“Nhà biên kịch” tài ba
Vừa bước chân vào nhà, cô đã thấy chồng mặt lì lì ngồi ở bàn uống nước. Anh chẳng buồn dắt xe cho cô vào nhà, lạnh lùng bảo: “Em lên phòng, anh cần nói chuyện”. Cô chưa hiểu chuyện gì nhưng cũng xách túi lên phòng, đi qua bếp thấy cái liếc mắt dò xét của mẹ chồng.
Vừa bước vào phòng, chồng đã làm một tràng: “Anh quá thất vọng về cách cư xử của em. Em không thể cố gắng đối xử tốt với mẹ anh một chút được à? Bao nhiêu lần anh nói với em, mẹ già rồi, vất vả chăm lo cho anh, giờ là lúc anh báo hiếu thế mà lấy vợ về để mẹ phải khổ thì còn ra gì...”. Cô cứ tròn mắt không biết mình đã gây ra tội gì mà chồng nói không vuốt mặt được.
Sau một hồi nói qua nói lại cô mới vỡ lẽ. Thì ra anh được mẹ kể rằng con dâu bắt mẹ chồng lau dọn 3 tầng nhà tới mức ngã bong gân chân. Cô thở dài cái thượt, cô chưa hề nhờ vả bà lau nhà. Bà cứ thích là làm rồi lại than mệt mỏi, khó chịu với con trai.
Thực ra cô đã quen với những “kịch bản” kiểu này của mẹ chồng. Cứ vài ngày lại một chuyện. Hôm thì bữa cơm chỉ có vài miếng đậu lèo tèo và bát canh rau dền suông, anh cằn nhằn nói chẳng có thức ăn, không nuốt nổi. Hôm thì mẹ chồng ngồi lủi thủi ăn mì tôm sống và cố để con trai thấy. Hôm thì cô đưa cho bà tiền điện nước rồi nhưng bà giấu đi không chịu nộp để nhà bị cắt điện. Nhà mất điện tối om, vợ chồng tranh cãi về việc con dâu không chịu đưa tiền sinh hoạt phí cho mẹ chồng. Sự thực là cô luôn đưa đầy đủ, thậm chí còn dư cho bà nhưng bà nhất định không nộp, không tiêu.
Ngày thì lại có chuyện cô đuổi cháu họ nhà chồng không cho ở ôn thi. Rồi chuyện họ hàng trong quê ra mà cô không thèm tiếp lại bỏ đi, coi thường nhà chồng... Sự thực đằng sau những câu chuyện này lại là mẹ chồng cô tiếc của nên mới bảo cháu họ ra ngoài thuê nhà ôn thi cho tiện. Và cũng không có chuyện cô bỏ đi không tiếp khách, cô chỉ đi mua thuốc cho mẹ đẻ đang ốm rồi về nhà ngay...
Sau những câu chuyện mẹ chồng làm “biên kịch”, vợ chồng cô lại có “cơ hội” căng thẳng. Cô có nói thế nào chồng cũng không chịu tin. Thậm chí có bán tín bán nghi thì anh cũng chọn phương án đứng về phía mẹ mình. Những lúc như thế cô chính xác là người dưng nước lã không hơn không kém.
Bà luôn vẽ hình ảnh cô xấu xí trong mắt con trai. Bản thân cô cũng không hiểu vì sao bà lại khó chịu với cô thế? Trong khi nhiều bố mẹ chồng mong con trai hạnh phúc thì cô có cảm giác bà chỉ muốn con trai và con dâu ghét nhau.
Bà nhiều mưu lắm và rất giỏi làm cho con trai nghe và tin mình. Dù trước khi lấy anh, cô đã được nhiều người cảnh báo là làm vợ đã khó, làm dâu còn khó hơn nhưng cô khá tự tin. Cô là con nhà gia giáo, được mẹ dạy dỗ nữ công gia chánh đầy đủ, lại đủ thông minh, khéo léo. Ấy vậy mà gặp mẹ chồng, cô vẫn nhiều pha “đứng hình”. Từ ngày lấy anh, cô chẳng được mấy ngày yên ổn, hai vợ chồng toàn tranh cãi những thứ rất vớ vẩn, chủ yếu liên quan tới mẹ chồng.
Mẹ chồng cô ở vậy nuôi con hơn 20 năm, một thân lo cho anh ăn học nên cô cũng hiểu trong mắt anh, mẹ rất vĩ đại. Chồng cô cũng là một người con hiếu thảo. Anh không những cư xử tốt với mẹ mình mà với bố mẹ vợ cũng quan tâm, chăm sóc.
Ngày hỏi cưới cô, anh cũng nói luôn rằng: “Anh không thể bỏ mẹ dù có chuyện gì xảy ra. Cho nên anh cũng mong em cư xử tốt với mẹ để anh không phải rơi vào cảnh chọn mẹ hay chọn vợ”. Cô hiểu điều anh nói nên cũng nỗ lực để xây dựng tổ ấm của mình nhưng mới 1 năm mà đã khó sống thế này.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tự cứu mình bằng máy ghi âm
Sau nhiều đêm không ngủ, cô đã “lên kế hoạch” minh oan cho bản thân. Cô mua một chiếc máy ghi âm, xin nghỉ làm về sớm để nói chuyện với mẹ chồng. Cô nhẹ nhàng nhưng cương quyết hỏi thẳng mẹ chồng những chuyện mà chồng cô mắng mình. Từ chuyện cô đưa tiền sinh hoạt phí hàng tháng thế nào, việc nhà tới chuyện tiếp họ hàng ra làm sao...
Mẹ chồng vẫn “hồn nhiên” nói với con dâu rất bình thường. Bà cũng đủ khéo để không đối đầu với con dâu. Bà vẫn bảo đủ tiền sinh hoạt phí, vẫn nói mẹ hiểu chuyện con về mua thuốc cho mẹ đẻ, vẫn nói chuyện ngại cho phí sinh hoạt phát sinh nên cho cháu họ ra ngoài ở... Thậm chí bà thẳng thắn chân bà không bị bong gân, chỉ là bà đi chợ vấp phải hòn đá nên hơi đau.
Bằng sự khéo léo của mình, cô “moi” được nhiều thông tin “đắt giá” từ mẹ chồng. Cô cũng chẳng dại vặn vẹo bà sao lại nói thế này, thế kia với chồng mình. Cô tỏ ra ngoan ngoãn và nói nếu có gì không phải mẹ chỉ dậy con thêm. Con mới làm dâu chưa hiểu hết tính mẹ và cung cách sinh hoạt của gia đình. Cuộc nói chuyện diễn ra khá êm ả.
Sau khi có file ghi âm quý giá đó. Cô rủ chồng ra quán cà phê, thuyết phục anh nghe hết đoạn ghi âm rồi đưa tai nghe vào tai anh. Cũng may, anh nghe những lời mẹ nói mà hiểu vợ hơn nhiều. Nghe xong anh bảo: “Chắc mẹ già lẩm cẩm rồi nên hay lẫn như thế. Thực ra từ nhỏ mẹ hy sinh hết cho anh, anh có được ngày hôm nay là nhờ sự tần tảo, vất vả của mẹ. Thôi lần sau anh sẽ công bằng hơn, nghe cả hai tai để đỡ tranh cãi đau đầu”.
Sau cuộc nói chuyện rõ ràng ấy, mỗi khi có việc gì quan trọng với mẹ chồng, cô lại phải dùng chiêu bài “máy ghi âm” để lưu trữ bằng chứng. Nhờ thế, chồng cô đã công bằng hơn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Không còn phải chịu ấm ức vì bị mẹ chồng “đổ điêu” nhưng trong sâu thẳm tâm can, cô vẫn thấy buồn và khó hiểu vì sao mẹ chẳng thể thương cô như con. Cô ước gì sẽ không phải dùng tới chiếc máy ghi âm đầy ám ảnh…