Hàm lượng glucose cao có liên quan với trí nhớ kém ở người lớn khỏe mạnh và có thể là nguyên nhân khiến số trường hợp sa sút trí tuệ gia tăng.
Nghiên cứu ủng hộ những phát hiện trước đây cho thấy bệnh tiểu đường – đặc trưng bởi nồng độ glucose cao trong máu – có liên quan với tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Nhiều chuyên gia cũng đã thấy rằng đường huyết cao còn liên quan tới kích thước nhỏ hơn của hồi hải mã – vùng não được sử dụng để ghi nhớ các sự kiện.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học muốn tìm hiểu xem liệu glucose có tác động xấu đến trí nhớ ở người khỏe mạnh không bị tiểu đường hay không. Họ đã xem xét các chỉ báo đường huyết ngắn ngày và dài ngày ở 141 người lớn khỏe mạnh không có dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Các đối tượng được làm test trí nhớ và được chụp cộng hưởng từ để kiểm tra cấu trúc của hồi hải mã. Thử nghiệm cho thấy nồng độ đường huyết cao có liên quan với trí nhớ kém cũng như hồi hải mã nhỏ hơn.
Agnes Flöel, chuyên gia thần kinh của Trường Đại học Charité và là tác giả của nghiên cứu, cho rằng kết quả “cung cấp thêm bằng chứng rằng glucose có thể trực tiếp góp phần vào tình trạng teo hồi hải mã”.
Tuy nhiên, nghiên cứu không thể xác nhận mối liên quan nhân quả giữa sức khỏe của não và việc ăn nhiều đường. Các nhà khoa học sẽ tìm hiểu xem liệu những thay đổi về chế độ ăn và lối sống có đẩy lùi những thay đổi ở não hay không.
Gần đây nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị mọi người cắt giảm lượng đường xuống mức 5 thìa cà phê mỗi ngày, nhằm đối phó với tình trạng béo phì đang gia tăng.
Hướng dẫn của tổ chức Sức khỏe cộng đồng Anh khuyên phụ nữ không nên ăn quá 5 – 6 thìa đường mỗi ngày, còn nam giới không quá 7 – 8 thìa.
Hiện nay, người dân Anh tiêu thụ trung bình 15 thìa đường mỗi ngày, chủ yếu do lượng đường cao trong những thức ăn hằng ngày như nước trái cây, sữa chua, sng-uých và đồ ăn liền.
Nhiều thầy thuốc và chuyên gia muốn chính phủ bắt buộc các nhà sản xuất phải giảm lượng đường, đảm bảo sản phẩm được ghi nhãn rõ ràng và áp thuế cho nước ngọt, nhưng cho đến nay, những biện pháp này mới chỉ đang được xem xét. Đồng thời, các chuyên gia khuyên phụ huynh không cho trẻ uống nước quả hoặc nước ngọt trong bữa ăn và chỉ cho con uống nước hoặc sữa.
Trong khi một số bậc phụ huynh nghĩ rằng nước trái cây là tốt cho sức khỏe, thì nhiều chuyên gia dinh dưỡng lại nhấn mạnh rằng thức uống này có vai trò phần nào trong sự gia tăng mạnh của tỷ lệ béo phì, tiểu đường týp 2 và bệnh tim. Trẻ vị thành niên thường ăn nhiều đường hơn 40% mức khuyến nghị, còn người lớn ăn nhiều hơn 13%.
Một nghiên cứu công bố trên tờ British Medical Journal hồi tháng trước tuyên bố hơn 1/3 số người lớn ở Anh bị “tiền tiểu đường” – một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng tăng nòng độ đường huyết và do đó có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường týp 2. Tiểu đường týp 2, xảy ra ở người lớn, có thể lấy đi 6 năm tuổi thọ của người bệnh.