Câu chuyện về 3 nữ sinh ĐH Ngoại thương chết đuối vì lũ cuốn chiều 2/7 khi đi tình nguyện là những dấu lặng buồn những ngày qua...
Đau xót không có cơ hội... hối tiếc
Ba nữ sinh trường ĐH Ngoại thương bị lũ cuốn trôi khi đi tình nguyện hè ở Quảng Ninh. Một tai nạn với nỗi đau không lời nào kết xiết. Nỗi đau của bố mẹ, người thân, nỗi đau của nhà trường, nỗi đau của bạn bè và còn có cả nỗi đau của rất nhiều bạn trẻ đang sục sôi với mùa hè tình nguyện.
Cả ba đều là sinh viên của ngôi trường danh giá hàng đầu cả nước. Và họ, những bạn trẻ mang trong mình nhiệt huyết với mong muốn góp sức nhỏ của mình để làm đẹp đất nước đã phải ngưng lại những ước mơ, hoài bão.
Ý nghĩa của hoạt động tình nguyện không chỉ là việc các bạn trẻ đi về các vùng xa xôi, nghèo khó của đất nước để chia sẻ khó khăn hay để tiếp sức con chữ. “Sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”, giá trị của tình nguyện lớn nhất không phải ở người nhận mà thuộc về những gì các bạn trẻ tham gia tình nguyện nhận được.
Biết bao nhiêu người đã trưởng thành, bao nhiêu bạn trẻ tìm thấy lý tưởng, tìm thấy giá trị, ý nghĩa thật sự của cuộc sống nhờ việc tham gia tình nguyện...
Phong trào Thanh niên tình nguyện được triển khai vào năm 2000. Cho đến 2007, có 15 trường hợp tử vong khi tham gia hoạt động này. Con số thống kê cho đến nay vẫn chưa có, nhưng sơ qua các trường hợp được điểm danh trên báo chí có lẽ tổng cộng vào khoảng dưới 30 trường hợp.
Với hàng triệu lượt thanh niên tình nguyện lặn lội khắp trên rừng dưới biển mỗi năm, tỷ lệ tai nạn như trên không phải là cao, nhưng nó gây chấn động và hoang mang.
Nhìn lại một số trường hợp tử vong khi đi tình nguyện, đáng tiếc không ít trong số đó là do các bạn chủ quan hoặc quá sơ ý. Như bạn N.T.H, sinh viên năm 2, trường Cao đẳng xây dựng số 3 ở Phú Yên tử vong năm 2007 khi tham gia mùa hè tình nguyện.
Bạn và nhiều sinh viên tình nguyện khác xuống sông tắm dù đã được thanh niên địa phương ngăn cản vì sông chảy rất mạnh, lòng sông sâu nguy hiểm. Đến khi bạn bị đuối sức thì do bạn vẫn mặc cả quần jean, nước ngấm vào nặng trĩu bó cơ thể khó vận động và nước chảy quá mạnh nên bạn bè không kéo vào bờ nổi.
Các trường hợp còn lại ở Thái Nguyên, Hà Giang, Cần Thơ... cũng hầu hết do đi tắm suối sau khi hoàn tất công việc nhưng không thông thạo địa hình nên bị nước cuốn.
Không chỉ tập huấn, hay “đánh bóng”
Ở góc độ khác, một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn xảy ra với thanh niên tình nguyện chủ yếu là do nhà trường (hoặc đơn vị tổ chức) chưa có những đợt tập huấn phù hợp và những kiến thức cho thanh niên khi đi làm tình nguyện tại các địa phương. Một cán bộ Đoàn của một trường đại học cũng cho rằng:
“Thực tế, nhiều bạn tình nguyện rất muốn giúp đỡ người khuyết tật nhưng đến chiếc xe lăn còn không biết đẩy thì giúp như thế nào, cho nên chúng tôi rất quan tâm tới các kỹ năng. Chúng tôi cũng thiết lập riêng hệ thống công nghệ thông tin, website, fan page của huyện và thường xuyên tập huấn, đào tạo cho các cán bộ, tình nguyện viên”.
ThS Bùi Trung Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: “Trong hoạt động tình nguyện, nhà trường luôn đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Khi về tình nguyện tại địa phương, chúng tôi tổ chức tập huấn kỹ cho các em sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn tình nguyện.
Sau khi xuống địa phương khảo sát ít nhất 3 lần, Đoàn trường sẽ lập kế hoạch hoạt động đưa cho các cấp cơ sở đoàn để họ báo cáo lên chính quyền địa phương, yêu cầu sự hỗ trợ nhằm hạn chế rủi ro. Chúng tôi luôn quán triệt, khi làm việc các em phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết, chứ không phải cứ cố làm để đạt chỉ tiêu”.
Và trên trang cá nhân của Hạ Hồng Việt, chàng sinh viên năm cuối trường Đại học Công Nghệ (ĐH Quốc Gia HN) cũng chia sẻ những suy nghĩ về các phong trào tình nguyện hiện nay, cũng như đưa ra quan điểm về “tình nguyện” và “cống hiến”. Việt chia sẻ:
Trong quan điểm của mình, không phải chỉ ở những nơi hẻo lánh, hoang vu và thiếu thốn mới cần cống hiến, không phải đi thành đội nhóm và giơ cao khẩu hiệu mới là cống hiến. Huy động trẻ con ngay trong khu phố nhà bạn đi quét rác, làm vệ sinh xung quanh nơi ở cũng là tình nguyện.
Lập một nhóm thanh niên đi nhổ tóc sâu cho những người già tổ hưu cũng là tình nguyện. Đi đẩy xe rác phụ bác lao công, lập đội đi sơn lại những bức tường chung loang lổ những ký tự KCBT và số điện thoại, đi bóc hết mấy tờ giấy dán chằng chịt trên cột điện để làm đẹp khu phố...
Còn cô Nguyễn Khánh Ly, giáo viên, phụ trách hoạt động Đoàn khoa tiếng Pháp, ĐH Hà Nội khẳng định:“Tôi không phủ nhận, có những hoạt động tình nguyện vô bổ, không mang lại giá trị gì.Thậm chí, nhiều chương trình còn quan trọng số lượng, thành tích, chỉ để mang về bằng khen, giấy chứng nhận vô nghĩa”. Đoàn trường ĐH Phương Đông cũng chỉ ra, ở đâu đó sẽ có những bạn trẻ đi tình nguyện hời hợt, với mong muốn đánh bóng tên tuổi, thậm chí check-in, đi theo nhóm.
Cần có chế độ chính sách cụ thể
Quay trở lại sự việc 3 sinh viên gặp nạn, UBND huyện Bình Liêu, Quảng Ninh cũng đã có những hỗ trợ gia đình các em khá kịp thời, thiết thực...
Tuy nhiên, về ý kiến trao bằng khen cho 3 sinh viên trên, ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sẽ không có hình thức khen thưởng nào từ phía huyện Bình Liêu. Các nữ sinh chưa đạt được thành tích gì, khi hoạt động tình nguyện cũng không thông qua chính quyền huyện mà chỉ nhờ Huyện Đoàn Bình Liêu giới thiệu xuống địa phương để hoạt động”.
Điều này cho thấy, do cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tổ chức, các cấp cơ sở đoàn, cũng như chính quyền địa phương lỏng lẻo, khiến cho các em bị thiệt thòi khi tai nạn xảy ra.
Với những bất cập trên, nhiều vấn đề đặt ra, đã đến lúc cần phải thay đổi hình thức thanh niên tình nguyện vì nó đã lỗi thời, không phù hợp. Có nên tồn tại những chuyến đi dài ngày, hay có nên tiếp tục duy trì những chương trình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mất an toàn cho người tham gia? Thậm chí, mang nặng tính hình thức, “phong trào” mà ít đem lại hiệu quả.
Theo anh Vũ Minh Lý, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chính sách đối với hoạt động tình nguyện.
Theo đó, trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện, đôi khi có những rủi ro xảy ra với tình nguyện viên. Chẳng hạn như bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, họ cần được hỗ trợ về chi phí y tế, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút.
Đặc biệt, thanh niên được hưởng những chế độ tương tự như thương binh. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động tình nguyện, tình nguyện viên cũng có thể được thụ hưởng các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để cuộc sống của họ được đảm bảo hơn.
Tuy nhiên, Nhà nước có những chính sách cụ thể đối với tình nguyện viên. Ví dụ, nếu hoạt động 3 tháng hè thì thanh niên sẽ được hưởng 3 tháng bảo hiểm.
Đồng thời, cần có cơ chế quản lý các hoạt động tình nguyện cho tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, qua đó hạn chế những mặt trái có thể nảy sinh, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Bên cạnh đó, cần có hình thức ghi nhận và tôn vinh xứng đáng những đóng góp của thanh niên tình nguyện.