Ngọn núi Nhìu Cồ San nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Theo tiếng dân tộc Mông, Nhìu Cô San có nghĩa là “Sừng trâu”. Sở dĩ, nó có tên như vậy là bởi hình dáng của ngọn núi có 2 đỉnh chĩa ra giữa trời, đồng thời uốn cong cong như chiếc sừng trâu. Sở hữu độ cao 2.965m so với mực nước biển, Nhìu Cô San xếp thứ 8 trong danh sách 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
Theo lời kể của nhiều vị cao niên, năm 1920 Thống đốc người Pháp Auguste Jean-Marie Pavie đã bắt đầu cho xây dựng con đường đá. Năm 1927, con đường đá Pavi được hoàn thành với tổng chiều dài khoảng 100km, vượt đèo Gió (2.091m) thuộc dãy Nhìu Cồ San, kéo dài từ huyện Bát Xát tới thành phố Lai Châu ngày nay. Việc xây dựng một con đường vắt qua dãy Nhìu Cồ San sẽ giảm được quãng đường gần 150km từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sang huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Tuy nhiên, con đường đá cổ hiện nay chỉ còn chiều dài 17km kéo từ bản Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sang bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Dưới thời Pháp thuộc, con đường đá cổ này được ví như huyết mạch giao thông, với mục đích để thực dân Pháp vận chuyển hàng hóa, nông sản, vũ khí, quân Pháp... từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại. Bởi nắm giữ vai trò quan trọng đó, con đường đã được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến, được mài nhẵn, chiều rộng nhiều đoạn lên tới 3m. Với quy mô đó, mặc dù được xây dựng chạy xuyên rừng nhưng cả người và ngựa đều có thể đi lại thoải mái trên con đường này.
Để phục vụ tốt cho việc vận chuyển, suốt dọc con đường, người Pháp đã bố trí một hệ thống những đồn bốt đảm bảo an toàn cho toàn bộ con đường và phục vụ tuần tra, phòng thủ biên giới. Thậm chí, người Pháp còn xây cả một sân bay trên vùng bình nguyên rộng lớn gần bản Nhìu Cồ San để thuận tiện cho việc tập kết, vận chuyển hàng hóa. Bởi quy mô lớn, xây dựng ở địa hình hiểm trở nên việc hoàn thành con đường đá cổ Pavi đã gây hao tổn nhiều xương máu của những người dân phu địa phương.
Cả trăm năm qua, theo người dân hai tỉnh, tên gọi Pavi được đặt theo tên của vị Thống đốc người Pháp kể trên. Ngay trên “Bản đồ phía Bắc và phía Tây của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – 3/1954) con đường đá Pavi vẫn xuất hiện với tên gọi “Piste Pavie nay là QL – 12”.
Theo nhiều sử liệu, Auguste Jean-Marie Pavie (A.J. Pavie) sinh ra tại thành phố nhỏ Dinan (Pháp) vào 31/51847 và mất tại Thourie 7/5/1925. A.J. Pavie được ghi nhận là một công chức người Pháp, nhà thám hiểm và ngoại giao, người đóng vai trò trọng yếu trong việc thiết lập quyền kiểm soát của Pháp tại Lào trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ 19.
Trong phần đề cập về A.J. Pavie trên Wikipedia, năm 1879, Pavie được Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers - là người có quan hệ chặt chẽ với những người ủng hộ tư tưởng thuộc địa ở Pháp để mắt tới.
Pavie được Le Myre de Vilers bảo trợ, tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đầu chuyến khảo sát kéo dài 5 năm để thám hiểm một khu vực trải rộng từ vịnh Thái Lan cho tới vùng đại hồ nước ngọt Tonlé Sap ở Campuchia và xa hơn tới tận sông Mê Kông. Những chuyến khảo sát này mang tên “Chuyến khảo sát Pavie” hay “Phái đoàn Pavie”.
Người ta viết rằng, chuyến khảo sát của Pavie đầu tiên từ năm 1879 tới 1885, trải rộng trên khắp Campuchia tới tận Bangkok (Thái Lan). Chuyến thứ hai, từ 1886 tới 1889, khảo sát miền đông bắc Lào và sông Đà tại Bắc kỳ, tới tận Hà Nội. Chuyến thứ ba, từ 1889 tới 1891, bao gồm việc khảo sát sông Mekong từ Sài Gòn tới tỉnh Luang Prabang (Lào). Chuyến thứ tư, từ 1894 tới 1895, bao gồm các vùng lãnh thổ Lào giáp giới với Trung Quốc và Miến Điện tại tả ngạn sông Mekong, tới tận sông Hồng.
Mối quan hệ trực tiếp của A.J. Pavie với tỉnh Lai Châu được biết đến với sự kiện, năm 1887, Luang Prabang (là cố đô của Vương quốc Lào trong suốt khoảng thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16 – PV) bị Quân Cờ đen (một băng cướp từng hoạt động ở Trung Quốc xuống miền Bắc Việt Nam vào khoảng những năm 1985 – PV) và quân của Đèo Văn Trị (1849-1908, là thủ lĩnh người Thái Trắng, từng tham gia chống Pháp cuối thế kỷ 19 và sau đó hợp tác với người Pháp – PV) đánh cướp và đốt phá. Cuộc chiến này xảy ra nhằm giải thoát cho quân của Đèo Văn Trị đang bị quân Xiêm bắt giữ. A.J. Pavie lúc đó đã cứu vị vua Oun Kham của Vương quốc Lào khỏi vòng vây bằng cách chở ông trên phà xuôi dòng về Bangkok (Thái Lan). Nhờ sự việc đó, A.J. Pavie đã nhận được lòng biết ơn và tin tưởng của nhà vua với kế hoạch thuộc địa của Pháp.
Tiếp đó, A.J. Pavie thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Đèo Văn Trị, đàm phán để thả các em trai của ông Trị ra. Kết quả là một hiệp ước bảo hộ được ký kết năm 1889, thiết lập địa vị cho Đèo Văn Trị trở thành Chúa mười hai xứ Thái bên bờ tây sông Đà, nay là tỉnh Lai Châu và Điện Biên mà ông ta đang kiểm soát.
Suốt 100 năm qua, nhiều đồng bào dân tộc vẫn lựa chọn con đường đá cổ Pavi để di chuyển từ bản Nhìu Cồ San sang bản Sàng Mà Pho và ngược lại. Tuy nhiên, rất nhiều người và ngay cả lãnh đạo của hai huyện Bát Xát và Phong Thổ hiện nay đều không biết đến sự tồn tại của con đường đá cổ Pavi. Phải từ năm 2017 trở đi, con đường đá cổ này mới được nhiều người biết đến nhờ một số công ty du lịch tại địa phương.
Anh Lý A Sáng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lý A Sáng, là một trong những người đầu tiên đưa con đường đá cổ Pavi vào khai thác du lịch. Anh Lý A Sáng nhớ rằng, đầu năm 2017, anh được một porter kể rằng, anh ta vừa đi bộ từ Bát Xát sang thăm nhà vợ bên phía Phong Thổ và chỉ mất khoảng 3 tiếng. Người này nói, có một con đường đá cổ nhỏ nối 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, lâu nay những người đồng bào ở hai tỉnh vẫn đi theo con đường này để tiết kiệm thời gian.
“Con đường đá cổ này đã bị lãng quên cả trăm năm, phải tới giữa năm 2017, nhiều phương tiện truyền thông mới rầm rộ đưa tin về con đường đá cổ này. Sau đó, lãnh đạo hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu mới tổ chức khảo sát cắm lại định tuyến cho con đường.
Cuối năm 2017, để thuận tiện cho việc quảng bá, khai thác du lịch, người ta đã gọi tên con đường này là Pavi, theo tên người đã được cho là xây dựng con đường này”, anh Lý A Sáng hào hứng kể lại.
Khác với nhiều Công ty du lịch trên địa bàn, qua nhiều lần khảo sát, anh Lý A Sáng lựa chọn tuyến đường trekking cho du khách của mình bắt đầu từ bản Sàng Mà Pho tới bản Nhìu Cồ San.
Lý giải cho điều này, anh Lý A Sáng cho biết, du khách đi theo cung đường từ Lai Châu sang Lào Cai sẽ không phải lên dốc nhiều, độ dốc cũng không lớn, điều đó giúp du khách đỡ tốn sức hơn so với hành trình ngược lại.
Một ngày đầu tháng 11/2020, tôi may mắn có mặt trong đoàn trekking con đường đá cổ Pavi do công ty của anh Lý A Sáng tổ chức. Trên chuyến xe đêm khởi hành từ phố Hàng Vôi (Hà Nội), tôi tranh thủ tìm hiểu những câu chuyện, thông tin về con đường lát đá cổ Pavi.
Tuy nhiên, những thông tin tôi tìm được về điểm đến sắp tới của mình không có nhiều. Thứ lôi cuốn, thôi thúc tâm trí tôi nhiều nhất là những bức ảnh đẹp như tranh vẽ về con đường đá cổ Pavi và phong cảnh của cánh rừng nguyên sinh Nhìu Cồ San...
Sau một ngày đêm trải nghiệm tại Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), 8h sáng đoàn chúng tôi khởi hành đi bộ về phía bản Sàng Mà Pho - nơi bắt đầu con đường đá cổ Pavi từ phía Lai Châu.
Ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, quãng đường đi từ bản Sin Suối Hồ lên tới bản Sàng Mà Pho chỉ khoảng 10km nhưng chúng tôi liên tục phải dừng lại bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Những dải ruộng bậc thang trải dài xuống những thung sâu. Bốn phía là những dãy núi sừng sững, nhiều ngọn ẩn mình trong sương mù. Chỉ khi nắng lên rực rỡ và sương mù tan đi, khung cảnh hùng vĩ hoành tráng mới hiện ra, phô bày nét uy nghi giữa đất trời.
Đi được nửa quãng đường, chúng tôi phải gọi xe ôm bởi ai cũng thấm mệt. Con đường lên bản Sàng Mà Pho hội tụ đầy đủ những yếu tố khiến du khách có thể “đứng tim”. Một bên là vực thẳm, một bên là núi cao, đường xóc tới độ chúng tôi chỉ dám nhắm mắt, bám chặt vào hông người lái.
Chiếc xe máy chốc chốc lại ngả nghiêng, nhiều khi phải dừng lại vì bánh xe chồm lên đá. Mất gần 2 tiếng để đi hết quãng đường khoảng 2km, chúng tôi chỉ biết phải làm một việc duy nhất là tin tưởng vào tay lái của chàng trai Mông đang điều khiển xe.
Khoảng 17h, chúng tôi đến được bản Sàng Mà Pho. Chúng tôi ở lại căn nhà nghỉ được làm bằng gỗ của một cặp vợ chồng người Mông trong bản. Gọi là nhà nghỉ nhưng chỉ là một căn nhà gỗ truyền thống của người Mông.
Trong nhà có hai căn phòng có giường, phòng khách chỉ là một khoảng trống rộng với 4 chiếc đệm và chăn gối. Cũng chẳng thể đòi hỏi gì nhiều hơn vì người dân nơi đây vẫn nghèo, việc phát triển du lịch thực sự chỉ mới bắt đầu khi xuất hiện những đoàn khách muốn trải nghiệm, tìm hiểu về con đường đá cổ Pavi. Nhưng so với cả bản, có lẽ đây là căn nhà… sang trọng nhất.
Sau một ngày dài di chuyển, tôi tranh thủ thưởng thức cảnh hoàng hôn giữa núi rừng hùng vĩ từ bản Sàng Mà Pho. Giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, đứng ở bản Sàng Mà Pho, ánh hoàng hôn đổ dài xuống những mái nhà lợp tôn xanh, đỏ, vách gỗ ván ghép lại, lòng bỗng thấy nhẹ nhõm, mọi mệt mỏi suốt quãng đường tan biến.
Chiều tà, tôi ra đứng trước căn nhà nghỉ vì muốn ngắm nhìn kỹ hơn khung cảnh hùng vĩ trước mặt. Những đứa trẻ trong bản nghịch ngợm thấy có khách lạ tới bản liền xúm lại chỉ trỏ và trò chuyện…
Đang chìm đắm trong khung cảnh thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, tôi bắt gặp Tràng A Tủa, chàng trai người Mông trong bản. Biết đoàn chúng tôi đến đây để trải nghiệm và tìm hiểu về con đường đá cổ Pavi, vừa chỉ tay về phía 2 đỉnh núi trước mặt, A Tủa vừa giới thiệu đó là những thử thách mà ngày mai đoàn chúng tôi phải trải qua để sang được tỉnh Lào Cai. Tối hôm đó, đoàn chúng tôi nghỉ sớm để bắt đầu hành trình khám phá con đường đá cổ Pavi.
6h sáng hôm sau, đoàn chúng tôi dậy ăn sáng và chuẩn bị hành lý để lên đường. Chúng tôi có 4 porter là những người đàn ông trong bản, trong đó có cả Tràng A Tủa. Họ sắp xếp đồ của cả đoàn 10 người lên 4 chiếc gùi. Mỗi chiếc gùi nhẹ nhất cũng phải 20kg. Thấy đoàn khách rời đi, nhiều người thân của porter và người dân trong bản cũng tập trung lại để dặn dò và phần nhiều có lẽ để thỏa trí tò mò.
Tạm biệt bản Sàng Mà Phò, chúng tôi đi trên con đường đất nhỏ hướng về phía ngọn núi ngăn cách hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đoàn chúng tôi chỉ đi khoảng 300m, con đường lát đá đã xuất hiện dưới chân. Những viên đá to thì cỡ bánh xe, nhỏ thì cỡ nắm tay được lát đều trên con đường. Vì gần khu dân cư, người dân và trâu, bò đi nhiều nên những phiến đá nhẵn lỳ, nhiều chỗ bật mất mặt đá. Đến nhiều con suối, đường đá bị lũ cuốn trôi mất dấu.
Càng lên cao, khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên càng khiến chúng tôi thêm háo hức. Khoảng 5km đầu, con đường đá không dốc lắm, nhiều chỗ đường còn bằng hoặc thoải, thêm vào đó do vừa mới bắt đầu hành trình nên mọi người ai cũng hăng hái, đi nhanh và đều. Tuy nhiên, khi tiến sâu vào rừng già, những viên đá được phủ lên một lớp rêu xanh mướt cũng gây khó khăn cho việc di chuyển. Càng vào sâu trong rừng, càng lên cao, con đường càng trở nên hoang vắng.
Rêu xanh và sương mù càng khiến mặt đường trơn trượt, nếu không có giày bám đường tốt thì vồ ếch liên tục. Dù được trang bị giày leo núi, gậy chống chuyên dụng nhưng chúng tôi vẫn không thể theo kịp những porter như Lý A Di, Tràng A Tủa chân chỉ mang dép lê. Ở nhiều đoạn đường có độ dốc lớn, nếu chúng tôi phải khó khăn lắm mới leo lên được thì với những porter như họ lại chẳng lấy gì làm ái ngại. A Di bảo rằng, người Mông bao đời nay là dân tộc sống ở nơi cao nhất, bởi vậy, việc leo núi với họ dù ở độ cao hàng nghìn mét cũng chẳng lấy gì làm khó.
Hơn nữa, dọc con đường đá cổ Pavi này, người hai bản vẫn trồng thảo quả, nên việc gùi hàng nặng, đi lại trên con đường này là chuyện thường như cơm bữa. “Bình thường, người dân ở hai bản như chúng mình đi qua con đường đá Pavi này chỉ mất khoảng 2 - 3 tiếng thôi. Nhưng những chuyến đi gùi đồ, dẫn đường cho khách như này thì mới lâu. Tới chiều, đưa mọi người sang tới Lào Cai là chúng mình lại vòng lại đường này về thôi”, A Di hào hứng kể cho chúng tôi nghe bằng chất giọng lơ lớ tiếng phổ thông.
Con đường cứ thế trải dài, khá nguyên vẹn, chạy xuyên qua những nương thảo quả, những cánh rừng nguyên sinh đến tận bản Nhìu Cồ San. Càng đi sâu vào rừng, cảnh sắc càng khiến lòng người mê đắm. Cái đẹp của những cánh rừng nguyên sinh khó có thể diễn tả bằng lời hay một bức ảnh. Dù liên tục giơ máy ảnh lên chụp nhưng chúng tôi biết rõ, để thấy hết được cái đẹp nơi đây thì chỉ có thể nhìn trực tiếp, dùng cả lồng ngực để hít hà, tận hưởng tuyệt tác thiên nhiên này.
Điều thu hút nhất ở con đường Pavi là xuyên qua một khu rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học. Rừng được chia thành nhiều tầng với lớp thảo quả, các loại cây hỗn hợp thấp tầng, cao hơn là các loại cây lá kim, cây lá phong và các loại cây gỗ lớn ở phía trên. Chỉ cần một ánh nắng may mắn xuyên qua các tầng thực vật, đổ xuống một tán lá cũng đủ khiến du khách ngây ngất.
Khoảng 11h trưa, chúng tôi đến đỉnh đèo Gió, nơi được xem là phế tích của chiếc cổng phân chia ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Dù thời tiết đang nắng, nhưng lên tới độ cao hơn 2000m so với mực nước biển của đèo Gió, lớp sương mù dày khiến chúng tôi phải di chuyển chậm hơn và kéo cao cổ áo khoác bởi nhiệt độ giảm xuống thấp. Cả khu rừng già bao trùm một màn sương đục khiến ai cũng phải tập trung bước từng bước cẩn trọng trên con đường đá trơn.
Dùng lại nơi đỉnh đèo gió, Lý A Sáng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của về hai nấm mộ cỏ mà nhiều người già nơi đây thường kể lại: “Xưa kia, để xây dựng được con đường này, nhiều dân phu người Mông, Mán... bản địa đã phải bỏ mạng vì đói rét, nguy hiểm và cực khổ. Những người dân trong vùng đều cho rằng, linh hồn của những nạn nhân xấu số đó vẫn luẩn quẩn nơi đây, nên khi đi qua đèo Gió, để mong muốn chuyến đi được suôn sẻ, mọi người thường nhổ vài cây cỏ, nắm đất ven đường để đắp thành mộ cỏ chết đói bên phía Lai Châu và mộ cổ chết rét bên phía Lào Cai. Bên trong hai ngôi mộ này hoàn toàn không có xương cốt của người. Đồng thời, hai mộ cỏ này còn mang ý nghĩa là trả lộ phí cho thần rừng, thần núi để người dân có được một chuyến đi may mắn, thành công”.
12h, chúng tôi dừng chân ở một con suối bên phía Lào Cai để ăn trưa. Cây cầu bắc qua suối đã bị sụt mất một đầu, có lẽ nó được xây dựng từ thời Pháp thuộc cùng với con đường đá Pavi…
Bữa trưa của chúng tôi gồm cơm lam, bánh chưng gù và thịt nướng. Món thịt nướng được các porter bản địa nướng thơm nức mũi, ăn kèm lá tiêu rừng khiến chúng tôi được “hồi sinh” sau quãng đường dài mất sức. Ngồi nghỉ bên dòng suối nhỏ, tôi cởi giày và ngâm chân xuống suối. Nước mát lạnh! Cảm giác đôi chân được massage tuyệt vời đến nỗi tôi không muốn nhấc chân lên nữa.
Ngồi ăn trưa giữa một cánh rừng nguyên sinh phảng phất mùi hương thảo quả là một trải nghiệm không phải ai cũng may mắn có được. Bên tai, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót, gió thổi rì rào, mây trắng lững lờ trên nền trời xanh ngắt…. Đó là thành quả xứng đáng sau mấy giờ leo bộ mà cuộc sống nơi thị thành không thể có được.
Càng đi về phía Nhìu Cồ San thời tiết càng đẹp, trời nắng nhưng không gắt nên các thành viên trong đoàn cảm thấy khỏe và dễ chịu hơn. Theo triền núi, những nương thảo quả lớn do người dân địa phương trồng đang vươn mình xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp dân bản địa từ Lào Cai vào rừng làm rẫy hoặc sang bên Sàng Mà Pho thăm người thân. Những người dân địa phương cho biết, họ vẫn thường xuyên lựa chọn đi trên con đường này bởi chỉ mất vài tiếng có thể sang tỉnh bên cạnh, trong khi đi đường dưới núi dù có ô tô cũng phải mất tới 12 tiếng.
Điều đặc biệt thú vị là ở Nhìu Cồ San có một sân đỗ trực thăng từ thời Pháp. Sân đỗ là một khoảng đất rộng giữa một thung lũng. Phạm vi được đánh dấu bằng những hàng tường đá cao gần 1m. Những hòn đá chỉ được sếp chồng lên nhau nhưng vô cùng tài tình khi chúng lại đứng vững cả trăm năm qua.
Anh Lý A Sáng cho biết, sân bay này từng là nơi đỗ của trực thăng, tập kết hàng hóa và thậm chí cả lính Pháp... nhưng hiện nay chỉ còn lại là một khoảng trống rộng lớn và ngát một màu xanh.
Trước khi tới đích là bản Nhìu Cồ San, chúng tôi đi qua một địa điểm được gọi là Bãi chết rét. Theo Tràng A Tủa, ngày xưa, để đi tới được con đường đá này, người, ngựa từ xã Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) phải đi qua rừng già, đường rất khó đi. Vào mùa đông giá rét, tuyết rơi rất nhiều, người và ngựa đều đuối sức và đói, không ít người phải bỏ mạng tại đây. Cái tên Bãi chết rét, chết đói có từ độ ấy.
Khoảng 16h, chúng tôi đến được bản Nhìu Cồ San. Chúng tôi bắt xe ôm từ bản Nhìu Cồ San xuống tới xã Mường Hum để bắt xe về Sapa. Quãng đường 12km đường đất rừng chỉ có thể đi xe máy này mang lại cho chúng tôi những cảm giác mạnh như cách đó một ngày lên tới bản Sàng Mà Phò bên phía con đường đá cổ Pavi.
Vào tháng 8 – 9/2019, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lai Châu đã thành lập Đoàn khảo sát kết nối phát triển du lịch tại tuyến đường đá cổ Pavi. Sau khi khảo sát thực tế, các thành viên trong đoàn có nhiều ý kiến tham gia, góp ý, đề xuất giải pháp nhằm phát huy tiềm năng du lịch 2 xã, 2 huyện cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của con đường đá cổ Pavi. Đặc biệt, kết nối phát triển du lịch còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân 2 địa phương.
Một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng đường đá cổ, chỉ nâng cấp, cải tạo những điểm hư hỏng do người dân lấy đá kè ruộng nương; phát dọn sạch sẽ cỏ dại đảm bảo việc đi lại thuận hơn đối với du khách; tìm hiểu thêm để thông tin sâu, rộng giá trị văn hóa, lịch sử của tuyến đường đá cổ; 2 huyện, 2 xã tăng cường trao đổi thông tin nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa cộng đồng thông qua tuyến đường đá cổ; bố trí các điểm nghỉ chân hợp lý phục vụ khách tham quan, trải nghiệm tuyến đường…
Đồng tình với những kiến nghị nói trên, anh Lý A Sáng nói rằng, “Tiềm năng phát triển du lịch của con đường đá cổ Pavi là không còn gì cần phải tranh cãi. Tuy nhiên, trên thực tế, giao thông và cơ sở lưu trú là hai vấn đề lớn nhất đang gây trở ngại cho việc phát triển du lịch tại đây. Điển hình như ở bản Sàng Mà Pho hiện tại chỉ có 3 ngôi nhà do người dân tự bỏ tiền xây dựng làm nơi nghỉ chân cho khách du lịch. Quãng đường đi tới điểm trekking đều là đường đất, chỉ xe máy đi lại được, người dân bản địa và du khách đi lại vô cùng vất vả, khó khăn. Trước mắt, nếu muốn phát triển du lịch tại hai bản Nhìu Cồ San và Sàng Mà Pho thì phải giải quyết ngay hai vấn đề nói trên”.
Nói về việc phát triển du lịch từ con đường đá cổ Pavi, porter Lý A Di nói, từ ngày có các công ty tổ chức tour du lịch những porter như A Di đã có thêm thu nhập, cuộc sống cũng tốt hơn: “Muốn thì muốn có nhiều khách đến bản chúng tôi để đi thăm con đường đá cổ lắm nhưng đường xá đi lại khó khăn nên lượng khách hiện tại rất ít. Mình chỉ mong giao thông thuận lợi hết, khách du lịch đến nhiều hơn thì chúng tôi mới có khả năng thoát nghèo. Nhưng đó vẫn chỉ là ước muốn chứ chúng tôi sao có thể tự làm được, cái đó phải nhờ chính quyền”.
Hiện tại, Công ty của anh Lý A Sáng đang lên phương án tổ chức một giải chạy Marathon trên con đường đá cổ Pavi nhằm quảng bá du lịch của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đồng thời, đây cũng là dịp để hai tỉnh giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến vẻ đẹp hoang sơ của con đường đá cổ Pavi huyền thoại.