"Siêu sâu" Trung Quốc có thực sự là hiểm họa?

(PLO) - Từ 1kg sâu gạo giống hay còn gọi là super worm – “siêu sâu”, sau 4 tháng nhân nuôi có thể phát triển thành 130kg sâu thương phẩm. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, loài sâu này có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tuy nhiên thời gian qua, nó được cung cấp “vô tư” từ Bắc chí Nam…
Sâu gạo được bày bán ở những cửa hàng thức ăn cho cá và chim.
Sâu gạo được bày bán ở những cửa hàng thức ăn cho cá và chim.
Lên cửa khẩu tìm “siêu sâu”
“Siêu sâu” super worm được nhân nuôi và phát triển mạnh ở Việt Nam khoảng 4 năm gần đây. Nó được dân chơi chim cảnh biết đến như là thứ thức ăn thường xuyên cho chim và các loại sinh vật như cá rồng, gà chọi… Loài sâu này được bán nhiều nhất ở các cơ sở bán chim cảnh, thức ăn nuôi chim. 
Theo một cơ sở chuyên cung cấp super worm ở “chợ chim” Yên Phúc (P.Phúc La, Q.Hà Đông), “siêu sâu” có giá khá cao, thường được bán lẻ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Dưới cái mác “sâu nuôi chim” bổ dưỡng, mỗi tháng một cơ sở phân phối lẻ có thể tiêu thụ hàng chục cân sâu gạo. Sở dĩ sâu gạo được giới nuôi chim cảnh “chuộng” như vậy là bởi nhiều ý kiến đánh giá loại thức ăn này sẽ giúp chim đẹp mã, siêng hót và có giọng hót hay hơn. 
Anh Nguyễn Hữu Phát, chủ một cơ sở nuôi cá rồng trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tây Hồ) cho biết thêm: “Cá rồng được dân chơi rất chuộng vì chúng là “thần tài’’ mang lại tài lộc cho gia chủ. Món khoái khẩu của loài cá này là sâu tươi, sâu gạo. Tính rẻ, mỗi cân sâu gạo có giá khoảng 300.000 đồng, khẩu phần ăn mỗi tháng của loại cá này ít nhất cũng tốn khoảng 600 – 700 nghìn đồng/con. Dân chơi chim nuôi các loại như chích chòe, khiếu, nhồng… cũng đều là loại ăn sâu nên số tiền đầu tư chắc cũng không dưới mức trên”. 
‘’Đại lý’’ phân phối sâu gạo lớn nằm sát mé chợ Đông Kinh khẳng định nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc.
‘’Đại lý’’ phân phối sâu gạo lớn nằm sát mé chợ Đông Kinh khẳng định nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc. 
Khi nghe đề cập đến nguồn nuôi sâu gạo, anh Tùng, chủ cửa hàng cung cấp thức ăn nuôi chim ở Yên Phúc khẳng định: “Loài sâu này chưa có ai nhân nuôi được vì nó rất khó nuôi, chúng tôi đều lấy hàng từ Trung Quốc. Ở mình nếu có nuôi thì chủ yếu là khu vực miền trong”.  Tuy nhiên, khi khách hỏi về cách chăm sóc, bảo quản sâu gạo để cho chim, cá ăn dần thì chủ cửa hàng lại hướng dẫn hết sức đơn giản. 
Người này tư vấn: “Đem sâu về thả vào trong một hộp nhựa, không đậy nắp. Hàng ngày cho ăn bã mía và một ít cám hoặc vụn bánh mỳ là nó sống được. Nếu em quên không cho ăn, bỏ 2, 3 ngày thì chúng vẫn sống nên em cứ yên tâm mua nhiều về mà dùng dần…”.
Theo nhiều nguồn tin, sâu gạo chủ yếu được nhân nuôi số lượng nhiều tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ như: Lâm Đồng, Phú Yên, Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long… và được những người dân nơi đây coi như “mô hình kinh tế mới” mang lại thu nhập cao. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Hữu Thanh (huyện An Phú, tỉnh An Giang) là chủ hai trang trại nuôi sâu gạo lớn ở An Giang và Kiên Giang. Anh Thanh có hơn 50 khay nuôi sâu gạo. Mỗi ngày xuất bán 6-8kg sâu, với mức giá trung bình 100.000/kg, trừ hết chi phí, cơ sở nuôi này cũng mang lại không dưới 20 triệu đồng/tháng.
Riêng khu vực miền Bắc, cách tìm nguồn “siêu sâu” dễ nhất là các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Một chủ đại lý ở cửa khẩu Tân Thanh cho biết, sâu gạo phát triển tốt nhất là vào tiết xuân, từ tháng 2 đến tháng 4. Trời quá nóng hoặc quá lạnh sẽ cản trở sự phát triển của sâu, các cơ sở nuôi bên Trung Quốc sẽ hoạt động cầm chừng. Thời điểm này, nguồn hàng khan hiếm nên giá phân phối cũng bị đẩy lên nhiều lần. 
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến “đại lý” phân phối sâu gạo lớn nằm sát mé chợ Đông Kinh (P.Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn). Cửa hiệu tuy nhỏ nhưng bày la liệt các loại cám chim, lồng chim và những xô, chậu nhung nhúc sâu. Chủ cửa hàng tuổi ngoài 40 cho biết: Các “mối” ở Hà Nội cũng thường lên đây đặt sâu, dĩ nhiên loại hàng này chỉ bằng nửa giá so với các “đại lý phân phối cấp 3”. Cụ thể, mỗi cân sâu các loại có giá dao động 100.000 – 150.000 đồng/kg. Về Hà Nội chúng bị “thổi giá” lên tới 300.000 – 350.000 đồng/kg. Nguồn hàng chủ yếu từ  Trung Quốc và muốn có số lượng lớn phải hẹn trước một tuần. 
Nhập nhèm trong việc phân biệt super worm 
Thông tin từ cơ quan chuyên môn, sâu gạo chưa có tên trong “Danh sách vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam” và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy, việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu super worm là hành vi vi phạm pháp luật. Từ trung tuần tháng 5 vừa qua, hàng loạt chi cục bảo vệ thực vật các tỉnh đưa ra khuyến cáo cấm nhân nuôi, phóng thích sâu gạo. 
Có một điểm chung giữa các điểm phân phối sâu gạo ra thị trường là các chủ hàng đều chưa hề biết tới hoặc phản ứng khá bất ngờ với việc cấm nhân nuôi và phát tán loài sinh vật ngoại lai này. Bà Thanh, chủ một đại lý giáp cửa khẩu Tân Thanh khẳng định: “Tôi chưa hề nghe qua có việc cấm buôn bán hay nhân nuôi loại sâu này”. 
Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi như: agriviet.com, arowana.com…, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ và phản ứng tiêu cực trước thông tin hàng loạt chi cục bảo vệ thực vật các tỉnh đưa ra khuyến cáo cấm nhân nuôi, phóng thích sâu gạo. Một thành viên có tên Nhà Nông Tập Sự than vãn: “Thông tin này cực kì gây bất ngờ bởi thực chất loài sâu này mà thả ra môi trường tự nhiên thì chúng chết ngắc ngay, làm gì có khả năng gây hại cho môi trường, cây trồng. Bao nhiêu bà con nông dân đã phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để có thể nuôi thành công loài này, bởi thực tế nuôi rất khó do khí hậu không hợp và chúng rất dễ bị bệnh chết...”.
Trên một khía cạnh khác, các chủ cơ sở bán super worm khi được hỏi thường mập mờ về tên gọi từng loại sâu. Không ít cơ sở phủ nhận rằng hoàn toàn không hề bán super worm mà chỉ bán… sâu rồng (sâu dành làm thức ăn cho cá rồng – PV), sâu nuôi chim… Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn trong tên gọi, đặc biệt những người chưa phân biệt được thường gọi chung chung các loại sâu trên thị trường bằng tên… sâu gạo. 
Ở Việt Nam, “sâu nuôi chim” được chia làm 3 loại là: super worm (còn có tên khác là sâu gạo, siêu sâu – PV), meal worm và mini worm. Điểm chung của 3 loại trên là chúng đều rất phàm ăn. Tuy nhiên, kích cỡ, đặc điểm sinh trưởng và giá cả phân phối chúng trên thị trường có nhiều nét khác nhau. Việc không biết hoặc nhầm lẫn loại sâu bị cấm super worm vô tình đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều…
(Còn tiếp)

Đọc thêm