Đừng xem nhẹ khâu lấy ý kiến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, UBND một TP phía Nam ban hành Quy chế tổ chức họp báo, quy định tổ chức họp báo định kỳ mỗi quý một lần và đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng. Bản quy chế này đặc biệt được các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm, khi có một số yêu cầu như phóng viên phải gửi câu hỏi trước họp báo 3 ngày, đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp phải phù hợp “tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác”.
Ảnh minh họa - Ảnh TTXVN.
Ảnh minh họa - Ảnh TTXVN.

Dư luận càng quan tâm hơn nữa, khi địa phương này đang có khoảng 65 cơ quan, văn phòng đại diện báo chí địa phương và Trung ương, với gần 1.000 cán bộ, phóng viên, nhân viên.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL - Bộ Tư pháp) sau đó đã vào cuộc, cho biết Quy chế trên là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, áp dụng lặp lại nhiều lần với các cơ quan, cá nhân. Bởi vậy, việc địa phương ban hành văn bản hành chính nhưng chứa QPPL là vi phạm Luật Ban hành VBQPPL.

Với nội dung yêu cầu cơ quan báo chí, phóng viên thường trú phải gửi câu hỏi ít nhất 3 ngày trước họp báo; Cục đánh giá, điều này trái quy định pháp luật, bởi Luật Báo chí và Nghị định 09/2017/NĐ-CP không đặt ra giới hạn thời gian cơ quan, phóng viên phải gửi câu hỏi trước họp báo.

Với nội dung câu hỏi của phóng viên tại họp báo phải phù hợp tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác; viện dẫn khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí “văn phòng, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích”; Cục nhận thấy quy định này phù hợp, song cách diễn đạt trong quy chế dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất.

Sau khi chỉ ra các tồn tại trên, Cục cho hay sẽ ban hành kết luận bằng văn bản về vấn đề này theo thẩm quyền. Trước mắt, Cục đề nghị địa phương xem xét, xử lý quy chế đã ban hành sao cho hợp lý.

Tiếp thu những ý kiến trên của Cục Kiểm tra VBQPPL, sáng 19/4, tại cuộc họp báo của địa phương này, đại diện cơ quan chức năng đã rất cầu thị khi cho biết sẽ tiếp thu và tham mưu cho UBND TP ban hành lại văn bản quy chế họp báo. Tuy nhiên, có một điều rất đáng tiếc, là theo công bố, quá trình tham mưu UBND TP ban hành quy chế này, cơ quan chức năng đã gửi xin ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. “Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng tôi không nhận được các ý kiến góp ý”, đại diện cơ quan chức năng nói.

Không chỉ trong công tác xây dựng văn bản, mà ngay cả trong thực hiện dân chủ, thì công tác lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, chủ trương, chính sách và các cơ quan, tổ chức có liên quan; là khâu rất quan trọng. Qua khâu lấy ý kiến này, không chỉ huy động được tri thức nhiều người, mà còn có thể giúp “nhặt sạn”, tạo sự đồng thuận, tránh việc văn bản ban hành nhưng không phù hợp có thể bị hủy bỏ… Trong thời đại internet, có thể lấy ý kiến với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tiện lợi như: Đăng tải trên trang thông tin điện tử, đăng báo, xin ý kiến qua mạng xã hội và các ứng dụng liên lạc; chứ không phải cứ là lấy ý kiến bằng văn bản giấy.

Người đại diện cơ quan chức năng địa phương trên đã nhấn mạnh: “Mục đích ban đầu và cuối cùng của quy chế này là cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và giúp cho cuộc họp báo đạt chất lượng hiệu quả cao. TP luôn mong muốn gắn kết, đồng hành cùng cơ quan báo chí”. Vì vậy, thông tin quy chế trên “không nhận được các ý kiến góp ý”, là điều các bên cần rút kinh nghiệm.

Đọc thêm