Dùng nhiều không bằng dùng đúng

(PLVN) - Nhiều người vẫn nghĩ, sử dụng khẩu trang, nước rửa tay mọi lúc, mọi nơi sẽ an toàn trong “bão” dịch. Trên thực tế sử dụng sai cách còn nguy hại hơn không sử dụng.
Khẩu trang không phải là vật dụng “thần kì” có thể giúp người dân ngăn ngừa hoàn toàn virus gây dịch bệnh Covid-19.
Khẩu trang không phải là vật dụng “thần kì” có thể giúp người dân ngăn ngừa hoàn toàn virus gây dịch bệnh Covid-19.

Chị Lê Thị Thanh Thảo, giáo viên tiểu học, ngụ quận Tân Bình, TP HCM chia sẻ, từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, gia đình chị với 5 thành viên đã sử dụng hơn 20 hộp khẩu trang, mỗi lần tìm mua khẩu trang là mỗi lần khó.

Giải thích cho mức độ tiêu thụ của gia đình mình, chị Thảo chia sẻ: “Mỗi lần ra khỏi nhà chúng tôi đều sử dụng, từ đi siêu thị, đi làm, đi uống cafe hay đi bộ tập thể dục, tới công viên, ra cổng lấy hàng, đổ rác… Mỗi ngày mỗi người trung bình sử dụng hàng chục cái khẩu trang, mỗi ngày tốn nửa hộp đến một hộp là bình thường”.

Ngược lại, không ít người vì tiếc khẩu trang mắc mà tái sử dụng khẩu trang y tế nhiều lần sau khi sử dụng. Thậm chí có người còn… giặt lại khẩu trang y tế để sử dụng vì sợ hết hàng không mua được.

Tương tự, việc sử dụng nước rửa tay thế nào cũng tùy thuộc vào “cảm hứng” của từng người. Có người mỗi ngày rửa tay vài chục lần, rửa tay liên tục, cũng có người chỉ mỗi khi từ ngoài vào đến nhà mới rửa tay.

Trên thực tế, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khẩu trang không phải là vật dụng “thần kì” có thể giúp người dân ngăn ngừa hoàn toàn virus gây dịch bệnh Covid-19.

Việc tái sử dụng khẩu trang sẽ khiến các vi khuẩn, virus bám trong và ngoài khẩu trang có cơ hội tiếp xúc với mắt, mũi, miệng, hoặc bám vào các đồ vật chung quanh, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, khẩu trang cũ dùng nhiều lần hoặc giặt sẽ bị nhàu nát, mất tác dụng của lớp kháng khuẩn bên trong, thậm chí có thể sinh ra vi khuẩn tấn công hệ hô hấp của cơ thể. Và không hẳn khẩu trang đắt tiền, dùng mọi lúc, mọi nơi là có thể ngăn ngừa virus hiệu quả.

Cạnh đó, khi sử dụng khẩu trang y tế, cũng cần chú ý “cách ly” sau khi sử dụng, không vứt lung tung mà gói ghém kĩ để vào thúng rác bên ngoài.

Theo bác sỹ Huỳnh Minh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh, kiêm Trưởng khoa Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, khẩu trang vải nếu đúng quy cách, giặt sạch hàng ngày hay khi tiếp xúc với người ho, hắt hơi… sẽ có tác dụng không kém khẩu trang y tế, lại tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường, tránh bớt thải rác y tế ra ngoài tạo điều kiện cho người thu gom tái sử dụng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, những người khỏe mạnh, không xuất hiện các triệu chứng về bệnh đường hô hấp thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế, thay vào đó, người dân chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến những nơi tập trung đông người, phương tiện giao thông công cộng.

Cũng vậy, với trường hợp sử dụng nước rửa tay, rửa liên tục, rửa nhiều không bằng rửa đúng lúc, đúng cách: Rửa tay sau khi có tiếp xúc với các vật dụng bên ngoài, đặc biệt là tiền, các loại thẻ, nắm cửa… Rửa tay trước khi ăn uống hoặc đưa tay lên miệng.

Dịch bệnh đáng lo ngại, nhưng người dân thay vì sợ hãi, cuống cuồng thì nên trang bị cho mình những kiến thức đúng để phòng chống. Có nhiều cách để trang bị các vật phẩm y tế cũng như nhiều phương pháp phòng chống virus.

Không phải liên tục dùng khẩu trang, nước rửa tay, săn lùng mua thật nhiều các vật phẩm y tế để dùng dần là có thể an tâm, ngăn bệnh dịch đến. Ngược lại, sử dụng sai cách, tiêu dùng thiếu thông minh còn gây ra tác dụng ngược, trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, trục lợi.