Đức vua Hàm Nghi đã bị bội phản như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau khi kinh thành thất thủ, Vua Hàm Nghi cùng với đại thần Tôn Thất Thuyết mở đường kháng chiến chống Pháp. Nhà vua đã sống trong rừng rậm để lãnh đạo cuộc chiến, cuối cùng bị bội phản và người Pháp đã đưa Nhà vua đi đày tại Bắc Phi. Xung quanh sự kiện này, ít người biết về nhân vật Trương Quang Ngọc - người từng bảo vệ Nhà vua, nhưng cuối cùng lại trở thành kẻ chỉ điểm cho người Pháp bắt vua. Kẻ bội phản cuối cùng đã bị giết bởi nghĩa quân Phan Đình Phùng.

Cận thần trở mặt

Vua Hàm Nghi phải từ bỏ kinh thành Huế sau đêm bạo động bất thành 5/7/1885 và rong ruổi trong rừng già Trường Sơn từ Quảng Trị, rồi Lào, Quảng Bình, Hà Tĩnh... kêu gọi kháng chiến. Lúc bị bắt, ông sống ở thượng nguồn sông Giang vùng núi Quy Đạt hiểm trở.

Trong cuốn “Kho báu kinh thành Huế” của tác giả Francois Thierry viết về những ngày tháng rong ruổi, kêu gọi phong trào Cần Vương chống Pháp cho biết: “Vị vua trẻ tuổi ra mắt chính thức khi tiến vào Quy Đạt: khoá chiếc áo bào màu vàng, Đức vua ngồi trên võng kiệu với các tay đòn chạm trổ hình rồng, có bốn người lính lệ làm phụ kiệu, với bốn quan thị vệ đi kèm. Sát theo sau là Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết… Ở hậu quân có quan lãnh binh Trương Quang Ngọc và thuộc hạ…”.

Vua Hàm Nghi và những tác phẩm hội họa của ông trong những tháng ngày lưu vong. (Ảnh tư liệu)

Vua Hàm Nghi và những tác phẩm hội họa của ông trong những tháng ngày lưu vong.

(Ảnh tư liệu)

Trương Quang Ngọc là nhân vật liên quan đến số phận Vua Hàm Nghi trong những tháng ngày gian nan kháng chiến. Điều kỳ lạ ở chỗ nhân vật này vừa là một người đã sống chết bảo vệ Nhà vua, lại vừa bội phản hèn hạ. Cha của Trương Quang Ngọc vốn là quan chức địa phương nổi loạn, lập ra một vùng lãnh địa riêng, cấu kết với người Mường và bản địa để xây dựng lực lượng trung thành với ông. Trương Quang Ngọc ủng hộ phong trào Cần Vương của Nhà vua và đem hết lực lượng để theo Vua Hàm Nghi. Khi Vua Hàm Nghi tạm trú hoạt động kháng chiến ở đây, Ngọc đã chỉ huy nghĩa quân đánh bại cuộc săn lùng Nhà vua của Đại uý Hugot: “Hugot bị lực lượng Mường của Trương Quang Ngọc chặn đánh: bị thương với hai phát tên tẩm thuốc độc, Hugot phải lui về Bái Đức, rồi về Vinh, nơi ông qua đời vào ngày 3 tháng Giêng năm 1886. Chiến thắng này nâng cao uy tín của Ngọc và hy vọng cho Tôn Thất Thuyết” (trích sách “Kho báu kinh thành Huế”).

Ngày 10 tháng giêng năm 1886, Trung úy Camus xuất phát từ Vinh hướng về núi đồi Quy Đạt để tiếp tục tấn công khi có tin Vua Hàm Nghi đang cư trú ở đây. Một lần nữa Trương Quang Ngọc và lực lượng người Mường đã đẩy lùi cuộc tấn công này, Camus bị dính tên thuốc độc và tử trận, nhưng người Pháp quyết không lùi bước khi chưa bắt được Nhà vua và nhiều lần họ bắt hụt Nhà vua vì sự nhanh trí của Trương Quang Ngọc.

Sử gia Francois Thierry nhận định: “Các biến cố trận mạc cho thấy Trương Quang Ngọc là người duy nhất có thể bảo đảm an toàn thực sự cho Đức vua, Tôn Thất Thuyết, với các chức vị phẩm trật đi theo phò vua chỉ tạo thêm áp lực. Người ta không biết được những bàn cãi như thế nào của triều đình lúc ẩn náu trong rừng sâu, nhưng cũng kết luận rõ ràng: vào cuối tháng giêng năm 1886, đoàn ngự giá phân làm hai, Vua Hàm Nghi ở lại vùng núi với sự bảo vệ của Trương Quang Ngọc cùng đội hộ vệ của Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm là hai người con của Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết cùng với Trần Xuân Soạn đi về hướng Bắc với mong muốn đến Trung Quốc mưu cầu viện binh”.

Vậy, một người chinh chiến để hộ giá Nhà vua lại bỗng dưng phản bội là do đâu? Theo TS Nguyễn Xuân Thọ, trong cuốn “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam” cho biết: “Đầu năm 1888, nhưng màn lưới bủa vây ngày càng thắt chặt lại một cách nguy hiểm xung quanh Vua Hàm Nghi và nhóm thân binh trung kiện của Nhà vua mỗi ngày một thưa thớt... Lúc này ở chiến khu, các thân binh kiệt mòn sức lực vì thiếu thốn và bệnh tật, ý chí trung thành với Nhà vua dần mòn và sẵn sàng hợp tác với kẻ thù. Kháng chiến luôn đứng trước nguy cơ tan rã vì đói khổ…”. Phạm Văn Mi, nguyên là thành viên của Cơ Mật viện đã quy hàng tại Đồng Hới, ông ta trở lại Quy Đạt và gửi cho Trương Quang Ngọc một lá thư quy hàng, giao nộp Vua Hàm Nghi, đổi lại Ngọc sẽ được đối xử tử tế. Đây là khoảng thời gian tháng 9/1887.

Đại úy Mouteaux, người được giao nhiệm vụ truy lùng Nhà vua đã nhờ một người thân tín trao cho Trương Quang Ngọc một bộ đèn hút thuốc phiện, áo lụa của phu nhân và tặng cho Nhà vua 6 yến gạo trắng, kèm theo thư của Vua Đồng Khánh và Hoàng Thái hậu Từ Dũ, bảo đảm với Vua Hàm Nghi nếu trở về Huế sẽ có vị trí thứ hai ở triều đình.

Tối ngày 12/10/1888, Trương Quang Ngọc tự ý nộp mình cho người Pháp và chỉ đường cho người Pháp nơi Nhà vua ẩn náu. Số mệnh Nhà vua đã nằm trong tay người Pháp và bắt đầu một đời sống lưu vong.

Ngày 1/11/1888, Trương Quang Ngọc và một toán nhỏ thuộc hạ người Mường đã tiến đến căn chòi đơn sơ, lợp cọ nơi Vua Hàm Nghi đang ẩn náu. Tôn Thất Thiệp hộ giá bị đâm một mũi lao chết tại chỗ, Nhà vua biết mình bị Ngọc phản bội, cầm kiếm đưa cho hắn và nói: “Mày hãy giết ta đi, đừng giao nộp ta cho Pháp”. Nhà vua bị nhóm người Mường tước kiếm và khống chế. Vua Hàm Nghị được đưa về Huế. Vua Hàm Nghi sinh tháng 3/1871, bị bắt năm mới 17 tuổi 7 tháng.

Linh hồn của cuộc kháng chiến Cần Vương đã bị bắt, một đòn đánh tàn nhẫn vào phong trào chống Pháp lúc đó. Người Pháp tiếp tục truy lùng những người đi theo Nhà vua và mang về Huế xử tử để làm gương cho kẻ khác. TS Nguyễn Xuân Thọ cho biết thêm, ngày 16/11/1888, Chính phủ Pháp họp hội đồng Bộ trưởng quyết định đưa vị cựu vương Việt Nam sang Algerie, “ở đây khí hậu ôn hoà có lợi cho tình trạng sức khoẻ bị suy sụp quá nhiều do cuộc sống lang thang quá gian khổ núi rừng của Nhà vua”.

Được tin Vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đạm ra lệnh ngừng kháng cự và quy hàng người Pháp. Ngay tối hôm đó, ông tự vẫn.

Trả giá

Trương Quang Ngọc được phong Lãnh binh vì có công lao “chỉ điểm, phản quốc”, được lần lượt cử đi các tỉnh khác nhau làm nhiệm vụ mới của mình. Đi đâu Ngọc cũng chỉ gặp sự khinh bỉ của quan lại và nhân dân. Cuối cùng Ngọc trở về Thanh Lãng (Hà Tĩnh) làng quê của hắn.

Chiều ngày 24/12/1893, Ngọc chỉ huy đồn Thanh Lãng đang say rượu và hút thuốc phiện, thì đồn bị nghĩa quân Phan Đình Phùng tấn công. Ngọc vội vàng tìm cách kháng cự thì dính một phát đạn khiến hắn ngã xuống. Lập tức người ta chặt lấy đầu hắn, bêu ngay trước túp lều mà hắn đã phản bội, bắt nộp Vua Hàm Nghi cho Pháp.

Đánh giá về sự bội phản của Trương Quang Ngọc, TS Nguyễn Xuân Thọ viết: “Để tiêu diệt được họ, quân Pháp dùng khủng bố, tăng cường chém giết một cách tàn nhẫn các tù binh mà chúng bắt được… Vậy là dần dần quân Pháp gặp binh sĩ kháng chiến tinh thần hoang mang, suy sụp, hoặc người nông dân, người lao công mong ước có chút lợi lộc cỏn con và được sống bình yên, sẵn sàng phản bội Nhà vua và cung cấp nhiều tin tức đáng quý cho kẻ thù. Qua tình trạng đó, quân Pháp đã dần dà chiếm được lòng tin của một thân binh hậu cần Nhà vua là Trương Quang Ngọc, vừa nghiện thuốc phiện, rượu, tình nguyện sẽ nộp Hàm Nghi cho Pháp” (trích cuốn “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam”).

Ngay sau khi Vua Hàm Nghi bị bắt, Vua Đồng Khánh đã có tuyên cáo với nhân dân. Tuyên cáo cũng nhấn mạnh việc đưa Vua Hàm Nghi ra nước ngoài chữa bệnh và khẳng định “Nhận xét rằng một đất nước không thể có hai vua, như một bầu trời không thể có hai vầng dương được, cho nên Trẫm chỉ dụ như sau: “Nhân Ngự đệ Ưng Lịch trở về, Trẫm đưa Ngự đệ lên tước vị Quận công, như Trẫm đã hứa trong lời tuyên cáo. Còn hai chữ “Hàm Nghi” thì từ nay trở đi cấm chỉ không được ai gọi đến, người ta sẽ gọi Ngự đệ là “Quận công Ưng Lịch”: đó là tên thật của Ngự đệ”.

Với tư cách Phụ chánh, đại thần đương triều, Tôn Thất Thuyết truyền hịch kêu gọi chống Pháp, với một phong trào Cần Vương rộng khắp đất nước kéo dài tới 28 năm, ngay cả sau khi Vua Hàm Nghi bị bắt. “Khắp chốn vương triều, tất cả phải lo toan vì chính nghĩa của Đức vua. Chúng ta hãy tin cậy vào trời đất chỉ mong điều tốt lành cho xứ sở. Tất cả chúng ta phải nỗ lực để giành lấy xã tắc từ tay quân thù” (Trích “Chiếu Cần Vương”). Tháng 2/1913, khi đầu của lãnh đạo khởi nghĩa Yên Thế Hoàng Hoa Thám bị treo cho dân chúng thấy thì phong trào mới tạm lắng xuống.

Tôn Thất Thuyết sau khi sang Trung Quốc cầu viện không thành, biết tin Nhà vua bị bắt ông đã ở lại đây. Ông mất năm 1913 trên đất khách, quê người, không một lần trở về cố hương.

Đọc thêm