Ban công chỉ rộng chưa đầy 2m2 nhưng nhờ trồng rau theo hệ thống hồi lưu, gia đình anh Nguyễn Hiểu Biết (Mai Dịch, Hà Nội) có đủ rau sạch ăn hàng ngày. Điều đặc biệt là vườn rau này được trồng trên những ống nhựa to chừng 10cm, và có thể di chuyển bất cứ lúc nào.
Anh Biết cho hay, trồng theo hệ thống thủy canh dạng này, vườn rau phát triển nhanh hơn bình thường. Cách 3 đến 4 ngày là người trồng được thu hoạch một lần tùy từng loại rau.
Đầy sáng tạo khi tận dụng không gian từ ngôi nhà 5 tầng giữa phố Khâm Thiên, ông Nguyễn Mạnh Tiến (51 tuổi) đã tạo ra được một vườn rau, có lẽ thuộc hàng cao nhất Thủ đô, khi những thùng rau được trồng trên tầng 6 và tầng 7 do ông cơi thêm từ fibro xi măng.
Với tổng diện tích khoảng gần 10m2 và gần 200 thùng xốp trồng rau các loại, khu vườn “mini” này không chỉ cung cấp rau ăn cho gia đình mà còn đủ chia cho hàng xóm và anh em, bạn bè.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Bên cạnh việc trồng rau sạch, cô Mai Sương (ở Thụy Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn thuê kỹ sư làm thêm một hệ thống nuôi cá hiện đại ngay trên sân thượng. “Ao” nuôi cá là một bồn nước chứa được nửa mét khối nước. Nước từ ao cộng với phân cá sẽ được bơm trực tiếp lên hệ thống các khay trồng rau. Ở các khay cô sử dụng đất sét nung để trồng rau, đất sét cũng làm nhiệm vụ lọc cho nước sạch để bơm quay trở lại bể.
Sau vài tuần thử nghiệm với mô hình nuôi cá và trồng rau trên sân thượng, cô Sương thấy rau và cá phát triển tỷ lệ thuận với nhau. Phân cá được bơm lên theo nước sẽ làm chất dinh dưỡng để cho cây phát triển. Rau sẽ không cần bón thêm bất cứ loại phân nào mà vẫn phát triển xanh tốt. Còn cá, thức ăn ban đầu là cám, sau quen rồi chuyển sang cho ăn cơm và rau nên lớn rất nhanh.
Nói về mô hình này, anh Phạm Trung Tuấn, chuyên thiết kế hệ thống nuôi cá kết hợp trồng rau sạch trên sân thượng ở Hà Nội cho biết đây là kết quả học hỏi ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam. Trong Sài Gòn có rất nhiều người áp dụng thành công, nhưng ở Hà Nội thì còn khá mới bởi chi phí đầu tư ban đầu đắt đỏ.