Tiềm năng du lịch từ loài voọc gáy trắng
Voọc gáy trắng được phát hiện bởi người dân vào năm 2012 trên lèn núi đá vôi tại xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Kể từ đó, nhờ sự bảo vệ nghiêm ngặt của các lực lượng chức năng cùng sự phối hợp của các cộng đồng dân cư, nhóm bảo vệ tự nguyện, đàn voọc gáy trắng ngày càng phát triển về số lượng.
Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch một phần khu rừng thành rừng đặc dụng để cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và khai thác. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện có 22 đàn và 156 cá thể voọc gáy trắng tại 3 khu vực chính là xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Thuận Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa. Nếu như trước đây phải cần ống nhòm mới nhìn thấy đàn voọc thì nay, đàn voọc ngày ngày càng dạn dĩ, bằng mắt thường chúng ta cũng có thể nhìn, ngắm chúng kiếm ăn, vui đùa trên các tán cây hoặc trên các mỏm đá cheo leo, theo một đại diện của Trung tâm CIRD.
Sự xuất hiện của loài sinh vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới ở khu vực này đã thu hút nhiều nhiếp ảnh gia, nhà khoa học, du khách đến đây, tạo ra cơ hội phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch giáo dục… Mới đây, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết địa phương đang định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nhằm chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Dù người dân chủ yếu vẫn theo nghề nông, chưa có nhiều vốn liếng đầu tư, cộng thêm khó khăn do dịch bệnh, nhưng tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với đa dạng sinh học là bài toán về lâu dài, giúp giải quyết vấn đề sinh kế bền vững cho cư dân.
Tổ tình nguyện bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại các thôn, xã sẽ được định hướng trở thành những hướng dẫn viên du lịch, giúp hướng dẫn người đến tìm hiểu, nghiên cứu, chụp ảnh, chiêm ngưỡng đàn voọc gáy trắng… Cùng với đó, du khách còn có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm các điểm đến, sự kiện khác như xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo (xã Đồng Hóa), mộ và nhà thờ Đề đốc Lê Trực (xã Tiến Hóa), hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa), Cầu Ca Tang (xã Lâm Hóa), lễ hội đua thuyền huyện Tuyên Hóa…
Để phát huy tiềm năng du lịch theo hướng đi bền vững, chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng việc tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các nhóm bảo tồn tự nguyện và người dân địa phương.
Bài học từ Cù Lao Chàm
Mới đây, trong chương trình “Vinh danh các tổ chức, cá nhân; nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Hội đồng xét chọn cũng ghi nhận các sáng kiến, giải pháp cộng đồng góp phần nâng cao hiệu quả những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài.
Một mô hình du lịch bền vững dựa trên đa dạng sinh học có thể kể đến là Bảo tàng sinh vật biển trên hòn đảo Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Khu bảo tồn biển trưng bày hàng trăm loại cá với nhiều hình thù khác nhau, cùng nhiều mẫu vật hiếm thấy của các loài tôm, cua, rùa, san hô biển…
Đáng nói, ban đầu những ngư dân ở đây chỉ muốn lưu giữ lại mẫu, hình ảnh các sinh vật biển để dạy con cháu cách đánh bắt sao cho vừa thu được nguồn lợi từ biển vừa giữ gìn nguồn giống cho sau này. Dần dần, những tích cóp ấy lại tạo cho nơi đây một điểm đến sinh thái đặc sắc, thu hút nhiều khách du lịch khám phá, mở đường cho du lịch bền vững. Kèm theo đó là các đặc trưng văn hoá khác như chùa Hải Tạng, giếng cổ Chăm-pa, bốn cây di sản và miếu tổ nghề yến.
Bên cạnh dịch vụ lặn ngắm san hô, thưởng thức đặc sản nước yến, điểm nhấn khác là mẫu vật rùa biển có tuổi đời hơn trăm năm còn nguyên vẹn kích thước được trưng bày. Đây cũng là một phần của thông điệp truyền tải tới du khách và dân bản địa: Sau nhiều năm khai thác du lịch, hiện rùa biển ít được tìm thấy ven đảo mà có xu hướng di chuyển sang sinh sống, đẻ trứng tại những hòn đảo ít người.
Theo đại diện Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ nhiều năm nay ngư dân trên đảo được tập huấn làm mô hình du lịch cộng đồng, nói không với túi nilon và rác thải nhựa, kèm theo các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch không thể tránh khỏi việc gây tổn hại đến thiên nhiên, cảnh quan và sinh vật, điều này đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ các cơ quan quản lý, công ty du lịch và du khách.
Dù vậy, quan trọng hơn hết chính là nhận thức bảo tồn và giữ gìn tự nhiên của người dân địa phương. Khi thiên nhiên và sinh vật phát triển, sinh kế của họ dựa trên những dịch vụ tự nhiên như vậy cũng sẽ phát triển tương ứng. Chỉ khi hiểu được điều đó, họ mới có thể trở thành những người tuyên truyền nhiệt tình, chủ động hướng dẫn người tham quan tuân thủ.