng lên nhau nên không tránh khỏi tổn thất. Có mấy hộ dân nể nang cho 7-8 nhà xài chung đường điện mỗi tháng phải trả tổng cộng hàng chục triệu đồng, ai cũng phải cắn răng chịu đựng. Bởi nếu kỳ kèo thêm bớt, lỡ chủ nhà “cắt” điện cái rụp thì khốn.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Phạm Thị Hương khẳng định chính quyền địa phương đã thực hiện đúng theo Nghị quyết số 25/HĐND của Hội đồng nhân dân huyện Định Quán. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư hệ thống điện trung thế, còn muốn hạ thế thì người dân phải chịu chi phí 60%, Nhà nước hỗ trợ 40%. Do tổ 3 có 60 hộ dân nên nếu áp dụng các chính sách hỗ trợ giúp người dân có điều kiện kéo đường dây điện thì Nhà nước không lo đủ. Đề cập về những thắc mắc của người dân về công khai khoản thu nếu muốn kéo điện, bà Hương cho rằng đó là tổng chi phí liên quan đến ngành điện chứ không phải chủ trương của xã.
Trong khi đó, chúng tôi liên hệ với Công ty Điện lực EVN huyện Định Quán thì được ông Nguyễn Văn Dương – Phó Phòng Tổng hợp huyện Định Quán nói bên điện lực huyện không có chức năng phát ngôn.
Theo tìm hiểu trên cổng thông tin Công ty điện lực EVN Việt Nam, người dân muốn kéo đường dây điện hạ thế phải làm đơn kiến nghị được sử dụng điện lên UBND cấp xã. Từ đây chính quyền địa phương mới có cơ sở đề nghị với ngành điện. Nếu xét thấy yêu cầu của những hộ dân đó là hợp lý và cần thiết thì UBND cấp xã sẽ yêu cầu cơ quan điện lực giải quyết nhu cầu chính đáng của nhân dân. Nhưng ở đây, xã Thanh Sơn luôn né tránh trách nhiệm vì một phần chi phí cho việc kéo đường dây hạ thế quá cao.
Khi PV đặt câu hỏi tại sao chính quyền bảo người dân đóng 8-9 triệu đồng mới cho hạ thế chứ không giải thích cho bà con hiểu đóng các khoản gì? Ông Tú trả lời: “Chúng tôi sẽ kiểm chứng lại”. Ông Tú hứa sẽ có chính sách hỗ trợ để triển khai nhanh dự án và trong năm 2018 bà con trong ấp 2 sẽ có điện để dùng.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!