Đừng nhầm lẫn giữa thương con và dung dưỡng sự ích kỷ

(PLVN) - Nếu như trước đây, con ngoan là phải biết đi thưa, về hỏi, lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm chỉ làm việc nhà, kính thầy, yêu bạn... thì ngày nay rất nhiều gia đình đồng nhất khái niệm một đứa trẻ ngoan phải là đứa trẻ học thật giỏi, giành nhiều điểm tốt, phần thưởng. Còn ông bà, bố mẹ sẵn sàng phục vụ con cháu từ A đến Z vô điều kiện.
Các gia đình của Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia cuộc thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2017.
Các gia đình của Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia cuộc thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2017.

Văn hóa gia đình bắt nguồn từ ứng xử

Sự thay đổi này có thể thấy thông qua rất nhiều hình ảnh diễn ra trong cuộc sống hàng ngày như: hình ảnh nam sinh cao to ngồi trên xe để người mẹ lội nước dắt xe; hình ảnh cha mẹ đi làm về lại tất bật lao vào bếp, còn con thì được ngồi xem tivi với lý do miễn việc nhà để lo việc học… 

Đồng ý rằng, cha mẹ nào cũng thương con, lo cho con, thế nhưng bên cạnh đó dường như họ cũng quên mất rằng “Thương con là cho con học hành, ăn uống đầy đủ, cố gắng làm sao để con không thua bạn bè. Chứ không có nghĩa là bao biện để rồi con cái được hưởng những điều lẽ ra hoàn toàn làm được.

Cho con ngồi như vậy làm chiếc xe thêm nặng nhưng điều đó lại dung dưỡng cho trẻ thêm sự ích kỷ, không biết chia sẻ, thiếu sự quan tâm người khác", như lời bày tỏ của một chuyên gia giáo dục trẻ em. 

Từ nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng xử trong gia đình như vậy mà vấn đề này đã trở thành một trong những khía cạnh để bình chọn danh hiệu Gia đình văn hóa ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể, theo ông Phạm Hoàng Long - Phòng xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thì, Vũng Tàu sẽ đưa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với việc thực hiện xây dựng gia đình văn hóa. 

Bởi để thực hiện thành công bộ tiêu chí này, mọi thứ vẫn phải xuất phát từ gia đình, gia đình là trung tâm của chương trình. Như vậy, danh hiệu gia đình văn hóa trước đây sẽ được cụ thể hơn khi có bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình lồng ghép vào.

Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có bảng điểm bình xét cụ thể tại các gia đình thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ngay đầu năm 2019, các gia đình sẽ đăng ký tham gia, cuối năm thì bình xét và đưa ra rút kinh nghiệm từng khâu cho thời gian tiếp sau.

Cuối năm 2020 tổng kết thí điểm Bộ tiêu chí 

Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy; Nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu; Yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo; Lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận; Chia sẻ.

Với từng tiêu chí cũng có những nội dung cụ thể như Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thuỷ; Nghĩa tình quy định: Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; Chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau…

“Để các mối quan hệ xã hội và ứng xử trong gia đình được tốt đẹp thì việc nhận thức và thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình có ý nghĩa quyết định. Đây là vấn đề đạo đức, giá trị xã hội, giá trị văn hóa mang những bản sắc riêng của từng loại hình gia đình, tộc người và quốc gia.

Trong những năm qua, hoạt động xây dựng nếp sống gia đình có thể nói chưa có điều kiện đi sâu vào xây dựng một hệ thống tiêu chí ứng xử trong gia đình để làm công cụ hiệu quả, cụ thể hơn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở. Ứng xử trong gia đình và tiêu chí ứng xử trong gia đình cần được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới” – theo ông Phạm Hoàng Long - Phòng xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Được xem là một trong nhiều giải pháp mà Bộ VHTTDL đã đề ra, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, mới đây trả lời truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi ban hành Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 8/12/2017 về việc thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, Bộ VHTTDL đã tổ chức lấy ý kiến các Sở VHTTDL và Du lịch, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động thí điểm bộ tiêu chí trong năm 2019-2020.

Đến nay, bộ tiêu chí đã được thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng văn hóa trên cả nước (bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Lào Cai, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thái Bình, Bình Thuận, Quảng Ninh) và các tỉnh, thành khác. Việc thí điểm tập trung vào công tác tuyên truyền nội dung, chú trọng truyền thông cộng đồng hướng tới các thành viên gia đình, các hộ gia đình. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ có đánh giá sơ kỳ và tổng kết vào cuối năm 2020. 

Đọc thêm