Đây có lẽ là lần đầu tiên người gây ra hành vi đó thừa nhận và giải thích nguyên nhân rõ ràng. Trước nay, dư luận vẫn thường nghe sự giải thích như "quơ tay trúng mặt", "giơ chân vô tình quệt phải", "giơ gậy người điều khiển giao thông va vào",....
Lại nói về nóng giận, dư luận từng hết sức bức xúc trước những hành vi của các cán bộ lãnh đạo địa phương đập bàn chửi bới những người canh chốt phòng dịch hoặc việc một ông Chi cục trưởng túm cổ áo CSGT, chửi bới thậm tệ vì dám dừng xe ô tô của mình, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Các cán bộ này sau đó đều tỏ ra hối hận và lý giải hành vi của mình lúc đó là quá nóng, không kiềm chế được hành vi, nên giờ phải lãnh hậu quả, bị xử lý nghiêm khắc, đúng là "cả giận, mất khôn"!
Lợi dụng điều này, không ít trường hợp bị "sập bẫy" khiêu khích. Họ có những cử chỉ, hành vi, lời nói khiến đối tượng họ nhắm tới phát khùng, dẫn tới việc dùng vũ lực và thế là bị "sập bẫy" vì đã xử sự sai, vi phạm đạo đức hay pháp luật. Nó cũng giống như hiện tượng trong bóng đá, cầu thủ trêu tức và chọc giận đối phương khiến họ không kiềm chế nổi mà phản ứng lại bằng hành vi thái quá, thế là nhận thẻ đỏ rời sân!
Ngạn ngữ có câu "cả giận, mất khôn" vừa để nói lên quan hệ nhân quả của một hành vi, vừa để cảnh báo về một nguyên tắc xử sự. Người ta rất dễ mắc sai lầm trong lúc nóng giận, gây ra những hành vi phản cảm mà ngay mình cũng không hiểu được tại sao lúc đó mình lại xử sự như vậy. Nên, cách tốt nhất là không để mình nóng giận và nếu có nóng giận thì nên im lặng là hơn cả!
Trở lại với chuyện hai CSGT đánh người. Khi thực thi công vụ, cán bộ cần không được phép nóng giận và luôn luôn phải kiểm soát được hành vi của mình, phải luôn nhớ mình là ai mà tuân thủ những quy định bắt buộc của ngành mình và hơn cả thế, phải giữ gìn hình ảnh của ngành mình phục vụ!