Khi đó, người nhặt đã đem bán chiếc điện thoại giá trị 33 triệu đồng, lấy 7,5 triệu đồng và ngỏ ý muốn trả lại cho người mất 3 triệu đồng. Chiếc điện thoại đó cũng đã được bán cho người khác từ người mua ban đầu. Theo các chuyên gia pháp lý, người nhặt được chiếc điện thoại cố tình không trả cho người để quên có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự bởi hành vi đó có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản và có thể bị phạt tù.
Trong rất nhiều trường hợp xảy ra ở quán ăn, nơi công cộng, người để quên đồ đạc, điện thoại hay túi xách có người khác nhặt được rồi lẳng lặng mang đi bị camera an ninh ghi lại. Thông thường, đoạn băng video trích xuất từ camera được đăng tải trên mạng xã hội với mục đích nhờ mọi người xác định danh tính để “xin lại”.
Quan sát những đoạn băng video đó, thấy rõ thái độ của người nhặt được đồ vật để quên thường lấm lét, che giấu hành vi của mình và rất nhanh rời khỏi nơi mình đã nhặt được. Điều đó cho thấy họ có ý thức chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi này rất gần với hành vi trộm cắp, chỉ khác ở chỗ trộm cắp là có chủ định mà thôi!
Những trường hợp phát hiện ra đồ vật người khác bỏ quên trong quán nước, quán ăn, trên xe buýt, xe khách,... thì cách ứng xử đúng đắn là trao các thứ đó cho chủ nhà hàng, nhà xe để trả lại cho người bỏ quên. Bởi, người bỏ quên sẽ sớm phát hiện ra mình để quên ở đâu và thể nào cũng quay lại nơi đó để tìm. Như vậy, đồ vật được trả lại cho người chủ đích thực và không ai “biển thủ ” nó được.
Chúng ta chỉ quen với việc biểu dương “công trạng” của những người nhặt được của rơi đem trả lại mà không có chế tài nghiêm khắc với những người nhặt được của rơi thì chiếm hữu ngay làm của mình. Xã hội ra sao nếu cứ “sểnh ra cái gì là mất cái đó” gây nên một tâm trạng bất an và thiếu tin tưởng lẫn nhau? Hơn nữa, nó tạo nên một môi trường dung dưỡng lòng tham, ưa chiếm đoạt, thích thú xài những thứ không phải của mình!