Du lịch 'trả thù' sau dịch - tiềm ẩn nhiều hệ lụy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau dịch, mọi người có xu hướng đi bất cứ đâu, miễn là không phải ở nhà - ra đường, lên rừng, xuống biển, đi nghỉ dưỡng… để thoát khỏi cuộc sống đơn điệu những ngày cách ly. Hiện tượng này được giới chuyên gia gọi là du lịch “trả thù”, xuất hiện kể từ sau khi những đợt dịch đầu tiên bùng phát. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy tâm lý du lịch “thả phanh” này tiềm ẩn nguy cơ kéo COVID-19 trở lại một số quốc gia.
Người Ấn Độ du lịch “trả thù” sau dịch, tiềm ẩn nguy cơ kéo dịch bệnh trở lại.
Người Ấn Độ du lịch “trả thù” sau dịch, tiềm ẩn nguy cơ kéo dịch bệnh trở lại.

Đi bất cứ đâu cũng được, trừ nhà

Du lịch “trả thù” - một thuật ngữ nghe có vẻ “ngớ ngẩn” nhưng lại là một hiện tượng có thật, biểu hiện ở sự gia tăng du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các dịch vụ mở cửa trở lại. Ông Eric Jones, đồng sáng lập Tạp chí du lịch The Vacationer phân tích: “Hầu hết du khách trên toàn cầu đã ít nhất một lần phải thay đổi hoặc hủy bỏ toàn bộ kỳ nghỉ của mình, vì thế nên họ càng bồn chồn và muốn thỏa mãn “cơn thèm khát” du lịch của mình ngay lập tức. Chỉ khi làm như vậy, du khách mới có cảm giác họ lấy lại quyền kiểm soát và sự cân bằng trong cuộc sống của mình sau một thời gian dài COVID-19 đã kìm hãm điều đó”.

Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Sau đợt khủng hoảng COVID-19 vừa qua, phần lớn người Ấn Độ không còn “tha thiết” việc tiếp tục “nhốt mình trong nhà”, mà họ cần ra khỏi ngôi nhà của mình và bước lên những cuộc hành trình mới.

Theo tờ Indian Times, khi dịch bệnh có chiều hướng suy giảm, nhu cầu du lịch, tỉ lệ đặt phòng tăng cao đáng kể. Kết quả khảo sát của startup công nghệ du lịch RateGain, năm điểm đến có nhiều phòng được đặt nhất trong khoảng từ ngày 7 – 20/6 là New Delhi, Pune, Hyderabad, Bangalore và Chennai.

Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự ở nước Mỹ hay các nước châu Âu. Theo tờ Huffington Post, tâm lý “trả thù” sau dịch là một trong những động lực khiến các gia đình lên kế hoạch đi du lịch thăm thân hoặc nghỉ dưỡng, giải trí vào mùa hè. Những chia sẻ, tin nhắn, bình luận từ các tài khoản người dùng các mạng xã hội tăng mạnh trong thời gian tự cách ly với những nội dung tương tự nhau, ví như “tôi đã sẵn sàng để bắt đầu du lịch”, “tôi muốn ra khỏi nhà ngay lập tức”, “bao giờ tôi mới có thể lên đường trở lại”,…

Đáng nói, hiện tượng du lịch “trả thù” đã xuất hiện kể từ những đợt dịch đầu tiên bùng phát trong năm ngoái. Theo một khảo sát của AirDNA đăng trên tờ Forbes, vào mùa hè năm 2020, nhu cầu đặt phòng của du khách Mỹ qua Airbnb và VRBO ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn tăng 62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, du khách tới các khu nghỉ dưỡng trên núi tăng 44%, các điểm nghỉ dưỡng ven biển tăng 42%, các thành phố cỡ nhỏ tăng 24%. Mặt khác, nhu cầu du lịch tới các thành phố, đô thị lớn giảm tới 46%. Nguyên nhân lớn nhất là bởi mật độ dân cư đông đúc và các quy định giãn cách thường chặt chẽ hơn tại các điểm du lịch, cùng với nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn “rình rập”.

Tâm lý đi du lịch “trả thù” xuất hiện từ những đợt dịch đầu tiên.

Tâm lý đi du lịch “trả thù” xuất hiện từ những đợt dịch đầu tiên.

Tuy nhiên, khác với các xu hướng du lịch sau dịch khác, du lịch “báo thù” không nhất thiết phải tốn kém hoặc phải đến tại các điểm nổi tiếng. Cùng là mục đích tắm biển, du khách “trả thù” không nhất thiết phải đến Hawaii hay Cancun mà họ vẫn có thể tận hưởng niềm vui của mình ở một bãi biển vắng khách ở Florida. Một cuộc khảo sát của Harris Poll, đăng tải trên tờ Washington Post, đối với 2.500 du khách Hoa Kỳ đầu tháng 5/2020 cũng cho thấy tâm lý du lịch “trả thù” càng mạnh mẽ hơn ở những người sống trong những khu vực bùng phát dịch nghiêm trọng hơn.

Nắm được tâm lý này, các nhà phân tích du lịch vẫn luôn theo dõi cẩn thận tâm lý và thói quen của người tiêu dùng để ứng biến kịp thời sau dịch. Theo một báo cáo năm 2020 của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company về tiềm năng du lịch sau dịch tại Trung Quốc, cho thấy, 60% người Trung Quốc được khảo sát có nhu cầu đi du lịch nội địa khi các dịch vụ, giao thông được mở trở lại. Các khách sạn và điểm du lịch Trung Quốc đã thu hút du khách bằng cách cắt giảm công suất phục vụ khách, thực hiện quy trình phòng dịch nghiêm ngặt để giảm tải áp lực cho du khách. Theo đó, nguy cơ đại dịch hầu như không “cản trở” nhu cầu đi xa của du khách “trả thù”. Ngay cả khi lịch đặt phòng, kế hoạch du lịch có thể linh hoạt thay đổi vào phút chót cũng không phải vấn đề lớn với du khách.

Quả thực, đại dịch kéo dài đã thay đổi động lực cơ bản của phần lớn du khách. Giờ đây, du lịch để “thư giãn” và “được giải thoát” được ưu tiên hơn cả. Điều này được Giáo sư Philip Pearce – Đại học James Cook (Úc) phân tích như sau: “Du khách ngày nay đi để quên, để giải tỏa căng thẳng khi làm việc tại nhà quá lâu, rời bỏ lo lắng tại chính ngôi nhà của mình và những đô thị đông người để đến những nơi họ có thể “trốn” các thông tin tiêu cực của đại dịch”.

“Chúng ta có thể mệt mỏi nhưng virus thì không”

Biểu hiện của du lịch “trả thù” hiện diễn ra rõ nhất tại Ấn Độ. Khi được nới lỏng các quy định phong tỏa, giãn cách toàn xã hội, người dân quốc gia Nam Á này đã “đổ xô” tới các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trong tháng 6 và tháng 7.

Các khu chợ trung tâm thị trấn Manali (phía Bắc Ấn Độ) luôn tấp nập du khách. Cảnh tượng đông đúc cũng dễ dàng thấy tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác trên khắp Ấn Độ. Trong nhiều bức ảnh và video được lan truyền trên mạng xã hội, người ta thấy ít người tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, nhiều nhóm thanh niên còn không đeo khẩu trang.

Theo đó, TS. Balram Bhargav - Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) gọi những bức ảnh này là “hình ảnh đáng sợ”. Một người dân địa phương – ông Prabhakar Reddy, cũng bày tỏ lo ngại: “Nhiều người chủ quan nghĩ rằng đã hết dịch rồi nhưng tôi cho rằng sự bất cẩn này sẽ khiến chúng tôi sớm đối mặt với làn sóng dịch lần thứ ba”.

Du khách không được “thả trôi” sự an toàn của mình theo những chuyến du lịch tùy hứng.

Du khách không được “thả trôi” sự an toàn của mình theo những chuyến du lịch tùy hứng.

Theo tờ DNA India, giới chức y tế đã liên tục cảnh báo nếu người dân không tự giác phối hợp chống dịch thì “làn sóng” dịch bệnh tiếp theo sẽ sớm ập đến, hậu quả thậm chí có thể khủng khiếp hơn đợt dịch trước đó. Cụ thể, một quan chức y tế Ấn Độ – ông Vinod Kumar Paul cho biết: “Hiện tượng du lịch tăng mạnh sẽ khiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Người dân đi du lịch, tiếp xúc với nhiều người rồi trở về nhà, khiến nguy cơ lây lan virus tăng cao”.

Còn trong một cuộc họp báo mới đây, thư ký Bộ Y tế Ấn Độ – ông Lav Agarwal trực tiếp nhấn mạnh, hiện tượng du lịch “trả thù” đang diễn ra là hệ quả người Ấn Độ phải ở tại nhà quá lâu do dịch bệnh. Tuy nhiên, du lịch “trả thù” tiềm ẩn nhiều nguy cơ “phá vỡ” các nỗ lực “dập dịch” của ngành Y tế nước này trong khi cuộc chiến chống lại Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. “Mặc dù chúng ta có thể kiệt sức vì nhiều tháng bị cách ly tại nhà để chống dịch nhưng virus thì không. Việc người dân không tuân thủ các quy định phòng chống dịch có thể khiến quan chức cân nhắc ban hành lệnh giãn cách toàn xã hội một lần nữa”, ông Lav Agarwal cho biết.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây của Bộ Y tế nước này cũng cho thấy phần lớn người Ấn Độ, trên 80% người được khảo sát, đã không tuân thủ các tiêu chuẩn phòng dịch như cách xa nhau, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Trong khi đó, các biến thể mới của virus Sars-CoV-2 cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, những biến thể sau có thể nguy hiểm và lây lan mạnh hơn so với các biến thể trước đó. Chính vì vậy, tâm lý du lịch “thả phanh” có thể dẫn đến hậu quả không lường khi dịch bệnh bùng phát lần nữa.

Có thể nói, du lịch “trả thù” dù được giới chuyên môn đánh giá là một yếu tố kích cầu du lịch; nhưng hiện tượng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bùng phát trở lại, khi du khách quyết định “thả trôi” sự an toàn của mình theo những chuyến du lịch tùy hứng, ồ ạt, thiếu cẩn trọng.