Dự án “nở”, ngân sách “co”

(PLO) - Một dự án tăng vốn đầu tư đến 36 lần (nạo vét Sào Khê, Ninh Bình từ 72 tỷ lên gần 260.000 tỷ) không làm người ta kinh ngạc mà chỉ thấy sự phẫn nộ. Cũng giống như trường hợp xảy ra trước đây: Một xã làm mương hết 30 triệu nhưng quyết toán hơn 300 triệu. Khác là ông Chủ tịch xã ấy bị xử lý, còn đây là dự án (mới dự thôi) chẳng ai bị sao cả.
Sông Sào Khê dài khoảng 14km (đoạn màu đỏ) được đầu tư gần 2.600 tỷ đồng để thực hiện dự án. Ảnh: Báo Thanh Tra.
Sông Sào Khê dài khoảng 14km (đoạn màu đỏ) được đầu tư gần 2.600 tỷ đồng để thực hiện dự án. Ảnh: Báo Thanh Tra.

Dùng từ chỉ hiện tượng này, bà Bí thư tỉnh ủy gọi là “nở”, đồng thời, bà cũng lý giải nguyên do vì đâu mà nó lại “nở” to đến thế. Qua đó, người ta thấy được thủ đoạn của những người làm dự án, cứ dự toán ít thôi để lọt vào danh sách được phê duyệt đầu tư, sau đó sẽ “nở” dần, đầu xuôi ất đuôi lọt, một mánh khóe tiểu nông ngày xưa: “xin tý cơm ăn nốt tý cá, xin tý cá ăn nốt tý cơm”... Điều bất ngờ, theo bà Bí thư, việc làm “nở” dự án này là do cơ chế và không chỉ dự án này mới “nở”(?!).

Đương nhiên, dự án càng nở to như bánh phồng tôm bao nhiêu thì ngân sách co lại như miếng da lừa của chàng trai trác táng bấy nhiêu. Cũng trong kỳ họp Quốc hội này, một đại biểu đã nêu thực trạng là “doanh nghiệp chỉ cần được làm một dự thôi là đã giàu rồi”. Đây cũng hẳn là do lỗi cơ chế đã tạo điều kiện cho người ta thổi giá trị dự án lên rất cao rồi chia chác cho nhau, chẳng cứ doanh nghiệp giàu mà còn làm giàu cho những người ký duyệt, giám sát, thanh tra, nghiệm thu,... dự án. Chẳng thế mà ở các dự án làm đường giao thông, người ta bảo “thất thoát 30%” là quá may rồi, đó là con số “hợp lý”!

Không cứ dự án mới tạo ra các lỗ hổng để tiền ngân sách rót vào đấy rồi chảy vào túi “lợi ích nhóm” mà cả các đề án cũng có thể làm ngân sách teo lại. Chẳng hạn như cái đề án đổi mới thi THPT mà “ngốn” đến 750 tỷ đồng. Cái đề án “đổi mới mà không có gì thay đổi” này đã bị dừng lại, đó là phúc may cho các học sinh và ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân.

Điều đáng mừng là tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều ý kiến của các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra cái thực trạng đáng buồn trên và hiến kế khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng đó. Dọn dẹp những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” đã hết sức mệt mỏi rồi, hãy khoan thư sức dân, thắt chặt hầu bao ngân khố bằng cách đừng cho các dự án “nở” mãi nữa!