Một lần “đi bụi”, ba thập kỷ thất lạc
Năm 1988, chỉ vì ham chơi, không lo học hành nên cậu bé Danh khi ấy mới 12 tuổi bị bố la mắng. Giận bố, Danh bán bộ quần áo mới mà cha mẹ mua tặng để mặc trong lễ noel lấy tiền rồi rủ một người bạn hàng xóm bỏ nhà đi bụi. Hai đứa trẻ rủ nhau đến ga tàu hỏa xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu) rồi bước lên tàu. Chỉ đến khi đặt chân xuống đất Khánh Hòa, nơi cách nhà hàng trăm km, khi đó Danh và người bạn mới hoảng sợ thì đã muộn. Hành trình lưu lạc suốt 28 năm bắt đầu từ đó
Không một xu dính túi, bụng đói lại không nhớ đường về nhà, hai đứa trẻ vừa đi vừa khóc. May mắn gặp được người tốt, họ cho ăn uống rồi đưa về nhà cưu mang. Lúc đầu, Danh được một gia đình nông dân nhận về phụ giúp việc chăn bò. Bạn cùng đi với Danh được một người khác đưa về làm con nuôi. Hai đứa trẻ mỗi đứa mỗi ngả, thất lạc nhau.
Ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế nhựa trong gian nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Yên (SN 1946, mẹ anh Danh) nhớ lại ngày con trai mình bỏ nhà ra đi. Đó là một buổi chiều mùa đông giá rét, trước khi ra đồng, vợ chồng bà đã dặn dò Danh ở nhà học bài, không được đi ra ngoài. Khi đi làm về không thấy mặt con trai, cứ nghĩ Danh lại đi chơi đâu đó quanh xóm như những ngày trước nên chẳng ai để ý. Đến giờ ăn cơm tối, khi mọi thành viên trong gia đình đã tập trung đông đủ quanh mâm cơm, chỉ thiếu mình Danh, linh tính có chuyện gì chẳng lành nên vợ chồng bà Yên chia nhau đi tìm.
Một ngày, hai ngày rồi một tháng sau, tin tức của con trai vẫn bặt vô âm tín. Nuôi hi vọng, người cha khăn gói tìm kiếm con khắp nơi nhưng đều trở về một mình trong tiếng thở dài. Bà Yên chỉ biết đấm ngực gào khóc, gọi tên con vì thương nhớ. Suốt gần nửa năm tìm kiếm, sức cùng, lực kiệt, vợ chồng bà đành thở dài buông xuôi. Thay vì kiếm tìm tung tích con, vợ chồng bà tập trung vào công việc, nuôi 6 đứa con còn lại.
Thấm thoát đã 28 năm trôi qua, các con của bà Yên đều đã yên bề gia thất. Người chồng cũng đã yên nghỉ nơi chín suối hàng chục năm. Nỗi buồn về việc con trai thất lạc đã dần nguôi ngoai, một buổi tối tháng 3/2016, bà Yên chợt nghe tiếng điện thoại reo. Hạnh phúc chợi vỡ òa khi đầu dây bên kia, một người tự nhận là người con trai bà đã thất lạc hàng chục năm.
Sau cuộc chuyện trò qua lại qua điện thoại để xác minh, bà Yên òa khóc khi biết con trai mình vẫn còn sống. Ngay sáng hôm sau, hai người anh trai của Danh đã theo địa chỉ, tìm vào TP Nha Trang để gặp em mình. Vui mừng khi gặp được người thân, anh Danh cùng vợ con đã khăn gói cùng hai người anh trở về quê sau hàng chục năm xa cách. Bà Yên chỉ biết ôm con, cháu mình vào lòng mà khóc cho thỏa lòng mong nhớ.
“Dù vẫn tin rằng con trai mình đang sống đâu đó trên cuộc đời này nhưng tôi không nghĩ sẽ có một ngày mẹ con được đoàn tụ. Dù ôm con, cháu vào lòng nhưng tôi cứ ngỡ đó là giấc mơ. Sống ở những năm tháng cuối cuộc đời tôi chỉ chờ đợi có giây phút ấy. Gặp lại con, biết con sống khỏe mạnh, lại có vợ, con, giờ tôi có nằm xuống cũng an lòng”, bà Yên chia sẻ.
|
Bà Yên cho hay có nằm mơ cũng không nghĩ sẽ gặp lại được người con trai 28 năm lưu lạc |
Cơ duyên đoàn tụ
Cơ duyên cho anh Danh gặp lại gia đình sau hàng chục năm lưu lạc, nhờ ký ức về người thầy giáo bị cụt tay. Anh Danh kể, trong lần ra khơi đánh cá thuê, anh tình cờ gặp một người đồng hương quê ở huyện Quỳnh Lưu cùng trên một chuyến tàu.
Tối ấy, hai người cùng ngồi nhâm nhi chén trà, hỏi thăm nhau. Trong cuộc nói chuyện, anh Danh mang câu chuyện bất hạnh của cuộc đời mình kể cho người đồng hương nghe. Anh tâm sự chỉ nhớ quê mình ở huyện Quỳnh Lưu chứ không nhớ ở xã nào. Anh chỉ nhớ tên của bố mẹ và hai người anh trai của mình. Một tình tiết còn sót lại trong tâm trí của anh là người thầy giáo cụt tay từng dạy anh học.
Nghe anh Danh nói về người thầy cụt tay, người bạn này đã reo lên và cho biết đã từng là học sinh của thầy. Cuộc điện thoại giữa anh Danh và người thầy được kết nối. Chỉ sau đó một ngày, hạnh phúc vỡ òa khi anh Danh tìm được gia đình.
Trở về sau 28 năm xa quê hương, đối với cậu bé 12 tuổi lúc bấy giờ thì mọi thứ đều thay đổi, cái gì cũng trở nên mới mẻ, khác lạ. Anh Danh nhớ lại, sau khi đặt chân xuống Khánh Hòa, anh cùng người bạn đã khóc nức nở vì hối hận, tìm đường về nhà. Hai đứa trẻ lang thang giữa cái đói và khát. May mắn được người dân địa phương thương xót, cho cơm ăn, nước uống. Khi tinh thần đã tỉnh táo, hai đứa trẻ mới biết mình đang ở cách xa nhà hàng trăm cây số. Đoán biết được là trẻ lang thang, Danh được một gia đình đưa về phụ giúp việc chăn bò.
Năm 17 tuổi, có chút sức khỏe, Danh ra ngoài xin phụ hồ trong các công trình xây dựng và tự lập từ đó. Năm 20 tuổi, anh quen và yêu một cô gái người Nha Trang. Hai người đến với nhau có 2 mặt con. Cô con gái lớn đã 18 tuổi, cậu con trai út năm nay lên 4 tuổi.
Gia đình anh Danh trở về được một tuần lại khăn gói vào lại Nha Trang vì công việc. Cuộc sống của họ tuy còn khó khăn nhưng cũng tạm cho là ổn định. Hàng ngày, anh Danh theo thuyền ra khơi đánh cá, cứ nửa tháng mới về thăm vợ con một lần. Vợ anh ở nhà vừa chăm sóc con, vừa làm công cho một xưởng chế biến đông lạnh gần nhà. Sau nhiều năm gom góp, vợ chồng anh đã mua được một mảnh đất nhỏ, dựng một căn nhà ống.
Ngay trong lần đoàn tụ cùng gia đình, anh Danh cùng người thân đã lên chính quyền địa phương xin xác nhận để làm chứng minh nhân dân. Dự định sắp tới anh sẽ đưa vợ đi làm thủ tục đăng ký kết hôn và làm lại giấy khai sinh cho hai đứa con của mình để chúng được mang họ bố.
Chia sẻ với XLPL qua điện thoại, anh Danh vui mừng. “10 năm trước, góp được ít tiền, tôi đã tìm về quê với hi vọng tìm được gia đình mình. Thế nhưng ký ức của một cậu bé 12 tuổi quá mơ hồ khiến tôi không thể nào nhớ nổi tên địa phương mình. Bây giờ tôi đã tìm được lại gia đình mình rồi. Tôi không phải là người “trên trời rơi xuống”. Các con tôi đã có cội nguồn. Không niềm vui nào sánh bằng”./.