Nếu như các luật về tố tụng hiện hành quy định đương sự có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng (thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên...) thì Luật Thi hành án dân sự (THADS) lại không hề có quy định về thay đổi chấp hành viên. Điều này khiến cho nhiều đương sự bức xúc khi có họ chứng cứ về việc chấp hành viên có thể không đảm bảo tính khách quan khi thi hành nhiệm vụ.
Thêm quyền cho các bên đương sự
Chị Hoàng Thu Hương ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là người được thi hành án trong một vụ chia thừa kế. Theo bản án này, chị được chia gần 100m2 đất từ người em họ sống ngay cạnh nhà. Án có hiệu lực, song khi biết chấp hành viên thụ lý vụ kiện này là anh T. thì chị Hương nhất định không đồng ý.
Theo phản ánh của chị Hương, anh T. cũng là bà con xa với người phải thi hành án, nhiều lần chị thấy chấp hành viên này có biểu hiện “thân mật” với “phía bên kia”. Chị cho rằng vì lý do này mà dù án đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa được thi hành (chứ không phải vì người phải thi hành án không có điều kiện). Chị Hương đã làm đơn đề nghị thay đổi chấp hành viên khác để đảm bảo tính khách quan nhưng không được cơ quan thi hành án đồng ý.
Qua thực tiễn giải quyết đơn thư khiếu nại của các địa phương trong lĩnh vực thi hành án cho thấy có nhiều yêu cầu đề nghị thay đổi chấp hành viên, tuy nhiên, do chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này nên yêu cầu thường bị từ chối. “Nếu đương sự có những chứng cứ cụ thể về việc chấp hành viên có thể không khách quan khi thi hành nhiệm vụ thì cơ quan thi hành án có thể xem xét. Tuy nhiên, ngay bản thân người yêu cầu nhiều khi cũng không cung cấp được chứng cứ”. Một Cục trưởng THADS nói.
Trong khi một số luật tố tụng quy định rất rõ các trường hợp bị thay đổi người tiến hành tố tụng (ví dụ Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định có thể thay đổi thẩm phán, hội thẩm, thư ký Tòa án; Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng quy định những trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký Tòa án...) thì pháp luật về THADS lại không có quy định về thay đổi chấp hành viên.
Điều này là không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự. Vì thế, theo Bộ Tư pháp: “Một quyền rất mới mà Dự án Luật Sửa đổi Luật THADS đã bổ sung cho đương sự, đó là quyền được yêu cầu thay đổi chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành án”. Cũng theo Bộ Tư pháp: “Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng trong các thủ tục tố tụng, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức THADS, tạo niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động THADS”.
Người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực
Cùng với việc bổ sung yêu cầu được quyền thay đổi chấp hành viên, Dự thảo Luật Sửa đổi Luật THADS quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các bên trong THADS. Đơn cử, để khắc phục tình trạng người phải THA khai báo gian dối hoặc trốn tránh khai báo không đầy đủ về tài sản của mình, Dự án Luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó.
Đây là quy định vừa khuyến khích sự tự nguyện thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, ràng buộc trách nhiệm của người phải thi hành án đối với nghĩa vụ thi hành án, vừa giảm tải trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí của Nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án.
Tiếp tục khẳng định Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án, Dự án Luật cũng làm rõ hơn trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản để thi hành án thì cơ quan thi hành án không phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm mới của cơ quan THADS phải công khai thông tin về tên, địa chỉ và nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định của pháp luật, mặc dù có điều kiện mà họ cố tình không thi hành án hoặc không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp “ma”, người phải thi hành án bỏ địa phương đi đâu không rõ.
Quy định mới này nhằm nhắc nhở người phải thi hành án cân nhắc, lựa chọn biện pháp tự nguyện thi hành án, hạn chế các trường hợp không chấp hành án, góp phần giảm tải chi phí, thời gian, trách nhiệm của Chấp hành viên và người được thi hành án trong tiến trình tổ chức thi hành án...
Việc công khai thông tin về tình hình hoạt động, về khả năng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án sẽ giúp cho các giao dịch mới thận trọng hơn, đảm bảo hơn, tránh lặp lại quy trình tranh chấp, khiếu kiện, thi hành án.
1. Người phải thi hành án có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc tổ chức có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án;
b) Được thông báo và nhận thông báo về thi hành án theo quy định của Luật này;
c) Thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
d) Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, nếu có lý do chính đáng;
e) Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án;
g) Được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật;
h) Được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án;
i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS)