“Dựa thế” mạng xã hội để hành xử thiếu văn minh

(PLVN) - Không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội trong thời buổi hiện nay. Mạng xã hội đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, nhưng bên cạnh đó, có không ít đối tượng lợi dụng vào sức mạnh này để thao túng đám đông.
 Khoa Pug và clip phản cảm đang bị “tác dụng ngược”.
Khoa Pug và clip phản cảm đang bị “tác dụng ngược”.

Đủ cách “câu view” 

Khoa Pug có lẽ là nhân vật đang nổi đình nổi đám trên mạng xã hội (MXH) thời điểm này, xuất phát từ một số clip review du lịch bị đánh giá “làm lố” và phản cảm. Khoa Pug là biệt danh của một vlogger nổi tiếng tên Nguyễn Anh Khoa.

Anh này là chủ một kênh Youtube khá có tiếng, trước kia chuyên nhại theo trào lưu “chủ tịch giả nghèo và cái kết” để ăn mặc xuềnh xoàng, đến các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch hạng sang để “thử lòng” nhân viên phục vụ. 

Sau đó, kênh chuyển hướng chuyên review các địa điểm du lịch, ăn uống theo cách riêng của mình. Không nhiều kiến thức hữu ích, không duyên dáng thú vị, nhưng những nội dung clip thuộc dạng “độc lạ” kiểu chơi ngông, cộng thêm cách giật tít “câu view”, gây sốc khiến Khoa Pug nhanh chóng trở thành một kênh Youtube có lượt theo dõi đông đảo.

Mới đây nhất, Khoa Pug đã khiến cộng đồng mạng nổi giận, không ít người có tiếng nói trong xã hội như nhà văn, giới nghệ sĩ, nhà nghiên cứu… lên tiếng vì một clip phản cảm có cái tên gây sốc "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn". 

Ở clip này, Khoa miêu tả bằng ống kính chuyện đi ăn ở nhà hàng Nhật trăm tuổi trong chuyến du lịch Nhật. Trong đó, Khoa và ekip không chú ý đến việc ăn mà chỉ mải mê quay phim, phớt lờ chuyện nữ nhân viên phục vụ yêu cầu ngừng quay, năn nỉ họ thưởng thức món ăn.

Đăng tải clip, Khoa sử dụng thumbnail (hiểu đơn giản là một ảnh đại diện thu nhỏ mang ý nghĩa hấp dẫn người dùng) là hình ảnh một phụ nữ Nhật đang quỳ gối trước mặt mình và giật tít đầy thái độ coi thường phụ nữ. 

Một clip khác cũng trong chuyến đi này, Khoa và ekip “đột nhập” vào khu nấu ăn của một quán ăn, người phục vụ, là người gốc Việt khi đang trộn mì đã giơ đũa cảnh báo không được quay phim. Sau đó, ekip Khoa Pug tung video clip này lên mạng, cắt hình ảnh và đề phụ đề “cầm đũa chỉ vào mặt bắt ngừng quay”, khiến nữ nhân viên phục vụ bị “ném đá”, phải khóa trang cá nhân.

Nhiều người nhớ lại sự việc ầm ĩ năm ngoái, khi Khoa Pug đăng bài review về một resort ở Mũi Né, kể về cảnh mình bị đối xử tàn tệ, với tiêu đề “Resort mất dạy nhất Việt Nam”. Mặc dù phía khách sạn có hành xử sai nhưng cách giật tít và cắt ghép khiến resort này trở thành mục tiêu công kích của lực lượng fan hâm mộ của Khoa Pug, chuyện kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải đóng cửa một thời gian. 

Trong không ít clip trên kênh Khoa Pug, có thể thấy anh này khá tận dụng “quyền vlogger” của mình để khen ngợi những ai làm vừa lòng hoặc “trả đũa” những người, những nơi khiến anh ta phật ý. Dường như kênh cá nhân, mạng xã hội và lực lượng fan hâm mộ đông đảo đã trở thành một vũ khí lợi hại của nhân vật này.

Cứ “không vừa lòng” là post lên mạng

Khoa Pug không phải là trường hợp hiếm hoi tận dụng MXH làm vũ khí. Đặc tính của MXH là ưa chuộng những điều mới lạ, kịch tính, giật gân. Phản ứng khi tiếp nhận thông tin của cư dân mạng cũng rất cảm tính, tức thời, đa phần thiếu sự suy xét. Thế nên, nhiều người nắm được tâm lý này có thể thao túng được đám đông, biến MXH thành công cụ thỏa mãn lợi ích cho mình. 

Ngoài Khoa Pug, còn hàng trăm vlogger khác, hầu như lập kênh không đem lại thông tin gì hữu ích ngoài tung tin thỏa mãn trí tò mò, làm trò lố “câu view”, như loạt kênh “đầu bếp nông dân nấu món khổng lồ”, kênh giang hồ mạng, hay những cá nhân trai thích giả gái, gái thích giả trai, hoặc mang nhan sắc mình ra bêu riếu.

Ngoài việc trở nên nổi tiếng, thu nhập khủng, họ còn thỏa mãn được tâm lý “quyền lực” khi có một lực lượng hâm mộ khổng lồ, sẵn sàng nghe, tiếp nhận, tin tưởng những thông tin mà mình tung ra. 

Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, một người mẫu có cuộc va chạm với tài xế xe ôm công nghệ. Anh này đã đăng lên mạng những hình ảnh phiến diện, kêu gọi cộng đồng “ném đá” người tài xế. Chỉ khi người tài xế này đến công an cung cấp bằng chứng cho thấy nam người mẫu đã khiêu khích, tấn công trước thì người ta mới vỡ lẽ, hóa ra nam người mẫu không chỉ hành xử côn đồ, mà còn mượn MXH để “trả đũa” người lái xe.

Hay như trong clip nữ cảnh sát hành xử thiếu văn hóa, phản cảm ở sân bay Tân Sân Nhất, có thể thấy, người phụ nữ này khá ý thức về sức mạnh của cộng đồng mạng khi phát ngôn “tao đăng lên mạng bỏ 5 triệu chạy quảng cáo cho mày sáng nhất mạng xã hội”. Tuy nhiên, chị này cuối cùng trở thành “miếng mồi” đả kích của cư dân mạng bởi hành xử lỗ mãng của mình.

“Tao quay lên mạng cho mày chết” là phát ngôn của không ít người khi gặp sự cố hay va chạm. Tai nạn giao thông, ẩu đả, trộm cướp, gặp cảnh khó khăn sự việc lạ… đều thấy phản xạ đầu tiên của nhiều người là… rút điện thoại ra quay clip. Để rồi sau đó, những clip này được tung lên mạng làm “mồi” cho thiên hạ, khiến người này bị “ném đá”, người kia được bênh vực, được giúp đỡ… 

Dường như, giờ đây nhiều người đang đặt niềm tin quá mức vào MXH, coi đó là công cụ đòi công bằng, “trả đũa”, phán xét… khi gặp chuyện. Nhưng, họ không biết rằng, MXH là con dao hai lưỡi, có thể biến người này thành quyền lực, nhưng cũng có thể hãm hại người khác, đẩy người ta xuống hố sâu.

Như Khoa Pug, có lẽ giờ đây bắt đầu thấm thía quy luật của MXH, khi mà mũi dùi công kích bắt đầu quay về anh này, bởi cư dân mạng bắt đầu ngán ngẩm và nhận ra sự vô bổ, quá lố từ những sản phẩm clip từng mua vui cho họ.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM: Mua vui, bêu xấu người khác trên mạng là phạm luật

Những cá nhân như Khoa Pug trong câu chuyện nói trên, hay những kênh tổ chức, hội nhóm trên mạng, rõ ràng là nắm vững tâm lý cộng đồng mạng, cũng như đã thành công tương đối trong việc biến mạng xã hội thành “công cụ” lợi hại đem lại tiền bạc và cả những thứ quyền lực vô hình.

Cá nhân tôi có theo dõi vụ Khoa Pug, có thể thấy trong cách dựng clip, anh này rõ ràng muốn tạo sự giật gân, nên cố tình không quan tâm đến thái độ người phục vụ, thậm chí diễn dịch sai lời họ để dàn dựng thành một clip đầy tính “câu view”.

Nhật Bản là một nước quy định khá nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư. Trước khi chụp ảnh, quay phim đều phải có sự đồng ý của đối tượng được quay, chụp, nếu không có sự cho phép hoặc chụp, quay lén, bị kiện đều có thể ra tòa. 

Không chỉ Nhật Bản, ngay tại Việt Nam, luật cũng có quy định khá rõ: Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Khi xảy ra va chạm hay những trường hợp tranh chấp, việc chụp hình, quay phim có thể thực hiện như hành động thu thập bằng chứng để tránh xảy ra tranh cãi về sau, còn nếu sử dụng như “vũ khí” để mua vui, bêu xấu đối phương trên môi trường mạng, tức là đã phạm luật.  N.Mai (ghi)