Ngổn ngang đại công trường
Dự án mở rộng sản xuất (giai đoạn 2) của Công ty (Cty) Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 342/TTg – CN ngày 1/4/2005. Trên cơ sở này, ngày 5/10/2005 Hội đồng quản trị Tổng Cty Thép Việt Nam có Quyết định số 684/QĐ – ĐT phê duyệt Hồ sơ Báo cáo đầu tư Dự án. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn tự có 375 tỷ (chiếm 10%), vốn vay từ nguồn tín dụng ưu đãi nhà nước 1.605 tỷ (chiếm 42%), vốn vay thương mại 1.863 tỷ (chiếm 48%).
Dự án này do Tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (gọi tắt là MCC), chủ đầu tư là Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Nhà thầu phụ là Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Dự án được động thổ, khởi công ngày 29/9/2007, và dự kiến nghiệm thu và chạy thử vào năm 2011. Thế nhưng, đến nay đại công trường được ưu ái này vẫn ngổn ngang…
Tổng mức đầu tư tăng vọt không đủ “đẩy” tiến độ
Chủ đầu tư cho rằng, có những nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến việc triển khai dự án đã và đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, dẫn đến việc chậm tiến độ.
Về khách quan, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thời kỳ 2007 – 2009 kéo dài nên vấn đề tài chính cho đầu tư được cân nhắc lại. Ngày 16/11/2009, Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên phải ra Quyết định số 66/QĐ – HĐQT phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và kế hoạch đấu thầu chính của dự án.
Mặt khác, căn cứ vào chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 900/BXD – KTXD ngày 1/6/2012, ngày 17/8/2012 Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có Công văn số 759/GTTN – KTTC đề nghị xin ý kiến chấp thuận phê duyệt điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư dự án hơn 8.104 tỷ đồng. Công văn này cho thấy, đến thời điểm 30/6/2012, nghĩa là chỉ sau gần 3 năm đi vào thực tế xây dựng, số tiền đầu tư cho dự án tăng vọt, nhưng vẫn không cứu được sự chậm trễ của đại công trường.
Do quá sức?
Ngoài những nguyên nhân khách quan như khủng hoảng kinh tế dẫn đến “đội giá” nguyên vật liệu và nhân công, còn một lý do nữa không kém phần quan trọng, đó chính là việc chủ đầu tư “không lường được sức mình” cũng như khả năng của đối tác.
Như trên đã nói, vì đây là dự án thuộc nhóm A của Chính phủ nên ngoài việc được Chính phủ đặt niềm tin thì Dự án Tisco giai đoạn 2 còn được ưu đãi, tạo điều kiện vay vốn từ các ngân hàng. Như vậy, tài chính với dự án này không phải là thuận lợi nhưng cũng không đến mức ngặt nghèo.
Tại sao Dự án vẫn chậm tiến độ? Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chủ quan là do Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên không lượng được sức mình. Để tháo gỡ khó khăn về hạng mục xây dựng và cứu lấy sự chậm trễ về tiến độ của Dự án Tisco giai đoạn 2, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cho phép tách riêng Phần C (xây dựng và lắp đặt của Hợp đồng EPC số 01). Tổng Cty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) đã được giao thực hiện phần này. Vì việc lựa chọn này nên đến ngày 30/9/2012, dự án mới được tái khởi động và chính thức bắt đầu tiến hành thi công xây dựng.
Tuy nhiên, sau một thời gian VINAINCON thực hiện, dự án vẫn chậm trễ. Do nhà thầu VINAINCON không đảm bảo tiến độ nên dưới sự rà soát, lựa chọn có sự giúp sức của Tổng Cty Thép Việt Nam, Bộ Công Thương, “cực chẳng đã”, Chủ đầu tư phải mời thêm các nhà thầu khác vào thi công mà lực lượng chủ yếu là LILAMA.
Như vậy, đến nay VINAINCON và 9 nhà thầu khác đã phải “dứt áo” ra đi, để lại Dự án Tisco giai đoạn 2 với những công trình dở dang mà khắc phục và thi công tiếp là bài toán không dễ cho chủ đầu tư và các nhà thầu còn lại…