Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Tạo hành lang pháp lý để hội nhập quốc tế

(PLO) -  Tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát Biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động, phù hợp với hội nhập quốc tế.
Lực lượng Cảnh sát Biển kiểm tra tàu chở dầu vi phạm.

Chiều 29/5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát Biển Việt Nam.

Trước đó, vào chiều 22/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát Biển Việt Nam. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, hiện nay tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát Biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động, phù hợp với hội nhập quốc tế. Pháp lệnh về Cảnh sát Biển Việt Nam hiện chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Biển Việt Nam trong tình hình mới. 

Thực tiễn thi hành Pháp lệnh thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Với 8 chương, 49 điều, dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam làm rõ hơn về vị trí nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển; khẳng định rõ hơn về chức năng “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển” (Điều 4); quy định nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển (khoản 7 Điều 9); về quản lý Nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương…

Theo quy định của dự án Luật, Cảnh sát Biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Cảnh sát Biển Việt Nam có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cảnh sát Biển Việt Nam được tổ chức tập trung, thống nhất, theo phân cấp, từ cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đến cấp cơ sở. Tư lệnh Cảnh sát Biển chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động của Cảnh sát Biển Việt Nam.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Cảnh sát Biển Việt Nam có các quyền hạn theo quy định của pháp luật và các quyền hạn cơ bản, như: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa trong vùng biển Việt Nam. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Xử lý vi phạm hành chính; tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo thẩm quyền về pháp luật tố tụng hình sự. Cảnh sát Biển Việt Nam cũng có quyền truy đuổi người, phương tiện vi phạm pháp luật trên biển. Huy động người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật dân sự của cá nhân, tổ chức Việt Nam. Yêu cầu tổ chức, cá nhân và phương tiện nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ. Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển.

Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề những quốc gia trên thế giới và trong khu vực ngay cả Trung Quốc, Philippines, toàn bộ lực lượng trên biển thuộc biên chế cảnh sát biển. Còn ta hiện nay đang có tới 4-5 lực lượng trên biển, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: “Hiện nay, lực lượng cảnh sát biển là xu hướng chung của thế giới. Hầu hết quốc gia nào có biển đều thành lập lực lượng cảnh sát biển cũng như có luật về cảnh sát biển. Các quốc gia, kể cả những nước lớn cũng như các nước trong khu vực đều ngày càng quan tâm, xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, hiện đại, tính chất thực thi pháp luật ngày một cao hơn. Kể cả xử lý một số vấn đề nhạy cảm trong tranh chấp chủ quyền biển đảo thì vai trò của cảnh sát biển đều hết sức quan trọng.

Việt Nam hướng tới phát triển lực lượng cảnh sát biển ngày càng mạnh, là lực lượng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự chỉ huy, quản lý điều hành thống nhất của Chính phủ, trong đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Dù vậy, hiện nay trên biển chúng ta thường sử dụng nhiều các giải pháp dân sự: pháp lý, ngoại giao, chính trị, bảo vệ thực địa, kể cả giải pháp lịch sử để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi lực lượng cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ này thì chúng ta chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị, giải quyết các tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình, dân sự.

Bảo vệ Tổ quốc, nhất là chủ quyền trên biển đảo và phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận rất cao của nhân dân”.

Đọc thêm