Đừng để sâu gạo thành “đại dịch” như ốc bươu, gián đất

(PLO) - “Sâu gạo ngoài việc “đánh chén” các loài thực vật như ốc bươu vàng, nó còn ăn cả thịt sống, nếu tiến hành nuôi nhốt chung với rùa nó có thể gặm hết cả mai rùa chỉ trong vỏn vẹn vài giờ”, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật), cho biết. 
Sâu gạo được khoác tên ''sâu nuôi chim'' tại khu vực cửa khẩu.
Sâu gạo được khoác tên ''sâu nuôi chim'' tại khu vực cửa khẩu.
Siêu sâu không thể tồn tại ngoài tự nhiên?
Như PLVN đã có bài viết "Siêu sâu" Trung Quốc có là ẩn họa?, việc sâu gạo được nhập lậu, bán tràn lan đang làm dấy lên lo ngại sự mất cân bằng sinh thái giống như đại dịch ốc bươu vàng. Chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật).
Ông Hà cho biết, hình dáng bên ngoài của Super worm thường lớn hơn Meal worm và Mini worm. Kích cỡ trung bình của siêu sâu 4 – 6 cm, di chuyển nhanh, thân hình tròn nhẵn màu đồng và đặc biệt phàm ăn. Chúng cũng tồn tại lâu hơn hai loại sâu còn lại, sẵn sàng cắn chết nhau để sinh tồn. Sâu gạo là ấu trùng của một loài bọ cánh cứng Zophobas morio thuộc họ Tenebrionidae có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Vẫn chưa biết ai và chính xác khi nào nó được nhập lậu vào Việt Nam. 
Sâu gạo tiếng Anh gọi là superworm (Siêu sâu). “Sâu này ăn rất nhiều thứ, với kiểu ăn tạp giống ốc biêu vàng. Việc nhân nuôi tự phát, phát triển mạnh ở khu vực Nam Bộ, riêng miền Bắc chúng tôi chưa thống kê được cụ thể các cơ sở nhân nuôi”, ông Hà cho biết thêm.
Phân biệt sâu gạo bị cấm với các loại sâu bầy bán trên thị trường.
Phân biệt sâu gạo bị cấm với các loại sâu bầy bán trên thị trường. 

Theo đó, việc tự ý nhân nuôi và buôn bán sâu gạo tự phát đang tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa đến môi trường, sinh thái. Các chủ cơ sở nuôi, bán sâu gạo “qua mặt” các cơ quan chức năng bằng cách tự nhập từ Trung Quốc về rồi phân phối. Ngoài ra, việc nhập nhèm, đánh tráo tên gọi để phân biệt đâu là Super worm cũng là một nguyên nhân khiến sâu gạo công nhiên được phát tán trên thị trường.

Việc nuôi sâu gạo ngày càng “ăn nên làm ra” bởi nhu cầu sử dụng loại sinh vật này rất lớn. Việc nhân nuôi, phát triển loại sâu này cũng vô cùng dễ dàng. Theo chia sẻ trên một diễn đàn mạng của ông Bùi Phước Tâm (Tri Tôn, An Giang), sâu gạo từ lúc nở sâu con đến trưởng thành, hóa kiếp thành bọ và sinh sản đến chết kéo dài khoảng 8 tháng. Trong đó, thời gian sinh sản 3 tháng rưỡi với… cấp số nhân. Một cân giống có thể phát triển thành 130 kg sâu thương phẩm. Số lượng này nếu ước lượng với giá tiền bán ra hiện tại mỗi kg sâu gạo là 300.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại rất lớn.

Thế nên, từ khi xuất hiện thông tin Cục Bảo vệ Thực vật ban hành văn bản khuyến cáo, cấm phát tán sâu gạo, không ít ý kiến phản hồi cho rằng loài sinh vật này không thể tồn tại được ngoài môi trường tự nhiên, việc cấm đoán là hoàn toàn không cần thiết. Về quan điểm này, ông Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật) Lê Sơn Hà thẳng thắn bác bỏ: “Sâu gạo là loài sinh sống tự nhiên ở Nam và Trung Mỹ, như vậy nó không thể là con vật nuôi nhân tạo. Nó được người ta bắt về nuôi nên không thể nói là nó không tồn tại ngoài môi trường tự nhiên và không ẩn tàng nguy hại được”.

Cấm nhân nuôi là biện pháp thận trọng

Câu chuyện du nhập ốc bươu vàng một cách dễ dãi, thiếu kiểm soát cách đây 2 thập kỷ, dẫn đến nhiều diện tích lúa rộng lớn bị mất trắng là một minh chứng rõ nhất cho sự ảnh hưởng của dịch hại ngoại lai. Việc nhân nuôi tự phát gián đất cách đây ít lâu cũng là bài học để đời cho người nông dân. Một kg gián đất chỉ tốn 12.000 - 15.000 đồng tiền thức ăn. Giá bán trên thị trường dao động khoảng 120.000 - 160.000 đồng/kg. Một gián bố mẹ có thể sinh được khoảng 400 con gián đất con. Sau 30 ngày chúng có thể đạt trọng lượng 800 đến 1.000 con/kg. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là loại côn trùng nguy hiểm, có thể gây bệnh tiêu chảy, dịch tả.

Việc lơi lỏng, bỏ mặc sâu gạo phát tán hoàn toàn có thể tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành “đại dịch” giống hai sinh vật ngoại lai trên.

Trước quan điểm sâu gạo du nhập vào Việt Nam gần 10 năm, đến khi một số mô hình nuôi sâu phát triển ở mức độ nhất định thì Cục bảo vệ Thực vật mới cấm, vô tình làm khó người nông dân, Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật) Lê Sơn Hà cho biết: “Cấm thì không phải bây giờ mới cấm, trong pháp lệnh nghiêm cấm vật nuôi có điều khoản là cấm phát tán các giống ngoại lai không có trong danh mục được cấp phép. Việc nhân nuôi như một số nơi hiện nay đều mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ và trái quy định”. 

Ông Hà cũng khuyến cáo: “Để tránh thiệt hại có thể có cho môi trường sinh thái, ảnh hướng đến sức khỏe con người, đối với những vật nuôi gây hại tiềm ẩn, chưa được cơ quan nhà nước cấp phép thì người dân không nên tự ý nhân nuôi. Trước mắt chúng tôi mới tuyên truyền. Nếu người dân muốn nuôi phải lên đăng ký với cơ quan chức năng, lực lượng chức năng sẽ khảo nhiệm mức độ loại này với môi trường như thế nào. Sau khi nghiên cứu mới xem xét đưa vào danh sách vật nuôi hay không rồi mới cấp phép”.

Thực tế, đa phần người nuôi cá, chim cảnh thường mua sâu gạo về để dành cho chim, cá ăn dần. Họ “nhốt tạm” chúng trong túi nilông, xô, chậu… rất sơ sài. Nếu Super worm lọt ra ngoài và sinh sôi nảy nở trong thế giới tự nhiên, nguy cơ phá hoại mùa màng, gây nguy hiểm cho cây cối, thậm chí cả động vật sẽ rất khó lường.
Nghiêm cấm việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích Super worm

Công văn số 617/BVTV-KD ngày 24/4/2014 của Cục Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo:


- Sâu Super worm là loại côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu super worm là hành vi vi phạm pháp luật.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Super worm (Zaphobas morio). Quy định xử phạt các hành vi này theo Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Đọc thêm