Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh thu hút rất nhiều người tham gia và trở thành tín đồ. Sự linh thiêng nơi cửa Đền, cửa Phủ cùng các nghi lễ huyền bí như sợi dây kết nối giữa cõi thiêng và cõi thực. Nhưng vốn dĩ “phàm trần ai tỏ sự tiên”, vô hình trung chúng ta chưa tỏ tường những gì đang diễn ra ở nơi đình thần Tam, Tứ Phủ.
Căn đồng là gì?
Hiểu theo đúng nghĩa của từ thì “Căn” tức là nguồn gốc, cội rễ (căn nguyên) của sự việc, hiện tượng và là cách nói khác đi của “nhân” trong “nhân quả”. “Đồng” tức là những đứa trẻ trong trắng ngây thơ. Cũng có khái niệm dân gian căn đồng: kiếp trước nợ Thánh kiếp này phải trả…
Theo Thanh đồng Trần Nhật Huy (người có 25 năm kinh nghiệm trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu) chia sẻ: “Căn đồng là những người có nhân duyên với Thánh tùy theo phước báo của họ. Tùy vào nghiệp của nhân sinh mà quyết định cuộc sống của họ như thế nào”.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, người có căn đồng là người sinh ra ở dương thế nhưng là con cái của cửa Tứ phủ công đồng. Tín ngưỡng thờ Tứ phủ cho rằng, người có căn đồng là người đã được các thánh chấm, tùy theo số mệnh của từng người để phụng thờ Thánh Thần.
Khi nào cần mở phủ trình đồng?
Văn chầu Thánh có câu: “Khai đàn mở phủ, xuất thủ trình đồng” để thể hiện đây là nghi lễ quan trọng bậc nhất với các người tham gia thực hành tín ngưỡng. Mở phủ, trình đồng như một lễ xuất trình với các bậc Thần, Thánh thông qua nghi lễ tâm linh với sự tham gia của nhiều những bề bậc.
“Xuất thủ trình đồng” là việc những người có căn Tứ Phủ trình diện lên Phật, Thánh thông qua nghi lễ. Đối tượng cần thực hiện nghi lễ này là những người mang “căn Tứ Phủ”, có nghĩa có nhân duyên với các vị Thánh, Thần mới cần thực hiện. Hiểu đơn giản, nếu ai có nhân duyên với các vị Thánh Tứ Phủ. Căn duyên tiền kiếp hay tại kiếp, tùy theo mức độ thì thực hiện khác nhau.
Thầy Cường (một thanh đồng tại Hà Nội) cho biết: “Người có căn số khi phải ra trình đồng thường trải qua một số giai đoạn tạm gọi “thử đồng”. Tùy vào mức độ nghiệp duyên của người đó, thường gọi là “cơ đày”.
Người đó có những biểu hiện như tâm thần bấn loạn, nóng cháy trong người, nói năng lảm nhảm, người như bị ốm, công việc tình duyên lận đận. Kỳ lạ, những người đó sau khi ra trình đồng đã khỏi bệnh và không ít người có khả năng bói toán, xem tướng”.
|
Mỗi người khi trở thành tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu cần dựa trên sự hiểu biết, tỉnh táo và thiện tâm của bản thân. |
Tuy nhiên, không phải ai có căn cũng phải trình đồng mở phủ. Một số cá nhân có yếu tố lừa đảo trục lợi thường lợi dụng lòng tin của mọi người để “bắt” ra trình đồng với nhiều lời lẽ mang tính đe dọa tâm lý.
Vì vậy, nhiều thanh đồng, pháp sư cũng khuyến cáo rằng, chúng ta không nên nhẹ dạ tin lời thầy bói để ra trình đồng mở phủ. Mà tùy vào sự cảm nhận nhân duyên của mình và mức độ nặng/nhẹ của căn số để thực hiện các nghi lễ khác nhau.
Trình đồng mở phủ là gì?
Nghi thức trình đồng mở phủ là nghi thức tối cao nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đây còn là nghi thức bắt buộc đối với một người muốn trở thành tín đồ của đạo Mẫu. Lễ mở phủ còn gọi là lễ ra đồng của một người có căn đồng, số lính. Sau khi làm lễ thì người có đồng mới chính thức thành một con đồng Tứ phủ.
Ý nghĩa của buổi lễ này là lời khẳng định của người có căn đồng tới thánh mẫu đình thần Tam, Tứ phủ “nguyện cắt tóc làm tôi, nối đời làm con với nhà Thánh” để từ đây cầu cho quốc thái dân an, gia đình có sức khỏe và tài lộc.
Nghi lễ trình đồng mở phủ - xuất thủ trình khăn
Chuẩn bị cho Lễ trình đồng mở phủ trước tiên phải tìm được Thầy có tâm, có nhân duyên để dẫn trình, chỉ bảo, tìm đền phủ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ “ra đồng”. Mọi sự chuẩn bị, hành lễ, ứng xử sau này đều dưới sự dìu dắt của Đồng Thầy.
Chuẩn bị đàn mã trong lễ trình đồng vô cùng quan trọng. Xưa các cụ thường dùng mã họa Hàng Trống là tranh vẽ để đơn giản hóa và tiết kiệm. Nay do điều kiện kinh tế khá hơn, thường dùng mã vật là các mô hình như thật. Bao gồm: Hoa man tài mã gồm voi, ngựa (long chu, mã tượng), các loại mũ; vàng hoa, bài vị; hia ngựa, thuyền rồng; Tòa sơn trang, núi giùm, hải sảo; hình tam đầu cửu vỹ, sớ tấu.....
Ngoài ra, đại lễ không thể thiếu lễ vật khao thỉnh Sơn trang gồm vật tiến cúng các loại đồ mặn, đồ mã, tiền vàng. Lễ tiến đàn Sơn trang là lễ quan trọng của ngày mở phủ. Cúng tiến Sơn trang gồm: Hoa quả thành tòa, động, đồ ăn, hải sản, bánh kẹo. Việc sắm lễ tùy tâm vì các cụ thường nói: “Giàu làm kép, hẹp làm đơn”, cốt ở tâm người chủ lễ.
Trong các tráp lễ Tứ Phủ, không thể thiếu gương lược, bút, sách, khăn, trà, cau trầu, trà, thuốc, gạo, tiền, quạt… Với 7 hoặc 9 quả trứng gà sống bọc trong giấy mã đỏ - xanh – trắng – vàng ứng với từng phủ. Chuẩn bị 4 chóe nước thanh tịnh ứng với từng Phủ (mâm phủ ở trên - giữa là dải cầu, dưới là chóe nước) với ý nghĩa các Thánh về ngự sẽ tắm mát cho tân đồng bằng nước được phù phép.
|
Để thành người hầu Thánh chân chính phải tu tâm, tu tính, tu linh, tu đồng. |
Còn các mâm như mâm quạt, lược, gương soi dâng cô Bơ Thoải Cung. Mâm hoa quả như ớt, ổi, táo, lê, gừng, chanh dâng cô Bé Thượng Ngàn xin lộc Sơn Trang. Mâm trứng, oản, thịt sống dâng quan hạ Ban như Ngũ Hổ, Thanh Xà, Bạch Xà.
Nghi lễ mở phủ được truyền từ các bậc tiền bối như cụ đồng Xuân, cụ Trang Công Thịnh, cụ Cao Sơn Hải… nối tiếp về sau như ông Lưu Ngọc Đức, ông Hùng Hoàng Mai… đều theo một quy tắc nhất định.
Trước khi mở phủ đều cho đệ tử tôn nhang, đội lệnh Tứ phủ. Sau khi pháp sư thực hiện khóa (phát tấu, cúng Phật - tụng kinh, cúng Thánh Mẫu, khao thỉnh Sơn Trang, Trần Triều, cúng chúng sinh) thì quan thầy vào khai đàn mở phủ.
Đàn mở phủ đồng thầy thường hầu 5 quan lớn và đến Chầu bà sang khăn cho tân đồng. Bốn vị quan lớn về chứng đàn, chứng sớ, mở bốn phủ: Thiên - Địa- Nhạc - Thoải. Chầu đệ nhị hoặc Chầu lục sang khăn chứng đàn mã của tân đồng trong lễ mở phủ.
Trong đàn duyên trình đồng không thỉnh Trần Triều và các Chúa bói ngự đồng để chứng lễ Tứ phủ. Sau khi được Đồng thầy sang khăn, đội cơi trầu, đồng tân sẽ hầu lần lượt từ thỉnh bóng Tam tòa Thánh Mẫu, mở khăn hầu từ các giá quan lớn trở đi.
Trong 3 năm tính từ ngày mở phủ người đó được gọi là tân đồng. Sau ba năm tân đồng được làm lễ tạn đàn Tứ Phủ và được coi là đồng thuộc - Thanh đồng. Qua 12 năm được coi là đạo quan và có thể đi mở phủ cho người khác.
Thanh đồng là những người lưu truyền văn hóa tín ngưỡng, văn hóa bản địa. Một số thầy đồng nói rằng: “Để thành người hầu Thánh chân chính phải tu tâm, tu tính, tu linh, tu đồng” nghĩa là phải trau dồi đạo đức, khi là lính của Tứ phủ, là ghế của Thánh nhập. Phải thể hiện đức độ, thiện tâm trong thờ phụng để trước là cứu mình, cứu gia đình con cháu mình, sau là kêu cầu cho bà con xóm mạc, khách lễ gần xa”. Đó mới là “cầu đạo cứu dân, phụng Thánh hộ quốc”.
Hiện nay, nhiều người dân vì cả tin, mê muội hiểu sai ý nghĩa của việc hầu Thánh dẫn đến những biến tướng như “đồng đua, đồng đú”, “đồng tiền, đồng lừa”. Vì vậy, mỗi người khi trở thành tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu cần dựa trên sự hiểu biết, tỉnh táo và thiện tâm của bản thân.
Không vì mê muội mà trình đồng mở phủ tràn lan theo phong trào, vô tình làm mất đi tính linh thiêng và trong sáng của nghi lễ. Mỗi người chúng ta đều có căn duyên, Phật Thánh tại tâm, chí nguyện lòng thành cầu đảo tất ứng.