Đưa cua Cà Mau ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu các HTX có sự "chung tay" hợp tác đầu tư, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI... thì chắc chắn cua Cà Mau còn vươn xa, vươn rộng. Cua Cà Mau sẽ phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị hàng hóa hơn, tạo nguồn thu ổn định và lớn hơn nhiều.

Nhắc đến thương hiệu cua thì ai cũng sẽ nghĩ ngay: “Cua Cà Mau ngon”. Hiện nay, con cua đang đồng hành trong nền kinh tế và đời sống của người dân Cà Mau, đặc biệt ở các huyện như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Đầm Dơi.

Nhờ nuôi cua mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế và giờ đây con cua còn mang lại giá trị xuất khẩu cao về chất lượng và số lượng.

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km, gần 70.000 ha đất rừng ngập mặn và trên 250.000 ha đất nuôi tôm kết hợp với các loài thủy sản khác nên sản lượng cua biển ở Cà Mau luôn dẫn đầu trong cả nước. Cua Cà Mau là một trong những mặt hàng có giá trị kinh tế cao và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

Với diện tích hơn 28.000 m2, nuôi tôm - cua kết hợp, anh Lê Minh Luân (ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), thu về khoảng 200 triệu đồng/năm.

Với diện tích hơn 28.000 m2, nuôi tôm - cua kết hợp, anh Lê Minh Luân (ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), thu về khoảng 200 triệu đồng/năm.

Vào thời điểm này, các hộ nuôi cua trên địa bàn Cà Mau đang vào vụ thu hoạch và được xem là được mùa, lại có giá, do nhu cầu xuất khẩu cao bởi chính thương hiệu con cua trứ danh trên vùng đất này mang lại, đặc biệt là vào cận thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ cua cao vừa dùng làm quà biếu tặng, làm được nhiều món ngon…, đồng thời đưa cua Cà Mau vươn xa hơn, phát triển thị trường bền vững.

Qua đó, tạo niềm tin cho người dân đẩy mạnh nghề nuôi cua góp phần giảm nghèo. Nhờ vào điều kiện đất đai như: nguồn nước, độ mặn, độ kiềm, độ PH thích hợp, nguồn thức ăn cho cua là cá phi tự nhiên… những yếu tố này quyết định chất lượng đã làm nên thương hiệu cua Cà Mau.

Cua ngon nhờ môi trường nuôi tự nhiên

Những người có kinh nghiệm nuôi cua lâu năm như anh Luân rất dễ dàng phân biệt đâu là cua ngon, đầy gạch.

Những người có kinh nghiệm nuôi cua lâu năm như anh Luân rất dễ dàng phân biệt đâu là cua ngon, đầy gạch.

Theo chân người dân tìm đến hộ dân của anh Lê Minh Luân (ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có kinh nghiệm nuôi cua hơn 10 năm chia sẻ: “Gia đình có diện tích hơn 28.000 m2, nuôi tôm - cua kết hợp, ít tốn chi phí ban đầu, chỉ tốn tiền mua con cua giống, phân thuốc thì sử dụng của con tôm rồi kết hợp con cua vô để nuôi, mỗi lần thả từ 5 - 10 ngàn con giống. Chọn con cua giống màu trắng đẹp, khoẻ, trước khi thả xuống phải thuần nước và diệt con lịch, con cá bống, vì khi bị động con cua chui vào trong hang gặp những con này sẽ bị nó ăn, như vậy rất hao tốn con cua giống và không đạt”.

“Mỗi con cua giống có giá từ 200 - 250 đồng, điều đặc biệt trước khi thả con cua giống xuống là phải dùng lưới chất thành đống lại một khu thả con cua giống vào đó để tạo nơi trú ẩn khi nó còn yếu. Còn về độ mặn của nước là khoảng từ 15 – 20‰ là thả tốt nhất. Thời gian thả khoảng 3 tháng là bắt đầu thu hoạch bắt tỉa dần những con cua thịt, còn đối với con cua cái thì đợi cua đủ gạch khoảng 5 tháng mới thu hoạch. Thức ăn của cua chủ yếu là đầu cá phi, rửa sạch hết chất dầu để hạn chế khi cua ăn vào nhiều chất dầu thì cua dễ bị bệnh. Đồng thời, cho cua ăn từ 3 - 4 ngày/lần, riêng bờ bao là phải kiên cố, không có mọi. Với cách nuôi như vậy, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng/năm”, anh Luân chia sẻ thêm.

Cùng với đó, anh Nguyễn Thanh Đoàn (ngụ ở ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có 10.000 m2 đất canh tác nuôi tôm - cua kết hợp và mang lại hiệu quả cao. Trước đó, gia đình anh gặp rất khó khăn nhưng từ lúc nuôi cua đạt năng suất cao đã cải thiện kinh tế gia đình hơn rất nhiều.

Theo anh Đoàn, thời điểm thả con cua giống là tháng 4 âm lịch, lúc đó có con hai mảnh vỏ rất nhiều (loài động vật sống ở nước mặn và nước ngọt chúng không có đầu thân mềm có hai mảnh vỏ đối xứng với nhau dính với nhau, như là nghêu, sò nhỏ. Người ta còn gọi là cá nhuyễn thể hai mảnh vỏ), khi thả cua xuống nó có nguồn thức ăn tự nhiên, cua nuôi sẽ rất nhanh lớn. Do thả cua liên tục, tháng nào cũng thu hoạch nên mỗi năm anh Đoàn thu về khoảng 120 triệu đồng.

Anh Nguyễn Thanh Đoàn (ngụ ở ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có 10.000m2 đất canh tác kết hợp nuôi cua – tôm, tháng nào cũng thu hoạch nên mỗi năm anh thu hoạch được khoảng 120 triệu đồng.

Anh Nguyễn Thanh Đoàn (ngụ ở ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có 10.000m2 đất canh tác kết hợp nuôi cua – tôm, tháng nào cũng thu hoạch nên mỗi năm anh thu hoạch được khoảng 120 triệu đồng.

“Để tiết kiệm chi phí nuôi và cho năng suất cao thì ông làm ao nhỏ để vèo cua giống cho nó thích nghi với nguồn nước và điều kiện tự nhiên. Khi vèo cua, ông không chạy oxy và mua thêm con ruốc giá rẻ làm thức ăn cho cua giống, sau khi vèo từ 12 - 15 ngày cho cua lớn khỏe mới thả xuống vuông hoặc bán cho người dân nuôi. Bằng cách làm này, anh Đoàn bán ra thị trường với giá 500 đồng/con, từ tháng 6/2022 đến nay, anh bán hơn 200 ngàn con giống, thu nhập gần 20 triệu từ từ 6 ao vèo của mình”, anh Đoàn cho biết.

Để kết hợp những hộ nuôi cua giỏi, nhiều kinh nghiệm, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cua thương phẩm. Mô hình này nhằm kết nối người dân nuôi lại với nhau, qua đó họ có thể truyền đạt cho nhau về kinh nghiệm nuôi đạt năng suất cao. Đồng thời, địa phương cũng từng bước phối hợp tìm cách định hướng đầu ra ổn định cho cua Cà Mau nói chung và xã Tân Hưng nói riêng giữ vững được độ tươi ngon về chất lượng, riêng số lượng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, hạn chế tình trạng cua trúng mùa rớt giá làm ảnh hưởng đến người nuôi cua.

Ông Nguyễn Văn Hắng - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, nhận định: “Trên địa bàn xã hiện nay thì đa số người dân làm kinh tế nuôi tôm, nuôi cua quảng canh, thả nuôi tự nhiên và tận dụng nguồn thức ăn có sẳn nên chi phí nuôi thấp, tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho những hộ có ít đất sản sản xuất. Xã cũng thường xuyên mở lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong cách nuôi, làm sao để con cua có chất lượng ngon, đạt năng suất cao, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Cua Cà Mau xuất khẩu đi nhiều nước

Với 9 hecta vuông nuôi cua, anh Mạnh thu nhập hàng tháng hơn 30 triệu đồng, cùng với việc nuôi trồng kết hợp các loại tôm, cá khác, tổng thu nhập mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng.

Với 9 hecta vuông nuôi cua, anh Mạnh thu nhập hàng tháng hơn 30 triệu đồng, cùng với việc nuôi trồng kết hợp các loại tôm, cá khác, tổng thu nhập mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng.

Anh Lê Văn Mạnh (ở ấp Ông Ngươn, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn), là một trong những thành viên tiêu biểu của Hợp tác xã Nuôi cua dưới tán rừng Tân Hiệp Phát do quy trình, kỹ thuật nuôi của anh mang lại hiệu quả khá cao. Với 9 hecta vuông nuôi, anh thu nhập hàng tháng hơn 30 triệu đồng tiền cua, cùng với việc nuôi trồng kết hợp các loại tôm, cá khác, tổng thu nhập mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, sản lượng con cua đầu ra của anh luôn được hợp tác xã bao tiêu, với giá cả rất ổn định.

Anh Mạnh chia sẻ: “HTX sẽ có những logo, tem in ấn lên và có mã vạch khi đi ra thị trường trong nước hoặc thế giới nếu cần mình sẽ truy cập mã vạch trên những điện thoại thông mình, nếu cần thì kiểm tra sẽ biết con cua xuất xứ từ đâu. Thông thường, trong thời gian cận Tết Nguyên đán hàng năm, giá cua thương phẩm sẽ tăng lên rất cao, do ngoài thị trường tiêu thụ trong nước tăng thì thị trường các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia…, cũng tăng trữ lượng nhập cua Việt Nam trong khoảng thời gian này”.

Nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2015, qua đó giá trị con cua Cà Mau được nâng lên một tầm cao mới. Việc thành lập hợp tác xã nuôi cua là điều cần thiết đối với mục tiêu giữ vững thương hiệu cua Năm Căn hiện nay. Bởi lẽ, nó được quản lý sản phẩm thật, chất lượng thông qua mã vạch trên dây trói hoặc tem kiểm định chất lượng. Có như vậy, mới kiểm soát được khoảng 4 – 5 tấn cua xuất đi mỗi ngày từ huyện Năm Căn chuyển đi nơi khác…

Đồng thời, hơn 25.000 ha nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh, trong đó đa phần diện tích nuôi kết hợp tôm – cua trên địa bàn huyện Năm Căn, cùng với việc thu hoạch nguồn cua ở các huyện lân cận, trữ lượng cua mang thương hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” trong thời gian cao điểm có thể xuất đi trong và ngoài tỉnh từ 4 - 5 tấn mỗi ngày.

Con cua thịt, đặc biệt là con cua đực, người dân thường bấm ngón tay vào giữa cái yếm, khi thấy cứng là con cua sẽ chắc thịt, không bị ốp.

Con cua thịt, đặc biệt là con cua đực, người dân thường bấm ngón tay vào giữa cái yếm, khi thấy cứng là con cua sẽ chắc thịt, không bị ốp.

Các cơ sở, đầu mối cung cấp cua Cà Mau mong muốn, đặc sản địa phương này mở rộng hơn nữa cả thị trường trong và ngoài nước. "Càng nhiều cua Cà Mau được đi xa và đi càng xa càng tốt". Tuy nhiên, người nuôi trồng và phân phối cua Cà Mau cũng hiểu, để được như mong muốn, họ cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn, đầu tư hiện đại, có kinh nghiệm chế biến và xuất khẩu...

"Thực tế có nhiều thủy, hải sản đánh bắt và nuôi trồng trong nước xuất khẩu đi nước ngoài thành công, tới được những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu... Nếu các HTX có sự "chung tay" hợp tác đầu tư, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI... thì chắc chắn cua Cà Mau còn vươn xa, vươn rộng. Cua Cà Mau sẽ phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị hàng hóa hơn, tạo nguồn thu ổn định và lớn hơn nhiều", một đầu mối cung cấp cua Cà Mau cho biết.

Cua Cà Mau có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như cua nướng, cua luộc, rang muối, rang me, nấu bánh canh, lẩu riêu, cua hấp, cua sốt mỡ hành; bánh canh cua; chả mai cua; cà ri cua; lẩu cua… Tùy thuộc vào cách chế biến của từng món ăn mà chọn cua cho phù hợp. Tuy nhiên, cua gạch son thì chế biến vào bất kỳ món ăn nào cũng ngon và hấp dẫn. Ngon nhất có lẽ có dùng để nấu bánh canh, luộc, nướng mọi, rang muối, rang me.

Theo ông Trần Thanh Phương – Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cách phân biệt con cua ngon và không ngon. Cụ thể, con cua được xem là ngon nhất đó là con cua cốm và con cua lông đỏ. Con cua cốm là con cua sắp lột đang kéo một lớp da non ở phía trong khi ăn tách vỏ rất dễ, thịt cua cốm rất béo ngọt thơm, con cua lông đỏ là phía dưới yếm có nhiều sợi lông màu đỏ, thịt rất ngọt, thơm. Kế đến là con cua gạch, khi cua đủ gạch đạt trọng lượng từ 400 – 500g trở lên gạch đầy, ăn rất béo và thơm. Con cua đạt chất lượng ngon về thịt, về gạch thì môi trường nước phải đảm bảo đủ độ kiềm từ 50 – 60%, độ PH 7.5 và độ mặn cũng là yếu tố quyết định con cua ngon.

Ngoài ra, để nhận diện con cua đầy gạch hay chưa, người dân thường dùng đèn pin để soi, ánh sáng chiếu xuyên vào con cua lúc đó sẽ nhìn thấy lượng gạch đầy lúc đó con cua rất ngon. Còn đối với con cua thịt, đặc biệt là con cua đực, người dân thường bấm ngón tay vào giữa cái yếm, khi nghe cứng lúc đó con cua sẽ chắc thịt, không bị ốp.