Dự án Luật Giám định tư pháp: Mạnh dạn thay đổi chính sách để tạo đột phá

Kết luận giám định tư pháp (GĐTP) trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan, thậm chí có sự mâu thuẫn, xung đột, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Những hạn chế, yếu kém của công tác GĐTP đang trở thành “điểm nghẽn” làm ách tắc nhiều hoạt động tố tụng. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập kể trên là thể chế về GĐTP còn chưa hoàn thiện.

Kết luận giám định tư pháp (GĐTP) trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan, thậm chí có sự mâu thuẫn, xung đột, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều vụ việc không lựa chọn được tổ chức, chuyên gia phù hợp để trưng cầu giám định làm cho việc giải quyết một số vụ án trọng điểm, đặc biệt là một số vụ án tham nhũng lớn bị kéo dài…

Những hạn chế, yếu kém của công tác GĐTP đang trở thành “điểm nghẽn” làm ách tắc nhiều hoạt động tố tụng. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập kể trên là thể chế về GĐTP còn chưa hoàn thiện.

Cơ quan điều tra tiến hành giám định tư pháp 1 vụ án. Ảnh minh họa

Xã hội hóa là một điểm mới cơ bản

Theo Ban Soạn thảo dự án Luật GĐTP, một số điểm mới, điểm sửa đổi, bổ sung được thể hiện trong Dự án Luật GĐTP đã làm thay đổi đáng kể một số chính sách quản lý cũ của Nhà nước đã không còn phù hợp với yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả của GĐTP, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi bước đầu rất cơ bản cho sự phát triển tổ chức, hoạt động GĐTP, phục vụ hoạt động tố tụng và mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Tại Tờ trình dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: một trong những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật GĐTP là quy định cho phép các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện theo quy định có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp (tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập) nhằm huy động nguồn lực của xã hội để thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Khi thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 11/2011 cũng như khi thảo luận tại Phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 1/2012, vấn đề này vẫn nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP. Loại ý kiến thứ hai không nhất trí với dự thảo Luật về việc xã hội hóa hoạt động GĐTP.

 Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Cơ quan thẩm tra Dự án Luật này cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc quy định xã hội hóa hoạt động GĐTP trong dự thảo Luật GĐTP là cần thiết, nhằm cụ thể hoá tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mặt khác, thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc thực hiện GĐTP cũng đã được xã hội hoá ở mức độ nhất định. Cụ thể là, ngoài 3 lĩnh vực giám định cơ bản do các tổ chức giám định tư pháp thuộc một số bộ đảm nhiệm (pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự), thì nhiều trường hợp, việc giám định tư pháp về tài chính – kế toán, xây dựng, cổ vật, di vật do các cá nhân, tổ chức có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực này thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 Như vậy, việc cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ngoài công lập là bước phát triển tiếp theo, cao hơn của quá trình xã hội hóa, nhằm mở rộng hình thức xã hội hóa theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính khả thi, vừa tận dụng và phát huy năng lực, hiệu quả của các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực này.

Bỏ pháp y Công an tỉnh: Có mạnh dạn thay đổi để cải cách tư pháp?  

Bên cạnh vấn đề xã hội hóa, một quy định tại dự thảo Luật còn gây nhiều tranh cãi là vấn đề cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và pháp y tâm thần.

Qua nhiều buổi thảo luận, một luồng ý kiến nhất trí với quy định dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ, theo đó, hệ thống tổ chức GĐTP công lập về pháp y bao gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc ngành Y tế; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), sẽ không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế.

 Luồng ý kiến thứ hai không nhất trí với quy định này vì cho rằng thực tiễn nhiều năm qua, hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho hoạt động tố tụng và không có vướng mắc trong tổ chức thực hiện cũng như quản lý nhà nước. Do đó, đề nghị dự thảo Luật giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự, Công an cấp tỉnh như Pháp lệnh hiện hành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí với loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng, việc hình thành và tồn tại đội ngũ giám định viên pháp y tại các Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh là một giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cho hoạt động tố tụng và đấu tranh phòng chống tội phạm, trong bối cảnh các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành Y tế chưa được kiện toàn. Số lượng các vụ việc do đội ngũ này đảm nhận chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành Y tế.

Do đó, việc tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào Trung tâm giám định pháp y thuộc ngành Y tế sẽ đáp ứng một bước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm phù hợp với tính chất quản lý về chuyên môn, vì giám định pháp y là lĩnh vực y học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Điều này cũng tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư chuyên sâu về nhân lực, cơ sở vật chất cho hệ thống các tổ chức giám định pháp y, khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tư pháp lại đề nghị giữ quy định cơ cấu tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh như hiện hành theo loại quan điểm thứ hai với các lý do như đã nêu trên.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, những vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ 7 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 16/4 này.

Hiện còn 4 vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến các quy định tại dự thảo Luật Giám định tư pháp, đó là các vấn đề: quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự; cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và pháp y tâm thần; phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; và việc giải quyết trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và giám định lại.

Lan Phương

Đọc thêm