Tan đàn xẻ nghé vì bia rượu

(PLVN) - Nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé, người mất mạng, người tù tội, trẻ con bơ vơ vì gia đình bỗng chốc ly tán cũng vì bia rượu… Bia rượu là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). 
Nhiều bi kịch gia đình xuất phát từ rượu, bia.
Nhiều bi kịch gia đình xuất phát từ rượu, bia.

Đau lòng hơn nữa là nạn nhân của các vụ BLGĐ này phần lớn đều là phụ nữ và trẻ em. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều vụ án giết người, bạo hành với vợ, con sau khi đã say rượu bia… Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại…

Hàng loạt vụ giết người vì… ma men

Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Công Nam, sinh năm 1982, trú ở xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, năm 2005, Nam kết hôn với chị Lê Thị Kim Oanh, sinh năm 1983, sau đó đã có với nhau 2 con chung. Tuy nhiên, thời gian sau, Nam thường xuyên rượu chè khiến cuộc sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi chửi nhau.

Khoảng 16 giờ ngày 12/2/2019, Nam uống rượu say sưa rồi về nhà ngủ. Thấy chồng say sưa, chị Oanh tức giận mắng nhiếc. Nam tức giận vơ lấy con dao gọt hoa quả để trên nóc tủ trong phòng ngủ đuổi theo vợ, đâm một nhát vào bụng chị Oanh, khiến nạn nhân ngã quỵ.

Thấy bố mẹ xô xát, con gái của Nam và chị Oanh đang chơi ở phòng bên cạnh vội chạy sang. Lúc này, chị Oanh đã gục bên vũng máu. Nam vứt dao, bảo con đi gọi hàng xóm sang giúp đỡ cùng đưa chị Oanh vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, đến 18 giờ cùng ngày, chị Oanh đã tử vong.

Ngày 27/2/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1965 ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, về hành vi giết người, tuyên phạt mức án 18 năm tù giam.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, tối 19/11/2018, sau khi đi uống rượu say trở về nhà, Hải đã gây gổ với vợ là bà Nguyễn Thị Trao, sinh năm 1964 cùng ngụ tại tổ 6, ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành. Tại phòng ngủ, nghi ngờ vợ lấy số tiền 4 triệu đồng cất trong tủ nên Hải lớn tiếng tra hỏi vợ. Nhưng bà Trao khẳng định không lấy số tiền này.

Thấy Hải kiếm chuyện vô cớ nên bà Trao đã bỏ ra phòng khách ngồi xem ti vi cùng với cháu nội. Lúc này, Hải tiếp tục đi ra phòng khách chửi mắng bà Trao; bà Trao cự cãi lại thì Hải đi xuống bếp lấy con dao mũi nhọn cầm lên phòng khách đe dọa giết. Vì quá tức giận, bà Trao thách thức Hải. Lập tức, Hải cầm dao đâm vào ngực trái bà Trao rồi vứt dao xuống nền nhà. Bà Trao được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì mất quá nhiều máu.

Gần đây nhất là vụ một phụ nữ ở Phan Thiết, Bình Thuận bị chồng đổ dầu đốt chỉ vì 50.000 đồng tiền rượu. Người phụ nữ 30 tuổi đã chết vì giữ lại 50.000 đồng tiền rượu của chồng để mua thức ăn cho con.

Người chồng nghiện ngập, ma men trong người đã khiến anh ta dùng đầu đổ vào người vợ rồi châm lửa đốt. Chỉ khi lửa bùng cháy thiêu đốt vợ người đàn ông này mới tỉnh ngộ, lao vào dập lửa cứu vợ thì đã quá muộn. Vợ chết, chồng vào tù, bỏ lại 2 đứa con nhỏ bơ vơ…

Trong các vụ án, ám ảnh nhất là vợ vung tay sát hại chồng, vì rượu. Ngày 13/9/2016, tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An xảy ra một vụ án mạng đau lòng. Nạn nhân được xác định là ông Moong Văn Thịu (SN 1962) hung thủ không ai khác lại chính là người vợ của nạn nhân bà Moong Mẹ Phia (SN 1971, trú tại bản Thà Lạng, xã Bảo Thắng).

Theo đó, ông Thịu vốn nghiện rượu, mỗi lần say về nhà thường lôi vợ ra đánh đập, hành hung. Khoảng 13h ngày 10/9, ông Thịu lại trở về nhà trong tình trạng chếnh choáng hơi men. Như một thói quen ông la mắng, đánh đập vợ. Lúc này bà Moong Mẹ Phia đã dùng chiếc chày giã gạo của gia đình để chống trả. Người vợ dùng chày đánh vào bụng và sau gáy của chồng khiến ông Thịu tử vong sau đó.

Trước đó, TAND tỉnh Kon Tum vừa tuyên phạt Y Dập (38 tuổi, ngụ tại thôn 3, xã Pờ Ê, huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum) 8 năm tù về tội giết người. Theo đó, đêm 15/8/2015, Y Dập cùng chồng qua nhà A Troi ngụ cùng làng để uống rượu.

Sau khi về nhà, A Thương lại sai vợ đi mua rượu nợ để về nhậu tiếp. Y Dập không chịu đi, vợ chồng cãi vã rồi xô xát. Bực chồng, Y Dập chạy xuống bếp xách dao lên. Bị A Thương tước dao, Y Dập vớ cây củi dài khoảng 60cm, vật chồng xuống nền nhà đánh liên tiếp vào đầu, đạp nhiều nhát lên bụng, lên ngực khiến A Thương tử vong.

Cũng vì không chịu thấu người chồng say khướt thường xuyên đánh đập, hành hạ, dù đã có với nhau 5 mặt con, ngày 21/1/2014, khi chồng đi uống rượu về, bà Trương Thị Bài (56 tuổi), trú tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã vớ lấy con dao dưới giường chém liên tiếp 11 nhát vào đầu và người chồng là ông Đặng Công Toàn khiến nạn nhân gục xuống đất và chết ngay tại chỗ.

33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia. Trong số các hộ gia đình có người uống rượu bia, 10-15% hộ gia đình phải đối mặt với các vấn đề: bạo lực gia đình liên quan đến rượu, bia, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng; người uống rượu bia không muốn/không đủ sức khỏe để lao động, kiếm sống; người uống rượu bia không muốn/không đủ sức khỏe để đảm đương các công việc gia đình.

Ngoài ra, rượu cũng gây ra rất nhiều hậu quả làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình: tai nạn giao thông gây tử vong hoặc khuyết tật, ngộ độc rượu, tâm thần do rượu, mắc các bệnh hiểm nghèo do rượu…

Bà Nguyễn Thu Thúy - Phó Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho rằng, căn nguyên của BLGĐ là do tính cách gia trưởng, thích chèn ép, lấn vượt, áp đặt đối với vợ con của đàn ông.

Còn rượu là “chất xúc tác”, khiến cho cơn giận dữ leo thang đến mức độ nghiêm trọng và các vụ BLGĐ nguy hiểm hơn. Cùng một mâu thuẫn nhưng nếu uống bia rượu vào thì dễ dẫn đến bạo lực hơn so với không uống. 

Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh phân tích thêm, có một thực tế là nhiều hộ gia đình, nghèo đói, kinh tế khó khăn sinh ra những người chồng chỉ biết đến rượu, bia để “giải sầu” hoặc không ít trường hợp là vì nghiện rượu.

Hậu quả của việc nghiện rượu, sử dụng đến mức lạm dụng rượu, bia trong nhiều trường hợp đã sinh ra BLGĐ, dẫn đến gia đình mất hạnh phúc, tan vỡ, rồi người đàn ông lại tiếp tục tìm đến rượu, bia như một vòng luẩn quẩn. Người phụ nữ sống trong một gia đình có người nghiện rượu, hay say rượu không chỉ bị bạo lực về thể xác mà còn có nhiều trường hợp về tinh thần, tình dục.

Người phụ nữ sống trong một gia đình có người nghiện rượu, hay say rượu không chỉ bị bạo lực về thể xác mà còn có nhiều trường hợp về tinh thần, tình dục… Hơn nữa, bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng tới người bị bạo lực, chủ yếu là phụ nữ mà còn gây ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của trẻ em sống trong gia đình có bạo lực. Những hình ảnh đó không chỉ là nỗi ám ảnh của người phụ nữ mà đó còn là những kí ức ác mộng với đứa con.

Kết quả nghiên cứu của tổ chức Health Bridge về tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng rượu bia của người lớn cho thấy: 11% trẻ em bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi; bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn: 6,5%; phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình: 6,1%; bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác 3,8%...

Trẻ em lớn lên trong gia đình có bạo lực cũng chịu những tác động tiêu cực do bạo lực gia đình gây ra, ví dụ như buồn bã, rối loạn tâm lý, thiếu động cơ học tập, tách mình ra khỏi bạn bè, ít nói, nếu tình trạng đó kéo dài có thể dẫn đến mắc bệnh trầm cảm.

Nghiêm trọng hơn, khi trẻ em trực tiếp chứng kiến cảnh bạo lực ngay trong gia đình, chúng có thể sao chép hành vi của bố, mẹ, từ đó hình thành nên những thói xấu, thậm chí cha mẹ không thể giáo dục con cái khi chúng trưởng thành.

Trước những tác hại nghiêm trọng của việc lạm dụng đồ uống có cồn, Đại hội đồng Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực thi chính sách phòng ngừa tác hại của đồ uống có cồn. Hiện nay, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được Quốc hội thông qua, góp phần ngăn ngừa các thiệt hại về kinh tế, những tổn thất về sức khỏe do đồ uống có cồn gây ra, hướng tới một xã hội phát triển khỏe mạnh và bền vững. 

Song song, để giảm thiểu bi kịch gia đình vì rượu bia, người vợ cần chọn thời điểm để ôn tồn phân tích với chồng về những tác hại, hiểm nguy và những điều có thể xảy ra khi anh ta sử dụng rượu, các chất kích thích, thảo luận với nhau về phương pháp thực hiện. Nếu cần, có thể nhờ sự trợ giúp, khuyên bảo của “người lớn”, “có tầm ảnh hưởng” đến chồng. 

Rượu làm cho người ta không kiểm soát được hành vi, để rồi khi tỉnh ra, ân hận thì đã quá muộn. Theo quy định của Điều 14  Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, nếu phạm tội khi đã sử dụng rượu bia thì cũng không được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đọc thêm