Du khách có còn cảnh “dựng tóc gáy” khi đi lễ hội?

(PLO) - Năm 2015, không ít lễ hội bị biến thành nơi hỗn chiến, tranh cướp lộc Thánh của những người đi lễ hội gây phản cảm và phi văn hóa. Ngoài ra, một số lễ hội với nghi lễ hiến tế đều diễn ra hình ảnh gào thét, đẫm máu của các con vật khiến người xem “dựng tóc gáy”. Liệu lễ hội 2016, du khách có còn phải sống trong sợ hãi? Xem ra ngành văn hóa đã có câu trả lời này.
Những hình ảnh dựng tóc gáy sẽ không còn trong các lễ hội 2016
Những hình ảnh dựng tóc gáy sẽ không còn trong các lễ hội 2016
Sợ hãi với hỗn chiến cướp lộc, “tưới máu” mua vui! 
Hình ảnh hỗn chiến cướp kiệu giò hoa ở Lễ hội đền Gióng năm 2015 khiến nhiều người bất bình. Khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm.
Đội bảo vệ kiệu cũng phải dùng gậy dọa phang để ngăn chặn, tuy nhiên trầu cau đã bị cướp sạch. Kẻ cướp được lộc hoan hỉ, kẻ không cướp được thì cay cú quay vào đuổi đánh đội bảo vệ gây cảnh bát nháo, hỗn loạn. 
Đánh nhau để cướp lộc không còn là chuyện hiếm xảy ra tại các lễ hội ở Việt Nam. Trước đó, tại đền Trần (Nam Định) ngày 14 tháng Giêng, ngay sau thời khắc khai ấn của các bô lão dòng tộc họ Trần tại phường Lộc Vượng, hàng ngàn người dân, khách hành hương đã đổ xô vào cung Thiên Trường tranh giành lộc Đức Thánh Trần.
Chỉ trong ít phút, biển người trèo cả lên mái nhà, đu người trên cành cây đã “nuốt chửng” khuôn viên phủ Thiên Trường. Tất cả những đồ lễ được coi là có lộc của Đức Thánh như hoa quả, đèn hương… trong ít phút đã bị cướp phá tan tành. 
Trong lễ hội đả cầu cướp phết ở đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, lợi dụng lễ hội cướp phết nhiều thanh niên được dịp để giải quyết mâu thuẫn, chửi bới.
Hậu quả là không ít người đã bị thương ở vùng đầu, mặt, máu chảy bê bết, còn du khách hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Chưa hết kinh hoàng chứng kiến cảnh hỗn chiến, du khách lại “lạnh sống lưng” khi tận mắt thấy người ta phanh thây con vật để… mua vui! Tại Lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, lễ hội chặt trâu ở Nghệ An đều có những hình ảnh rùng rợn.
Lễ hội chém lợn (Bắc Ninh), các “ông lợn” bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc. Khi chứng kiến lưỡi dao bén ngọt chém lìa đôi con lợn, máu me bê bết sân đình, hàng nghìn người tranh nhau nhúng tiền vào máu cầu may...
Các nhà quản lý không thể “ngồi im”
Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhận định, nhiều người đi lễ hội nhưng không biết ý nghĩa, mục đích của lễ hội là gì. Họ chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để có được lộc.
Vì không có tâm thế của người đi chơi hội, họ đã có những hành động phản cảm, phi văn hóa, nơi tôn nghiêm bị biến thành những “chợ giời” bát nháo. 
Còn nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển  (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thì đưa ra câu hỏi: “Các lễ hội chọi trâu, chém lợn truyền tải thông điệp văn hóa nào khi  những con vật biểu trưng cho lao động, đem lại cơm ăn, áo mặc cho con người bị người ta đem ra hành hình “xẻ thịt, tưới máu” mua tiếng cười, mua may mắn?”. 
Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, việc quản lý, tổ chức lễ hội không thể để tồn tại những lễ hội phản cảm, bạo lực. 
“Không thể để những tồn tại cứ là tồn tại mãi. Đừng ngại “va chạm” với cái mới. Nếu chưa hoàn thiện thì sửa đổi, bổ sung chứ không thể cứ “ngồi im”. Cái gì văn minh, lịch sự thì giữ lại, hủ tục thì phải loại bỏ”. 
Bộ trưởng đã đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn, quyết liệt hơn để dần loại bỏ những lễ hội mang tính phản cảm và cam kết chấm dứt các tập tục hiến sinh, nghi thức bạo lực trong lễ hội.
Với sự quyết liệt trên, hy vọng năm 2016 du khách không còn phải “dựng tóc gáy” khi đi lễ hội. 
Có tới 29/63 tỉnh, thành không gửi kết quả chấm điểm lễ hội
Mùa lễ hội 2015, việc tổ chức chấm điểm công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian theo Bộ tiêu chí đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành tại Quyết định 486. Tuy nhiên, theo kết quả chấm điểm và xếp loại về công tác quản lý và tổ chức lễ hội  được công bố thì có 8 tỉnh, thành được xếp loại A gồm: Hà Nam, Long An, An Giang, Hải Dương, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; 25 tỉnh, thành đạt loại B; 01 tỉnh xếp hạng C. Nhưng điều đáng buồn, nhiều địa phương bỏ ngoài tai chỉ đạo của Bộ về việc gửi kết quả chấm điểm và xếp loại về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Trong đó, có đến 29/63 tỉnh, thành không gửi kết quả chấm điểm và không được xếp loại.

Đọc thêm