“Du lịch sạch” trở thành mối quan tâm hàng đầu

(PLVN) - Giải thưởng Du lịch sạch ASEAN 2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 sẽ vinh dự dành cho ba thành phố của Việt Nam là: Vũng Tàu, Quy Nhơn và Huế. 
Quy Nhơn vinh danh thành phố du lịch sạch
Quy Nhơn vinh danh thành phố du lịch sạch

Du lịch không xô bồ

Là một trong ba thành phố đại diện cho Việt Nam nhận giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á – ATF 2020, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đáp ứng đủ 7 tiêu chí liên quan đến các hoạt động quản lý môi trường chung, đảm bảo yếu tố sạch sẽ vệ sinh, quản lý tốt vấn đề chất thải, tỉ lệ không gian xanh trong thành phố. 

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bình Định, hiện nay trên toàn tỉnh có 295 khách sạn với tổng số phòng đạt 7.084 phòng. Trong năm 2019, ngành Du lịch Bình Định ước đón được hơn 4,8 triệu khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 6 nghìn tỉ đồng.

Mục tiêu trong năm 2020 mà ngành Du lịch tỉnh đặt ra là sẽ đón 5,5 triệu lượt khách, với doanh thu đạt khoảng 10 nghìn tỉ đồng. Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh về du lịch của tỉnh tương đối tốt, mức tăng trưởng tích cực. 

Đáng chú ý, các hoạt động về du lịch tỉnh Bình Định trong năm 2020 không chỉ hướng đến triển khai nhiều hội thảo về thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), phát triển nguồn nhân lực du lịch; mà còn phải đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch. Với những định hướng trên của chính quyền địa phương. Điều đó cho thấy, bảo vệ môi trường đang là những nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra bởi ngành Du lịch của tỉnh.

Đáng chú ý, Ban tổ chức giải đánh giá ý thức của cả chính quyền và cộng đồng trong công cuộc bảo vệ môi trường. Vấn đề rác thải trên các bãi biển luôn là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương khai thác biển là tài nguyên du lịch.

Được biết, Bình Ðịnh nằm trong các tỉnh, thành tập trung vào xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo, đặc biệt chú trọng khai thác thế mạnh là các vùng biển còn nguyên sơ. Do vậy, sau một thời gian khai thác, nguy cơ tất yếu tại các điểm du lịch biển phải đối mặt là sự ô nhiễm môi trường từ rác thải. 

Đơn cử, biển  Nhơn Hải là những điểm đến hút khách du lịch, đang chịu phải vấn nạn ô nhiễm môi trường từ du khách và người dân. Do đó, trong năm 2019, nhiều đoàn tình nguyện viên tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đã tổ chức những cuộc gom rác, dọn rác trên biển quê hương họ, góp phần làm sạch môi trường biển, tạo hình ảnh đẹp cho du khách về Nhơn Hải. Hành động của họ không chỉ để cảnh tỉnh du khách tham quan mà còn là sự nhắc nhở đối với người dân sống ven biển vẫn còn thờ ơ, chưa từ bỏ thói quen xả rác thải sinh hoạt ra biển. 

Một địa phương khác đang phát triển “nóng” về du lịch biển là xã Nhơn Lý. Song song với phát triển du lịch, chính quyền và người dân trong xã lại rất tích cực trong việc đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường biển. Các hoạt động thu gom rác, chiến dịch làm sạch biển, các điểm du lịch được chính quyền địa phương kết nối với các doanh nghiệp khai thác du lịch triển khai thường xuyên. 

Mặt khác, Quy Nhơn còn đáp ứng các điều kiện tốt về đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị cho du khách, hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp, đạt chuẩn. Điều này thể hiện trong công tác thông tin tư vấn khách du lịch, hơn 10.000 khách du lịch đã sử dụng và được tư vấn về tiếp cận thông tin, lựa chọn các cơ sở lưu trú, các sản phẩm du lịch đặc thù, đạt chuẩn và chất lượng, đảm bảo an toàn, an ninh cho khách. 

Trả lời trên báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã khẳng định, ở đây chỉ quy hoạch một số công trình cao tầng tạo điểm nhấn, không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển. Đó chính là một trong những nỗ lực của chính quyền địa phương là phải “bằng mọi cách giữ được không gian biển cộng đồng”, bởi đường bờ biển dài chính là ưu thế lớn nhất của Quy Nhơn, quyết định sự phát triển bền vững của nơi này về lâu dài. 

Động lực cho các đô thị

Thực tế cho thấy, số lượng các địa phương phát triển tốt du lịch mà vẫn bảo vệ tốt môi trường chưa thực sự nhiều. Một số đảo như Phú Quốc, Nam Du, Bình Ba… vốn từng rất sạch, nay đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt, mùa lễ, Tết tới đây, nhiều điểm du lịch trên cả nước đã được dự báo về tình trạng ô nhiễm nặng nề từ lượng du khách dự kiến sẽ tới tham quan.

Vấn đề không mới nhưng không hề dễ giải quyết, cần sự cố gắng, quyết tâm của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cùng cộng đồng cư dân bản địa. Theo đó, chỉ có một số địa phương tiêu biểu đã thực sự hoặc đang hướng tới một “đô thị du lịch sạch”.

Ngoài Quy Nhơn, trong thời gian gần đây, Vũng Tàu cũng đã lọt vào danh sách các đô thị du lịch giữ gìn vệ sinh hàng đầu cả nước. Trước đây, thành phố du lịch này đã phải hứng chịu rất nhiều phàn nàn về tình trạng ăn uống, nhậu nhẹt nhếch nhác, xả rác bừa bãi trên nhiều bãi tắm, bãi biển.

Do vậy, từ giữa năm 2015, thành phố đã quyết tâm dọn dẹp những hàng quán không phù hợp, phát động nhiều chiến dịch dọn rác thải trên toàn địa bàn thành phố. Sau nhiều năm nỗ lực, tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện, tuy rằng chưa được hoàn toàn xoá bỏ, thành phố vẫn được vinh danh trong ba đại diện của Việt Nam nhận giải thưởng thành phố du lịch sạch ASEAN bởi những thành tựu ấn tượng.

Bên cạnh đó, nếu nhắc tới giữ gìn sinh thái, vệ sinh du lịch, Đà Nẵng vẫn là đô thị hàng đầu cả nước trong công tác bảo vệ môi trường song hành cùng hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch. Không chỉ được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất”, Đà Nẵng đã lọt vào top một trong 20 thành phố sạch nhất trên thế giới với lượng carbon trong không khí thuộc hàng thấp nhất thế giới. Không gian thành phố chứa nhiều cây xanh, rất hiếm nhìn thấy rác trên đường phố, bãi biển. 

Sở dĩ thành phố có được cảnh quan như vậy là bởi chính quyền Đà Nẵng cùng người dân đã rất nỗ lực cùng nhau triển khai, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, ví dụ dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, dự án thành phố  xanh, sạch, đẹp 2016-2020…

Những hoạt động này đã giúp giảm 12.000 tấn carbon vào môi trường; 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng… Những thành tựu trên là động lực để nhiều đô thị du lịch khác trong nước hướng đến.

Theo bước thành phố Đà Nẵng, nhiều tỉnh, thành khác như Hội An, Huế, Nha Trang… cũng đang triển khai các mô hình thành phố du lịch xanh – sạch – đẹp, với những mục tiêu cụ thể như không khói thuốc, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần… 

Vai trò cộng đồng trong xu hướng “du lịch sạch”

Không thể phủ nhận, cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng “du lịch sạch”. Đơn cử, trong năm qua, đơn vị du lịch Oxalis Adventure đã vận động đội ngũ nhân sự trong tổ chức và các du khách tour thực hiện nhiều phong trào nhằm xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, trong đó có phòng trào bỏ thuốc lá trong tour Sơn Đoòng đã được đông đảo mọi người ủng hộ, thực sự lan rộng thông điệp bảo vệ nguyên dạng điểm đến này với dư luận, cộng đồng. 

Mặt khác, cũng đáng nhắc đến là hoạt động “Hành trình xanh” có sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp lữ hành trực thuộc CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC) nhằm thu gom rác thải nhựa tại khu vực Đền Trình, suối Yến, chùa Hương.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua nhiều doanh nghiệp du lịch đã đưa vào sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế đồ nhựa.

Thiết nghĩ, nếu cộng đồng chưa nhận thức được du lịch gắn liền với bảo vệ, giữ gìn môi trường luôn là cách làm du lịch bền vững và hiệu quả thì hệ sinh thái vẫn còn bị tàn phá bởi các hoạt động khai thác du lịch ồ ạt, gây nhiều hệ luỵ đến không chỉ nền kinh tế của đất nước mà còn cả cuộc sống, sức khoẻ của người dân. Hy vọng xu hướng du lịch xanh – sạch – đẹp vẫn tiếp tục được lan toả, Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành phố “du lịch sạch”.