Tìm được đồng tiền cổ sau một giấc mơ…
Ông Son được biết đến là người đầu tiên có ý tưởng và lên dự án, biến khu vực Tràng An (một Vịnh Hạ Long trên cạn) thành một khu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình ở khu sinh thái, vì nhiều lý do khách quan, ông buộc phải rời nơi mà ông đã dành tất cả thời gian và tâm sức để về nhà mình an vui tuổi già.
Nhưng với con người nhiều ý tưởng và ý chí như ông, con sông Sào Khê lịch sử ngang qua ngôi nhà gắn với cả ký ức tuổi thơ đã lại một lần nữa khiến ông bỏ tâm sức của mình, quyết biến mảnh đất quê hương thành một khu du lịch sánh ngang với vị trí của nó trong lịch sử của đất nước Việt Nam.
Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo |
Trong quá trình hút bùn, nạo vét dòng Sào Khê lịch sử, ông cho rằng, chắc chắn sẽ có những hiện vật đã bị chôn vùi dưới tầng tầng lớp lớp bùn được bồi đắp dày thêm sau cả nghìn năm. Do đó, trong mỗi ống hút bùn, ông đều đặt những hòn đá, tạo vật cản để những đồ vật nặng hơn bùn có thể ở lại. Cứ sáng sáng ông lại kiểm tra những thứ bị chặn lại ở vườn nhà và nhặt lên. Khi thì là vài mảnh sành vỡ, khi thì là vài mẩu gạch, lúc lại là chiếc cối đá…
Cho đến một buổi sáng, ông tỉnh dậy sau giấc mơ lạ lùng, giấc mơ báo ông “sắp được cầm lệnh của Đinh Tiên Hoàng”. Ông ra vườn như thường lệ và cúi nhặt những đồ vật còn lại sau khi lớp bùn đã chảy đi. Ông tìm kiếm mải miết nhưng vẫn không thấy gì giống giống với giấc mơ ông vừa trải qua. Thoáng chút suy tư, ông đã nghĩ rằng, không thể là một giấc mơ như những giấc mơ thường nhật khác được. Và trong lúc mải suy nghĩ, tay ông động vào một vật thể mỏng manh, lạnh toát…
Cầm đồng xu trên tay, cạo hết những lớp đất cát, ông nhận ra đó là một đồng tiền cổ. Đây không phải là lần đầu tiên ông tìm được đồng tiền cổ trong lớp bùn đã được bồi đắp cả nghìn năm, nhưng đồng tiền này khiến ông có nhiều cảm giác khác lạ.
Báu vật dần hiện ra...
Bất chợt ông nhớ ra cuốn sách Cổ vật Việt Nam của giáo sư Trần Quốc Vượng đã tặng trong một dịp ghé thăm Tràng An. Ông hồi hộp lần mở những trang sách cuối cùng, nơi có hình ảnh in màu, in offset những đồng tiền trong lịch sử của nước Việt.
Ông Nguyễn Văn Sơn- người có nhiều duyên nợ với triều Đinh |
Ông Son nói giọng run run, như thể ký ức này vừa mới xảy ra ngày hôm qua: “Tôi cầm đồng tiền lên so với hình ảnh từng đồng tiền có trong sách. Chưa đầy 2 phút, sau khi đối chiếu kỹ càng những đường nét, hình ảnh và đồng tiền tôi cầm trên tay, tôi chợt nhận ra rằng, mình đang cầm một báu vật, đó là đồng tiền cổ nhất của Việt Nam”.
Chưa hết dòng hồi tưởng, ông Son khẳng định: “Theo tôi được biết thì hiện nay, mới chỉ có 1-2 đồng tiền triều Đinh được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Có thể nói tôi là người thứ 2 được sở hữu đồng tiền quý giá này”. Được biết, đồng tiền Thái Bình hưng bảo có 3 loại đươc lưu hành, trong đó loại quý hiếm nhất chính là loại lưng trơn (chính là đồng tiền ông Son tìm thấy tại vườn nhà).
Sau khi có cơ duyên tìm được đồng tiền triều Đinh đầu tiên, ông Son còn tìm được một đồng tiền triều Đinh nữa trong mảnh đất của vùng lõi cố đô Hoa Lư. Một đồng đã được ông đặt trong phòng trưng bày để khách du lịch được chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử của nhà Đinh, một đồng luôn được ông mang theo người, được xem như một báu vật mà chỉ những người rất thân tín ông mới cho cầm trên tay để xem, ngắm kỹ càng. Ông Son cho biết, rất nhiều người đã hỏi để mua đồng tiền triều Đinh thứ hai, thậm chí có người còn khẳng định “bao nhiêu tiền cũng mua” nhưng ông không đồng ý bán và sẽ không bao giờ bán.
Không chỉ tìm được đồng tiền cổ nhất Việt Nam, ông Son còn tìm được những viên gạch của Đại Việt quốc vương thành chuyên (gạch để chuyên xây dựng thành lũy), những viên gạch lớn hình hoa sen để lát vương phủ, gạch Giang Tây... Điều đặc biệt để lại xúc cảm lớn trong ông chính là tìm được cả nghìn bát đĩa đã được đập bỏ mà theo ông, đó là một dấu ấn đau lòng trong lịch sử của triều Đinh.
Theo ông, số bát đĩa đó chính là do quân sĩ triều Đinh đập bỏ sau khi uống chén rượu thề rồi cùng tự tử tập thể khi Lê Đại Hành lên ngôi với một ý niệm “bề tôi trung không thờ 2 vua”. Ông tâm sự, đó là một nỗi đau mà có lẽ con cháu đời sau sẽ không bao giờ có thể hiểu được về giai đoạn lịch sử đầu tiên của triều đại phong kiến Việt Nam, một triều đại đánh dấu nhà nước Việt Nam tự chủ, độc lập./.
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng viết: “Cho tới nay mọi người đều thừa nhận rằng đồng tiền đầu tiên trong lịch sử nước ta được đúc dưới thời Đinh Tiên Hoàng (968-980). Nhưng trong các bộ sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư hoặc Việt sử thông giám cương mục không tìm thấy tài liệu nào ghi chép về sự kiện đúc tiền này. Căn cứ vào sách Quan tự đắc trai tùng thư mà biết rằng tiền có chữ Đinh ở phía lưng là tiền Thái Bình hưng bảo của nhà Đinh nước ta. Bành Tiến Uy, trong bản Niên biểu những sự kiện lớn trong lịch sử hóa tệ Trung Quốc cũng có ghi: Năm 970 Đinh Bộ Lĩnh ở Việt Nam đúc tiền Thái Bình hưng bảo.
Về mặt hình dáng, đồng tiền Thái Bình hưng bảo khác hẳn các loại tiền Trung Quốc với niên hiệu này, do vậy vấn đề đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo là sản phẩm đúc thời Đinh Tiên Hoàng không còn điều gì đáng phải bàn thêm. Tiền Thái Bình Hưng Bảo đúc bằng đồng. Tiền tròn, lỗ vuông, có gờ nổi viền mép và viền lỗ cả ở mặt tiền lẫn lưng tiền. Chữ đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.”