Chiều nay, 14/10, có 19 công nhân được đưa ra ngoài an toàn, cùng 5 công nhân bị thương. Đây là số công nhân đã thoát vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, sau đó băng rừng sang lánh nạn tại Rào Trăng 4.
Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, những công nhân trên được đưa về bến đò trạm kiểm lâm ở xã Hương Bình, thị xã Hương Trà.
Lực lượng cứu hộ dùng cano và đò gắn cole ngược sông lên Thủy điện Rào Trăng 4. Thời gian di chuyển theo tuyến đường này khoảng 1 giờ. Sau khi tiếp cận Rào Trăng 4, lực lượng này đã lên thuyền vượt đập để di chuyển ngược dòng Rào Trăng, đến tìm kiếm, cứu hộ ở Thủy điện Rào Trăng 3.
Ảnh: Dân trí. |
Trước đó, trưa cùng ngày, lực lượng chức năng mở được đường vào trạm kiểm lâm 67, nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Trạm kiểm lâm 67 đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, không còn dấu vết. Công tác tìm kiếm tại đây nhanh chóng được triển khai.
Trạm kiểm lâm 67 trước (bên trái) và sau khi xảy ra vụ sạt lở (bên phải). Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế/VnExpress |
Các lực lượng tiếp tục san gạt đất đá sạt lở để tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3. 6 xe cứu thương, 2 xe cứu hỏa nối đuôi nhau vào hiện trường. Trời nắng to, không có gió, thuận lợi cho việc đẩy nhanh tốc độ cứu hộ.
5 xe tải chở đá hộc vào các điểm sạt lở trên đường 71, hướng vào thủy điện Rào Trăng 3. Trước đó, hai xe lưới sắt cũng được đưa đến. VnExpress dẫn lời một tài xế chở lưới sắt cho biết, lượng đất đá sạt lở đã được xe múc san ra, tuyến đường đã thông hàng chục km đường.
1 máy bay trực thăng thả hàng cứu trợ xuống Thủy điện Rào Trăng 3 và quay về sân bay Phú Bài.
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường bằng đường thủy. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế |
Có khoảng 650 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng trăm ôtô, máy xúc, máy ủi, cano tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn; 3 máy bay trực thăng tham gia khảo sát hiện trường và tiếp tế lực lượng cứu hộ bên dưới. Chó nghiệp vụ cũng sẽ được đưa vào hiện trường.
Cách hiện trường 30 km, hai bếp dã chiến của bộ đội được dựng tại trường Tiểu học Phong Xuân, phục vụ 100 suất ăn buổi trưa. Hàng trăm người dân, giáo viên ở xã Phong Xuân và các xã lân cận mang theo rau, gà, trứng, gạo, dầu ăn... đến tiếp tế. Người dân phụ giúp nấu ăn, chuẩn bị các suất ăn để chuyển vào hiện trường cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3.
Người dân giúp các anh nuôi chuẩn bị các suất ăn. Ảnh: Hoàng Táo/VnExpress |
Anh Lê Thành Vũ (39 tuổi, quê Gia Lai,) thoát nạn từ thủy điện Rào Trăng 3, kể lại với Dân trí, thời điểm xảy ra vụ việc là sáng 12/10.
"Tôi đang ở lán khác thì bỗng thấy đất từ núi sạt xuống và cuốn trôi cả nhà điều hành, trong đó có 17 công nhân. Tôi cùng nhiều anh em khác sau đó đã tháo chạy ra khỏi thủy điện, băng suối, đất lở để về thủy điện Rào Trăng 4", anh Vũ hồi tưởng
Được công an đưa ca nô cứu hộ đến cứu, anh Vũ cùng 9 công nhân khác đã được đưa ra Thủy điện Rào Trăng 4, sau đó về lòng hồ thủy điện Hương Điền. Anh Vũ đã tới huyện Phong Điền an toàn. Anh cùng các công nhân khác sẽ về quê nhà nghỉ ngơi.
VnExpress dẫn lời người nhà công nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bình Điền (thị xã Hương Trà) cho biết, nửa đêm 11, rạng sáng 12/10, 5 người ở khu nhà nghỉ cách trung tâm điều hành thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 100 m) nghe tiếng nổ lớn bên ngoài.
Biết đất đá bị sạt lở mọi người gọi nhau tháo chạy. Một công nhân bị vùi lấp không thể chạy tiếp, 4 người dừng lại tìm cách cứu nạn nhưng đất tiếp tục sạt xuống. Họ phải tránh ra chỗ khác một lúc, chờ đất đá sạt xuống hẳn rồi quay lại kéo người công nhân bị vùi lấp ra. Lúc này bùn đất ngập ngang người họ.
Sau đó, 4 người thay nhau cõng người bị thương chạy bộ về thủy điện Rào Trăng 4 ở phía hạ nguồn. Chiều 13/10, công an Thừa Thiên Huế tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4, đưa 5 công nhân đi cấp cứu.
Sức khỏe 5 công nhân (1 người Hà Tĩnh, 4 người ở xã Hướng Hiệp, huyện Đăkrông, Quảng Trị) hiện ổn định, có thể ăn uống, nói chuyện.
Tổng số người từ Rào Trăng 3 thoát sang Rào Trăng 4 là 40, gồm 5 công nhân nêu trên và 3 chuyên gia Ấn Độ. Nhiều công nhân khác của thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích.
Thông tin từ Báo Thừa Thiên - Huế, ngoài Thủy điện Rào Trăng 3, cơ quan chức năng cũng nỗ lực để kết nối với Thủy điện A Lin B2. Nhà máy thủy điện này đang bị cô lập, 14 công nhân, nhân viên, người lo lương thực... chưa thể liên lạc.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền cho biết, còn 2 nhân viên bảo vệ rừng tại khu vực trạm Ngã ba Vầu cũng chưa liên lạc được.
Thủy điện Rào Trăng 4 nằm ở hạ nguồn sông Rào Trăng, cách Thủy điện Rào Trăng 3 tầm 10km, tất cả đều thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền và do một chủ đầu tư.